“Con Rồng cháu Tiên” – bộ phim hoạt hình Việt vừa làm nên một kỷ lục mới, đạt 5 triệu lượt người xem sau ba ngày công chiếu miễn phí trên Youtube, một con số không thể tin nổi với một phim hoạt hình Việt từ trước tới nay. Bộ phim chỉ dài 23 phút, của đạo diễn trẻ Leo Đinh, là một phần của dự án phim hoạt hình lịch sử với mong muốn để học sinh biết về sử Việt qua phim hoạt hình.
Phim có nội dung về tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, gặp gỡ nhau, bén duyên vợ chồng, đẻ ra 100 trứng, nở ra 100 con, 50 người theo cha xuống núi, 50 người theo mẹ xuống biển từ đó sinh ra nước Việt cổ. Tuy nhiên, phim có nhiều điểm mới, sáng tạo tạo nên những thú vị và hấp dẫn cho tác phẩm khi có nhiều tuyến nhân vật phụ phản diện như: Mộc tinh, Hồ tinh…
Qua phim không chỉ nói lên tinh thần đoàn kết, sáng tạo, trong lao động, chiến đấu của ông cha ta, mà còn gây dựng niềm tự hào dân tộc trong giới trẻ. Cho dù phim có những chi tiết mới và gay cấn, nhưng nội dung vẫn theo cốt truyện chính. Phim hay cũng nhờ tới yếu tố kết hợp kỹ thuật 2D, 3D cùng những kỹ xảo làm phim truyền thống, đem lại những khung hình đẹp mắt cho khán giả.
Dùng công nghệ chuyển tải tới người xem hình ảnh cần lao của ông cha ta: khai hoang lập ấp, khai khuẩn ruộng vườn, chiến đấu chống thú dữ. Vì là phim cổ nên vấn đề trang phục, sử dụng vũ khí, công cụ lao động trang bị cho nhân vật rất quan trọng, các bước được thực hiên chỉnchu, chi tiết và khá tỷ mỉ. Âm thanh cho phim cũng rất lôi cuốn nhờ bài hát Cùng nhau ta thắp sáng do đạo diễn đặt hàng nhạc sĩ Thanh Bùi, sáng tác riêng cho phim và ca sĩ Ngọc Bích thể hiện. Bài hát cũng đượm chất dân gian, với giai điệu hào hùng, mang tới hào khí đầy tự hào về dân tộc.
Đạo diễn Leo Đinh tâm sự: "Tôi nghe kể có bé đòi mẹ cho xem đi xem lại tới 5 lần, đủ thấy phim hoạt hình có sức tác động to lớn đến trẻ em thế nào. Nếu có thể làm ra được nhiều phim hoạt hình thế này thì trẻ em Việt Nam sẽ thêm yêu đất nước, con người Việt Nam và gìn giữ giá trị văn hoá dân tộc hơn”.
Bộ phim được xem là một tác phẩm được đầu tư công phu, nghiêm túc của Leo Đinh cùng ê kíp làm phim. Theo tiết lộ, đoàn 100 người làm việc miệt mài suốt 180 ngày với 10.000 giờ sáng tạo. Đoàn cũng dành tới 2 tháng nghiên cứu lịch sử,văn học dân gian, tham khảo lịch sử, địa lý cổ để đưa vào phim cho sát thực. Để bộ phim mang tính logic suốt chiều dài lịch sử, những người làm phim đã phải chắt lọc và sưu tầm từng chi tiết để mạch nội dung được xuyên suốt.
Hâm nóng và giáo dụclịch sử bằng hoạt hình
Bằng tác phẩm Con Rồng cháu Tiên, đạo diễn trẻ không chỉ muốn tạo ra một sản phẩm mới có thể đem lại tình yêu quê hương, đất nước, con người, văn hoá và giá trị cốt lõi của người Việt Nam đến trẻ em, mà còn muốn khán giả tin tưởng hơn vào phim hoạt hình nước nhà. Leo Đinh tin tưởng rằng, hoạt hình Việt vẫn có thể vươn xa và tạo được những điểm sáng trên thế giới.
Anh tâm sự, khi thực hiện bộ phim này, anh đặt vấn đề tinh thần tự hào dân tộc trong mỗi con người Việt Nam lên trên hết. Theo anh, dường như những bộ phim của chúng ta trước nay chưa kể hết sức để có thể truyền tải đầy đủ những bài học văn hóa, cũng chưa kể một cách thú vị và sáng tạo để đem lại niềm yêu mến lịch sử, niềm tự hào dân tộc cho trẻ em Việt Nam và mọi người dân.
Hiện tại, bộ phim Con Rồng cháu Tiên được phát miễn phí kênh Youtube, ngoài ra còn được phát sóng trên kênh truyền hình HTV3. Sắp tới, bộ phim sẽ được mang đi trình chiếu tại hơn 110 trường tiểu học tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước, sử dụng như một tư liệu giảng dạy sinh động. Đây là một tín hiệu vui cho phim hoạt hình Việt.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” đã rất quen thuộc, nói về thời kỳ khởi đầu cho cộng đồng cư dân người Việt, trên cơ sở đó hình thành nên dân tộc Việt. Điều quan trọng nhất chính là giá trị về cội nguồn, đồng bào được truyền tải. Theo ông, câu chuyện này đã được lưu vào chính sử để nói về cội nguồn và tinh thần gắn kết đồng bào, do đó, cần thiết phải truyền bá. Việc lựa chọn ngôn ngữ điện ảnh là một cách hợp lý trong việc truyền bá vì phù hợp với số đông trẻ em. Nhà sử học cho biết, khi được ê-kíp xin ý kiến về nội dung chuyên môn cho bộ phim này, ông chỉ nói suy nghĩ của mình, còn mọi thứ để các bạn trẻ tự nhận thức và thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật.
