Những chiếc jeepney đầy màu sắc từng vắng mặt trên đường phố Philippines trong thời gian phong tỏa nghiêm ngặt khi đại dịch COVID-19 có thể biến mất vĩnh viễn do chính phủ tìm cách cắt giảm khí thải.

Philippines định xóa sổ phương tiện giao thông biểu tượng

Cẩm Bình | 31/03/2023, 16:30

Những chiếc jeepney đầy màu sắc từng vắng mặt trên đường phố Philippines trong thời gian phong tỏa nghiêm ngặt khi đại dịch COVID-19 có thể biến mất vĩnh viễn do chính phủ tìm cách cắt giảm khí thải.

Chính phủ Philippines đang theo đuổi kế hoạch thay thế loại xe jeepney gây ô nhiễm bằng xe buýt nhỏ chạy bằng nhiên liệu sạch hoặc bằng điện. Nhưng kế hoạch ấy đang nhận sự phản đối từ tài xế jeepney nếu họ không nhận được sự hỗ trợ tài chính để chuyển đổi phương tiện. Điều này đe dọa đến mục tiêu là cuối thập niên 30 phải cắt giảm 75% lượng khí thải nhà kính so với năm 2020.

phi7c7b1ba16822f12ad9e888_2_1024x682.jpeg
Một chiếc jeepney sặc sỡ - Ảnh: PNA

Theo số liệu chính thức, chỉ 4% trong số 158.000 chiếc jeepney của Philippines được thay thế bằng phương tiện thân thiện môi trường hơn kể từ khi chính phủ triển khai kế hoạch năm 2017. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đặt ra thời hạn cuối năm 2023 để các tài xế jeepney thành lập hoặc tham gia hợp tác xã giúp họ chuyển đổi phương tiện, nếu không họ sẽ mất giấy phép hoạt động.

Thời hạn trên là thách thức lớn với các tài xế, như Roger del Monte - người vừa khôi phục lại sinh kế sau gần 2 năm mất nguồn thu nhập chính bởi đại dịch. Tài xế jeepney thường chỉ kiếm được khoảng 650 peso (12 USD) mỗi ngày nên một chiếc jeepney hiện đại giá có thể lên đến 2,8 triệu peso (52.000 USD) nằm ngoài tầm với của họ.

“Chúng tôi không thể gánh nổi. Chúng tôi sẽ nợ nần chồng chất”, ông Monte chia sẻ.

Sở hữu biệt danh “vua đường phố” do kích thước cồng kềnh, trang trí hào nhoáng và tài xế dữ tợn, jeepney là phương tiện giao thông rẻ nhất với nhiều người Philippines. Xe thường có 20 chỗ, được trang trí bằng hình vẽ lớn, cải tiến từ xe jeep quân đội sử dụng trong Thế chiến thứ 2, chạy bằng diesel nên gây ô nhiễm nặng.

Một nghiên cứu thực hiện bởi Đại học De La Salle xác định việc thay thế loạt phương tiện cũ tại thủ đô Manila có thể giảm 90% lượng khí thải CO và các hạt vật chất nguy hiểm.

Chính phủ Tổng thống Marcos Jr khó tìm kinh phí tài trợ cho loạt kế hoạch “xanh hóa” đất nước. Nguồn lực nhà nước hạn chế vì nền kinh tế vẫn đang trong quá trình hồi phục hậu COVID-19.

Giới chức Philippines hiện chỉ trợ cấp 160.000 peso (3.000 USD) cho mỗi chiếc jeepney, ngân sách năm 2023 không có khoản tài trợ cụ thể nào cho kế hoạch chuyển đổi phương tiện. Năm ngoái họ phân bổ 1,8 tỉ peso (33 triệu USD) cho giới tài xế, một phần nhỏ trong số 64,2 tỉ peso (1,2 tỉ USD) cần thiết để nâng mức trợ cấp mỗi chiếc jeepney lên 360.000 peso (6.600 USD).

Modesto Floranda - người đứng đầu nhóm vận tải Piston - cảnh báo khoảng 900.000 tài xế có thể mất việc nếu chính phủ loại bỏ jeepney cũ: “Thật là cực hình với tài xế. Chính phủ nên để chúng tôi tự thực hiện”.

phijepp.jpg
Cánh tài xế jeepney không đủ tiền để chuyển sang phương tiện thân thiện môi trường hơn - Ảnh: Reuters

Mục tiêu cuối cùng của chính phủ là chuyển đổi sang xe điện không phát thải, nhưng Philippines vẫn chưa có hạ tầng sạc đầy đủ. Hiện tại người đủ khả năng chuyển đổi sẽ mua xe buýt nhỏ đạt chuẩn Euro 4 (trang bị thiết bị lọc CO cùng vài chất gây ô nhiễm).

Tài xế Elisio Estoque thường chạy tuyến đường Manila nối tỉnh Rizal lân cận cho biết ông kiếm được nhiều tiền hơn từ khi chuyển sang xe buýt nhỏ đạt chuẩn Euro 4, vì xe có sức chứa lớn hơn. Chiếc xe thuộc sở hữu một hợp tác xã, hợp tác xã này trả cho Estoque mức lương cố định 750 peso (14 USD) hằng ngày.

“Tôi được lái xe có máy lạnh lúc trời nóng, lại không phải tiếp xúc khói bụi bên ngoài”, Estoque chia sẻ.

Helen Viloria - người quản lý một hợp tác xã tại Manila cho biết đơn vị của bà phải vay ngân hàng để cấp kinh phí cho đội 52 chiếc jeepney. Bà nhấn mạnh chính phủ cần tài trợ nhiều hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất làm 3 công nhân tử vong ở Hà Tĩnh
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 7.5, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sự cố sạt lở đất tại phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Philippines định xóa sổ phương tiện giao thông biểu tượng