Tại các bến đò ngang trên địa bàn TP.HCM, đò đều được trang bị đầy đủ áo phao; dù được nhắc nhở, kiểm tra, nhưng rất ít người đi đò chịu mặc áo phao.
Ông Bùi Hòa An – Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải đã cho biết như thế tại cuộc họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM vào chiều 9.2.
Liên quan đến tình trạng an toàn giao thông tại các bến đò, ông Bùi Hòa An cho biết, hiện trên địa bàn TP có 22 bến đò ngang đang hoạt động, mỗi năm đưa rước khoảng 3 triệu lượt khách. Từ nhiều năm qua, công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các bến đò này diễn ra ổn định, không xảy ra tai nạn.
Tuy nhiên, theo ông An hiện nay người đi đò trên địa bàn TP không tuân theo quy định, nhất là không chịu mặc áo phao dù trên đò có trang bị đầy đủ áo phao, chủ đò, tài công, người phụ nhắc nhở nhưng hành khách vẫn chưa tôn trọng.
“Mặc dù chúng tôi đã tuyên truyền, quy định và kiểm tra xử lý rất nhiều, nhưng vẫn còn tình trạng khách đi đò rất ít chịu mặc áo phao để đảm bảo an toàn giao thông”, ông An nói.
Bên cạnh đó, việc xử phạt cũng không mang tính chất liên tục. Hiện Sở đang đề nghị UBND TP đang bổ sung Quyết định 27 nhằm giúp các phường, xã – nơi có bến đò ngang có sự phối hợp, hỗ trợ trong việc đảm bảo an toàn giao thông.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, cơ sở nào TP đề xuất áp dụng hình thức BOT để nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cũ, ông An cho biết, hiện các tuyến đường bộ ở TP, trong đó các tuyến đường chính đô thị, các tuyến đường kết nối với quốc lộ đi qua đã được đầu tư và đang khai thác. Tuy nhiên, quy mô hiện hữu của những tuyến đường này chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông, chưa mở rộng theo lộ giới quy hoạch.
Trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TP đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được phê duyệt, và điều chỉnh tại quy hoạch 568 có 5 tuyến đường trên cao, dự kiến sẽ được đầu tư trên cơ sở của các tuyến đường hiện hữu.
“Khi đầu tư đường trên cao buộc phải mở rộng các tuyến đường hiện hữu theo lộ giới quy hoạch. Như vậy cơ sở đề xuất áp dụng hình thức BOT với hệ thống đường bộ hiện hữu, trong đó tập trung các tuyến đường chính đô thị, các tuyến đường kết nối vùng với quốc lộ đi qua TP.HCM như: quốc lộ 1A, quốc lộ 13, quốc lộ 22… với quy mô mở rộng theo lộ giới quy hoạch, đầu tư đường trên cao thông qua hình thức BOT là rất cần thiết”, ông An nhấn mạnh.
Ông An cũng cho biết thêm: “Vốn ngân sách trung hạn để đầu tư giao thông năm 2021-2025 của TP chỉ có 141.000 tỉ đồng, không có bố trí cho đầu tư xây dựng mới. Hiện nay vốn đầu tư công cho giao thông của TP chỉ đáp ứng được 20% hệ thống phát triển giao thông”.
Cũng theo ông An, trước khi luật PPP (hợp tác công tư) có hiệu lực, TP đã huy động được 10.000 tỉ đồng theo hình thức hợp đồng BOT đưa vào khai thác và đã phát huy được hiệu quả góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân, đảm bảo an toàn giao thông, giảm kẹt xe, tăng cường lưu thông hàng hóa và rút ngắn thời gian lưu thông.
“Áp dụng đối với hình thức hợp đồng BOT là thu phí trực tiếp của người sử dụng để hoàn vốn đầu tư. Do đó quá trình xác định và lựa chọn công trình đầu tư áp dụng hình thức hợp đồng BOT, TP sẽ chủ động xem xét, đánh giá, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và nhà đầu tư theo quy định”, ông An chia sẻ.
Để các dự án BOT trên địa bàn TP phát huy hiệu quả, không gây ra những bức xúc cho người dân, ông An cho biết, các trạm thu phí thủ công đã phát sinh những vấn đề bất cập, nhất là tính minh bạch trong thu phí, tốn nhiều thời gian đối với các phương tiện qua trạm. Để giải quyết tình trạng này, các trạm thu thu BOT đã áp dụng hình thức thu phí không dừng. Qua đó giảm tải được tình trạng ùn tắc cục bộ tại các trạm thu phí, nâng cao hiệu quả giám sát tính minh bạch trong thu phí.
Đối với những người dân ở khu vực tuyến đường thu phí bị ảnh hưởng, ông An cho biết, TP đã, đang và sẽ được khắc phục thông qua những giải pháp kỹ thuật cũng như có những có chế chính sách khác để không làm ảnh hưởng đến người dân không sử dụng dịch vụ đường bộ.