Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, để bảo đảm chất lượng giáo dục thì học phí phải tính đúng, tính đủ và theo xu thế phát triển thì học phí phải tăng lên. Tuy nhiên, phần học phí do phụ huynh đóng sẽ không tăng
Ngày 12.8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo.
Theo Bộ GD-ĐT, năm học 2021 - 2022 là năm học mà ngành giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục. Đây là năm học quan trọng và cũng là năm đầu tiên ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và là năm học thứ hai ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Việc tổng kết năm học được thực hiện thường xuyên với sự tham gia của các lãnh đạo. Điều đó cho thấy sự quan tâm với giáo dục. Năm học vừa qua vẫn là năm học khó do đại dịch, chúng ta trân trọng kết quả của toàn ngành. Qua báo cáo giáo dục, chúng ta vẫn tiếp tục duy trì các thứ hạng quốc tế; tiếp tục đổi mới chương trình và sách giáo khoa… Các tham luận đã nói rõ, thẳng thắn hơn về những điều bất cập nhưng đó là điều bình thường. Chúng ta phải nhìn vào đó để làm tốt hơn. Ví dụ, tại sao chúng ta cứ loay hoay câu chuyện thi cử. Không chỉ thi THPT mà thi kiểm tra, học thêm, dạy thêm, sách tham khảo... Đơn giản vì chúng ta chưa trung thực trong giáo dục... Tôi nghĩ trong quá trình đổi mới, các ý kiến phát biểu nhìn thẳng vào những bất cập là rất đáng mừng”.
Phó thủ tướng đưa ra 10 yêu cầu đối với ngành giáo dục, trong đó: “Đột phá đầu tiên phải thực hiện là khâu quản lý. Từ đổi mới quản lý nhà nước, chúng ta đổi mới về quản trị. Chẳng hạn, tinh thần bảo đảm dân chủ trường học, không chỉ chính quyền mà cả cộng đồng tham gia. Khi nào tuyển giáo viên mà ý kiến của tập thể giáo viên cao hơn của lãnh đạo thì mới là dân chủ. Có như thế mới giải quyết được tình trạng thừa thiếu giáo viên…
Thực hiện thực chất hơn việc dạy và học theo hướng phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ cho học sinh, trong đó cần đẩy mạnh hơn nữa việc giảng dạy các môn nghệ thuật trong trường học.
Bộ GD-ĐT phải rà soát, chủ động đề xuất các cơ chế học phí, về thực hiện tự chủ nhằm có tỷ lệ thích hợp các trường. Ở những vị trí, địa bàn thích hợp có thể lo lương cho giáo viên để dành biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho những vùng nông thôn, khó khăn. Mục tiêu là có đủ giáo viên, trường lớp, để học sinh học 2 buổi/ngày thuận lợi với sĩ số của một lớp theo đúng hướng dẫn của bộ.
Về học phí THCS, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, để bảo đảm chất lượng giáo dục thì học phí phải tính đúng, tính đủ và theo xu thế phát triển thì học phí phải tăng lên. Tuy nhiên, phần học phí do phụ huynh đóng sẽ không tăng, đồng thời, căn cứ điều kiện cụ thể để đẩy nhanh lộ trình giảm, miễn phần học phí do gia đình học sinh đóng góp. Ngân sách địa phương, hoặc ngân sách Trung ương (đối với những địa phương chưa cân đối được ngân sách) sẽ cấp bù phần học phí được miễn, giảm hoặc tăng thêm nhằm bảo đảm nguồn thu cho các trường phổ thông.
Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ GD-ĐT rà soát rất nghiêm túc tất cả các tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua, khen thưởng trong ngành giáo dục thực chất, phù hợp với điều kiện từng vùng miền, địa bàn.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, bổ sung các quy định về việc huy động các nguồn đóng góp của cộng đồng cho trường học công khai, minh bạch.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát thực chất các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra, sử dụng sách tham khảo…, không để học sinh "phải tự nguyện" xin học thêm, xin tổ chức lớp học, xin mua sách tham khảo… "Tình trạng này đã được chấn chỉnh. Nhiều nơi làm rất tốt nhưng cá biệt vẫn còn. Chúng ta phải kiên quyết rà soát, xử lý nghiêm", Phó thủ tướng lưu ý.