“Đây cũng chỉ là sản phẩm để tham khảo nên mọi người không nên đòi hỏi quá cao. Có người khen, người chê là điều tất yếu, nhưng ít nhất thông điệp chúng ta muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ về cội nguồn dân tộc đã được hoàn thành. Đưa bộ phim này vào các giờ ngoại khóa cho học sinh tiểu học cũng là một cách ý nghĩa để truyền tải thông điệp”, ông Quốc chia sẻ và bày tỏ mong muốn khuyến khích các bạn trẻ sáng tạo, tìm ra cách làm riêng của mình trong mọi việc. “Tôi biết làm phim điện ảnh rất công phu, tốn kém và phải có nghề, nhưng ít nhất họ cũng làm được bộ phim hơn 20 phút như vậy, tôi cho đây là điều đáng khích lệ”, nhà sử học nói.
Những tác phẩm khác
Trước đó, vào năm 2005, xưởng phim hoạt hình của Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam (VFC) đã khởi động dự án dài hơi - sản xuất bộ phim hoạt hình"Chiếc giếng thời gian"(khoảng 100 tập), xoay quanh các câu chuyện, sự kiện, nhân vật lịch sử từ thời kỳ dựng nước cho đến tiền cận đại - với kinh phí đầu tư hơn 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, phải 2 năm sau, những tập phim đầu tiên mới hoàn thành. Bên cạnh đó, phim được chiếu trên kênh VTV2 ở những khung giờ không cố định, lượng phim không đủ để phát hành định kỳ, vì thế bộ phim sớm chìm vào quên lãng.
“Đại Việt sử ký”
“Đại Việt sử ký” kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long có nội dung điểm lại những dấu mốc lịch sử, từ năm 1010 vua Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La; Vua Lý Thái Tông cho xây dựng chùa Một cột hình bông sen năm 1049; Văn Miếu - Quốc Tử Giám, điện Kính Thiên được xây dựng... Ngoài ra, phim còn giới thiệu văn hóa và các làng, phố nghề ở Thăng Long, đưa người xem tham quan phố phường Hà Nội thời bao cấp với bách hóa tổng hợp Tràng Tiền, tháp Rùa, Ô Quan Chưởng, cầu Thê Húc và cả cuộc sống ồn ào, sôi động ở phố phường.
“Người con của rồng”
Năm 2010, hãng phim Hội điện ảnh Việt Nam đã giới thiệu“Người con của rồng” - bộ phim truyện hoạt hình về tuổi thơ của Thái tổ Lý Công Uẩn. Bộ phim khắc họa chân dung tuổi thơ của Lý Công Uẩn với bao sự tích huyền ảo, bao câu chuyện dân gian được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Được xúc tiến từ năm 2007 nhưng tới tháng 10.2008, “Người con của rồng” mới bắt đầu đi vào sản xuất.
Tổng kinh phí cho bộ phim là gần 6,8 tỉđồng với đội ngũ họa sĩ 2D và 3D lên tới 30 người. Các họa sĩ đã phải tạo ra hơn 30 nhân vật với 20 bối cảnh lớn và 800 cảnh diễn. Đây là bộ phim hoạt hình dài hơi đầu tiên của Việt Nam được thực hiện với kỹ thuật 3D. Tuy được đầu tư lớn, song phim chỉ được phát sóng trên truyền hình vào ngày đại lễ và được ra rạp chiếu một buổi, nhân khai trương rạp Kim Đồng ở Hà Nội.
“Hào khí ngàn năm”
Ra mắt năm 2015, bộ phim hoạt hình lịch sử “Hào khí ngàn năm” đã tái hiện tiến trình lịch sử nước nhà từ buổi đầu dựng nước đến hết thời kỳ quân chủ Việt Nam. Mỗi tập phim có thời lượng 5 phút, nội dung xoay quanh các nhân vật, sự kiện quan trọng từ thời Vua Hùng dựng nước, qua thời kỳ Bắc thuộc cho đến các triều đại phong kiến Việt Nam.
Ban cố vấn của chương trình gồm: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi - Nguyên Phó TBT Tạp chí nghiên cứu lịch sử - Viện Sử học; PGS.TS. Nghiêm Đình Vỳ - Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; TS. Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam; PGS.TS. Đoàn Thị Tình - Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam; Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức (cố vấn về bối cảnh, đạo cụ). “Hào khí ngàn năm” là bộ phim hoạt hình lịch sử có độ dài kỷ lục với 2.000 tập, được chiếu trên kênh VTV1.
“Đại chiến Bạch Đằng”
Là sản phẩm của nhóm sinh viên chuyên ngành Hoạt hình Manga Nhật & Comic Mỹ tại Đại học Hồng Bàng (TP.HCM), bộ phim hoạt hình “Đại chiến Bạch Đằng” ra đời năm 2012 đã gây sốt với cư dân mạng. Chỉ sau hơn 1 tuần đăng tải trên Youtube, bộ phim đã thu hút 69.000 lượt truy cập kèm theo nhiều lời ngợi khen dành cho ekip thực hiện. Bộ phim chỉ kéo dài hơn 6 phút nhưng đã tái hiện được toàn bộ trận chiến chống lại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Đồng thời, bộ phim còn phản ánh hình ảnh Ngô Quyền từ khi chỉ là một viên tướng nhỏ, đến khi xưng vương. Với hiệu ứng 3D và 2D cùng những hình vẽ sinh động thoát li hoàn toàn phong cách Manga, bộ phim đã mang đến cho cộng đồng mạng nhiều bất ngờ về sự đột phá trong việc “hoạt hình hoá” đề tài lịch sử khô khan.
Phim hoạt hình Con rồng cháu tiên:
Nguyễn Hưng