Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực VBA cho rằng tài sản ảo (VA) là xu thế chung của thế giới. Tổng giá trị VA dự kiến sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu, lên tới 16.000 tỉ USD vào năm 2030. Việc cấm VA là không khả thi.
Nhịp đập khoa học

Phó chủ tịch VBA Phan Đức Trung: Cấm tài sản ảo là không khả thi

Lam Thanh 13/03/2024 18:35

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực VBA cho rằng tài sản ảo (VA) là xu thế chung của thế giới. Tổng giá trị VA dự kiến sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu, lên tới 16.000 tỉ USD vào năm 2030. Việc cấm VA là không khả thi.

Ngày 13.3, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo.

Tổng giá trị tài sản ảo sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu

Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch VBA, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng sự tham gia đông đảo của các cơ quan, đơn vị và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo (VASP) cho thấy sự quan tâm và ủng hộ đối với nỗ lực thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý VA và VASP của Chính phủ Việt Nam.

Ông Hùng cho biết ngày 23.2.2024, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

“Việc bị đưa vào danh sách xám ảnh hưởng rất nhiều đến quốc gia. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, việc bị đưa vào danh sách xám có thể bị giảm tới 7% GDP”, ông Hùng nói.

hung-1.jpeg
Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch VBA, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với VA và VASP và chứng minh việc thực thi khung pháp lý đó, bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ và biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, thời hạn cụ thể là tháng 5.2025.

“Đây là một hành động rất quyết liệt và tích cực của Chính phủ nhằm khôi phục uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế sau khi chúng ta bị đưa vào danh sách theo dõi tăng cường của FATF, vì không có đủ các cơ chế phòng chống rửa tiền, bao gồm phòng chống rửa tiền qua giao dịch tiền ảo, tài sản ảo”, ông Hùng nói.

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực VBA nhấn mạnh: “VA là xu thế chung không thể đảo ngược của thế giới. Tổng giá trị VA dự kiến sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu, lên tới 16.000 tỉ USD vào năm 2030. Việc cấm VA là không khả thi”.

“Thay vào đó, chúng tôi cho rằng cần phải nhanh chóng ban hành các quy định quản lý VA và VASP phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền của FATF nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám theo Quyết định số 194/QĐ-TTg của Thủ tướng”, ông Trung nêu.

Ông Trung cho biết VBA kêu gọi cộng đồng và các VASP tích cực đề xuất các giải pháp và phối hợp với các cơ quản quản lý, hiệp hội nghề nghiệp trong các vấn đề hoạt thiện cơ sở pháp lý VA và VASP.

hung-2.jpeg
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực VBA

Ngoài ra, theo ông Trung, cần hỗ trợ các hoạt động phổ biến nhận thức cộng đồng ở khối tư nhân thông qua việc chuẩn bị các chương trình đào tạo cho khách hàng của mình; chứng minh các quy trình tuân thủ và phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động bảo vệ lợi ích cộng đồng chống lừa đảo; chủ động, sẵn sàng đóng thuế và đề xuất các giải pháp được đóng thuế để khẳng định vai trò của VA và VASP đóng góp vào nền kinh tế đất nước...

Nhanh chóng xây dựng khung pháp lý cho tài sản ảo

Ông Joe Tu, Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn cầu, CoinEx cho bày tỏ sự tuân thủ thông qua việc cam kết hỗ trợ chương trình truy vết các dự án có dấu hiệu lừa đảo ChainTracer do VBA khởi xướng, nhằm bảo vệ người dùng và giảm thiểu hậu quả từ việc lợi dụng công nghệ blockchain cho mục đích xấu, làm xói mòn lòng tin của xã hội.

Ngoài ra, CoinEx nhấn mạnh tầm quan trọng và đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật và những đơn vị doanh nghiệp có liên quan nhằm tạo điều kiện cho các VASP tuân thủ chặt chẽ pháp luật một cách hiệu quả hơn.

Đại diện Remitano, một đơn vị VASP đã hiện diện hơn 10 năm cho biết đơn vị này mong muốn khung pháp lý tài sản ảo tại Việt Nam có thể được sớm hoàn thiện theo xu hướng chung của thế giới, đồng thời tạo điều kiện, ưu đãi chính sách cho các đơn vị cung cấp dịch vụ tài sản ảo có nhiều năm kinh nghiệm, uy tín trên thị trường.

“Việc hoàn thiện khung pháp lý theo hướng tạo điều kiện tích cực cho các VASP hoạt động và phát triển sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, đưa Việt Nam thành điểm đến công nghệ tại khu vực”, đơn vị này nhấn mạnh.

trung-1.jpeg
Một số bài học kinh nghiệm trong quản lý tài sản ảo từ các quốc gia

VBA cũng dẫn chứng hành lang pháp lý của một số quốc gia đối với VA. Ví dụ, Sở thuế vụ (IRS) xác định, các loại tiền mã hoá như Bitcoin sẽ bị đánh thuế là tài sản chứ không phải là tiền tệ. Tháng 11.2021, tiền mã hoá được đề cập trong Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng do Tổng thống Joe Biden ký ban hành và được gọi là tài sản số (Digital Assets).

Với khu vực châu Âu, ngày 19.8.2018, Nghị viện châu Âu thông qua “Chỉ thị Chống rửa tiền thứ 5” (MLD5) tập trung vào tài sản ảo. Ngày 20.7.2021, Ủy ban châu Âu đề xuất MLD6 và áp dụng Khuyến nghị 16 của FATF đối với thị trường tiền mã hoá. Ngày 20.4.2023, Nghị viện châu Âu phê duyệt MiCA và TFR sửa đổi, thiết lập khung pháp lý thống nhất cho tiền mã hoá ở EU nhằm tăng cường bảo vệ người dùng.

Tại Nhật Bản, Sở giao dịch tài chính (Financial Services Agency - FSA) là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và giám sát các hoạt động liên quan đến tiền mã hoá, bao gồm hoạt động giao dịch và sàn giao dịch tiền mã hoá, ví điện tử, và các công ty liên quan.

Một số luật quan trọng: Payment Services Act (PSA) - luật chính quy định các hoạt động liên quan đến thanh toán và tiền mã hoá ở Nhật Bản. PSA đã được sửa đổi để đưa tiền mã hoá và các công ty liên quan vào phạm vi quy định, yêu cầu họ đăng ký với FSA và tuân thủ các quy tắc an toàn và bảo mật...

Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản” Điều 105.1 về Tài sản trong Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13. Tài sản mã hoá bản chất là một loại quyền phái sinh từ một quyền tài sản gốc là quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu “bản quyền” chương trình tạo ra blockchain. Quyền phái sinh quyền tác giả trên là quyền trị giá được bằng tiền.

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực VBA

Bài liên quan
Ông Phan Đức Trung: 'Khung pháp lý cho tài sản ảo là bài toán khó'
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) phù hợp vào thời điểm này là một bài toán khó.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó chủ tịch VBA Phan Đức Trung: Cấm tài sản ảo là không khả thi