Ngày 19.3, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban QLVNN) và các bộ, ngành liên quan về tình hình triển khai công việc hiện nay, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình muốn đẩy nhanh cổ phần hóa

19/03/2020, 18:21

Ngày 19.3, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban QLVNN) và các bộ, ngành liên quan về tình hình triển khai công việc hiện nay, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.

Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Ảnh: VGP

Chủ tịch Ủy ban QLVNN Nguyễn Hoàng Anh cho biết, sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, ủy ban phải tiếp nhận, xử lý 259 công việc mà các bộ đang xử lý dở dang. Về cơ bản, đây là các công việc phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn đọng qua nhiều thời kỳ, nhiều vụ việc liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, nhiều việc tồn đọng do trước đây các bộ xử lý chậm trễ... Đến nay, ủy ban đã giải quyết 201/259 công việc.

Thời gian qua, 19 tập đoàn, tổng công ty đạt doanh thu gần 1,5 triệu tỉ đồng (tăng 6,4% so cùng kỳ), lợi nhuận tăng gần 100.000 tỉ đồng (tăng 17,6% so với kế hoạch), nộp ngân sách đạt trên 221.000 tỉ đồng (tăng 17,6% so với cùng kỳ).

Hiện nay, ủy ban cũng đã tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án ngành công thương đã nghiên cứu và có những đề xuất giải pháp quyết liệt hơn, sát với thực tế hơn.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc mà ủy ban cần sớm khắc phục. Đó là, một số công việc xử lý còn chậm, trong đó có việc xem xét, quyết định theo thẩm quyền đối với đề nghị của tập đoàn, tổng công ty.

Cùng với đó, công tác cán bộ, việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo tại DN được bàn giao từ các bộ về ủy ban cần kịp thời hơn nữa. Công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan chưa chặt chẽ. Việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động còn lúng túng, còn có tổng công ty Nhà nước (Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam) tiếp tục còn thua lỗ...

“Các tồn tại, khó khăn vướng mắc nêu trên cần được ủy ban và các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, rút kinh nghiệm tập trung, khắc phục để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của ủy ban”, Phó thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó thủ tướng Thường trực yêu cầu ủy ban sát cánh cùng các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp khả thi trình cấp có thẩm quyền để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Tập trung đánh giá khó khăn do tác động của động của dịch COVID-19 đối với hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty. Đặc biệt là ngành hàng không, dầu khí, đường sắt...

Phó thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu ủy ban đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc triển khai các đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã được phê duyệt theo Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Phó thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước và niêm yết trên thị trường chứng khoán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các DN quy mô lớn như các Tập đoàn: Bưu chính viễn thông Việt Nam, Công nghiệp hóa chất, Công nghiệp than khoáng sản; các Tổng công ty: Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Phát điện 1, Tổng công ty Phát điện 2.

Tập trung triển khai nhiệm vụ Phó trưởng ban Thường trực và cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn tại, yếu kém 12 dự án của ngành công thương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị tốt các cuộc họp của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới; chủ động tháo gỡ đối với 4 dự án gặp khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo, giải quyết.

Cùng với đó, các bộ, cơ quan liên quan chủ động vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban QLVNN tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xử lý dứt điểm các tồn tại của DN trước khi bàn giao về ủy ban, tạo điều kiện cho ủy ban, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trong thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ TN-MT theo nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, xem xét đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật 69/2014/QH13 để làm rõ thẩm quyền phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu, tránh tình trạng nhiều cách hiểu không thống nhất trong quá trình thực hiện pháp luật; sửa đổi các chính sách liên quan tới hoạt động đầu tư, đất đai, quản lý tài sản công, tài sản DN Nhà nước để không gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của Nhà nước.

Đối với giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của DN, các bộ với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu trước đây thực hiện đúng các quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP, Quyết định số 1515/QĐ-CP và các biên bản bàn giao, phối hợp với Ủy ban giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại của các DN từ năm 2017, 2018 trở về trước.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bắt cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ
3 giờ trước Sự kiện
Ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình muốn đẩy nhanh cổ phần hóa