Ngày 18.6, TAND TP.HCM cho biết đã quyết định đưa vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) và các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, phương tiện đường thủy nội địa tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành ra xét xử, dự kiến kéo dài từ ngày 18.7 đến 18.10.
Phiên tòa sẽ được xét xử trực tuyến tại 2 điểm cầu là trụ sở TAND TP.HCM và trại tạm giam Chí Hòa (T30, ở huyện Củ Chi, TP.HCM).
Cáo trạng của Viện KSND TP.HCM truy tố 254 bị cáo về 11 tội danh gồm: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Giả mạo trong công tác”, “Sản xuất, mua bán, trao đổi, tặng/cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”, “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”, “Tham ô tài sản”, “Lợi dụng, chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo cáo trạng, các bị cáo là lãnh đạo Cục ĐKVN, lãnh đạo các phòng đến lãnh đạo các trung tâm, chi cục đăng kiểm thống nhất chỉ đạo các đăng kiểm viên cấp dưới, nhân viên làm việc ở các trung tâm/chi cục nhận tiền từ các chủ xe, chủ tàu. Các bị cáo đã bỏ qua lỗi, bỏ qua các điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường... trong đăng kiểm, thẩm định hồ sơ thiết kế.
Tuy nhiên, các bị cáo Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà (đều là cựu Cục trưởng ĐKVN), Nguyễn Vũ Hải (cựu Phó cục trưởng Cục ĐKVN) đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, còn đưa ra chủ trương làm trái quy định và nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn. Điều này dẫn đến sai phạm, tiêu cực mang tính hệ thống, trong thời gian dài tại các phòng trực thuộc Cục ĐKVN, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm trên cả nước.
Cáo trạng xác định, bị cáo Trần Kỳ Hình nhận hối lộ hơn 7,1 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện. Bị cáo Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự cho toàn bộ việc nhận hối lộ của cấp dưới là 40 tỉ đồng, trong đó cá nhân ông nhận riêng 8,5 tỉ đồng.
Đại án đăng kiểm được đánh giá là vụ tham nhũng có tổ chức, hành vi có hệ thống, xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Phòng Kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm. Khi vụ án được phát hiện, hầu hết các trung tâm trên cả nước bị dừng hoạt động để làm rõ sai phạm, ảnh hưởng nặng nề đến người dân.
Hơn một năm qua, từ khi bắt đầu điều tra sai phạm trên diện rộng về lĩnh vực đăng kiểm, tính đến cuối năm 2023, công an 49 địa phương đã khởi tố 114 vụ án, hơn 800 bị can. Nhà chức trách xác định các vụ án có điểm chung là ăn chia "có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên tục, nhiều cấp độ".
Trong suốt 28 năm hoạt động, đây là lần đầu ngành đăng kiểm có số lượng người bị khởi tố kỷ lục. Ngoài các bị can bị xử lý hình sự, Đảng ủy Cục Đăng kiểm đã kỷ luật cảnh cáo 10 chi bộ, khai trừ đảng 47 đảng viên, đình chỉ sinh hoạt đảng 24 đảng viên sai phạm trong hoạt động đăng kiểm.