Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, về các giải pháp nhằm ổn định thị trường thịt lợn.

Phó thủ tướng yêu cầu ngăn chặn đầu cơ thịt lợn, ổn định thị trường

Trí Lâm | 16/08/2018, 15:06

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, về các giải pháp nhằm ổn định thị trường thịt lợn.

                    

Cụ thể, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, giám sát hoạt động của thương lái, các nhà cung cấp lớn, các đơn vị phân phối lớn thịt lợn để giảm chi phí trong lưu thông và khâu phân phối bán lẻ, giúp giảm giá thành bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn, đảm bảo các chỉ số cân đối lớn về CPI theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đồng thời, yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, lực lượng quản lý chuyên ngành tại biên giới tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vấn đề nhập lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng thịt lợn nhằm bảo vệ người tiêu dùng và người chăn nuôi trong nước.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tiếp tục chỉ đạo các địa phương, người chăn nuôi trong việc tái đàn gắn với chọn lọc con giống chất lượng cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm; tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông thông tin đầy đủ, kịp thời và sát thực tế về nguồn cung và giá cả các mặt hàng thực phẩm, nhất là đối với thịt lợn, đảm bảo không xảy ra việc tăng giá do yếu tố tâm lý.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh trên cả nước ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, triển khai các giải pháp phục hồi phát triển chăn nuôi lợn với quy mô hợp lý

Trước đó, khi nhận thấy giá lợn hơi tại nhiều địa phương hiện đang dao động ở mức 54.000- 55.000 đồng/kg, Bộ NN-PTNT đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay một số giải pháp ổn định nguồn cung mặt hàng thịt lợn.

Theo Bộ NN-PTNT thị trường và ngành chăn nuôi lợn đang trên đà hồi phục và phát triển tốt, tuy nhiên giá lợn xuất chuồng hiện nay tăng quá cao và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến chỉ số tiêu dùng (CPI) và tiềm ẩn nguy cơ gây phá vỡ các cân đối của ngành hàng thịt lợn trong thời gian tới là khó tránh khỏi.

Theo đánh giá của ngành thống kê và chăn nuôi, nguồn cung lợn thịt trong sản xuất có giảm so với cùng kỳ năm 2017 trong các tháng đầu năm 2018, nhưng số lượng không lớn, cụ thể sản lượng thịt lợn giảm khoảng 1,2% trong quý 1, sang quý 2 đã hồi phục tăng khoảng 0,4% và dự kiến tăng 1,5-2% vào Quý 3, Quý 4 do đầu tháng 4 thị trường có dấu hiệu khả quan nên người chăn nuôi thâm canh tăng năng suất, nuôi vỗ béo và nuôi sinh sản sẽ làm tăng nguồn cung thịt lợn cho thị trường các tháng cuối năm.

Về giá lợn hơi trong nước hiện đang thuộc nhóm cao trong khu vực và hoàn toàn do thị trường trong nước và người chăn nuôi chi phối.

Khác với nhiều năm, giá lợn hơi hiện tăng cao ở khu vực nông thôn, chợ cóc, khu vực giết mổ nhỏ lẻ, do thợ mổ ở khu vực này không có điều kiện tiếp cận được với những cơ sở chăn nuôi trang trại, doanh nghiệp nguồn cung chính mặt hàng lợn thịt hiện nay càng làm cho giá lợn thịt cục bộ ở nhiều nơi tăng cao, gây lan tỏa tâm lý thị trường đang thiếu nguồn cung lợn thịt và kéo giá lợn thịt cả nước lên cao.

Do đó, Bộ NN-PTNT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thống kê quy mô đàn nái hiện có và đầu lợn, sản lượng lợn thịt dự kiến trong từng tháng từ nay đến tháng 2.2019, so sánh với cùng kỳ năm 2017, gửi báo cáo về Cục Chăn nuôi để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Cùng với đó là thông tin thường xuyên và đầy đủ về giá cả thị trường và nguồn cung lợn thịt; tuyên truyền để người chăn nuôi và thương lái biết và cùng có trách nhiệm ổn định thị trường, ngành hàng chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng như: không đẩy giá lợn vượt ngưỡng 50.000 đồng/kg, xuất lợn đúng tuổi, đúng khối lượng, không đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá và tuyệt đối không để các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn làm giá.

Đồng thời triển khai các biện pháp bình ổn giá thịt lợn và khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp hơn với nguồn cung thực phẩm trong nước, vì hiện nay sản phẩm thịt, trứng gia cầm, nhất là gà vườn, vịt thịt trong sản xuất đang rất nhiều, chất lượng tốt và giá cả phải chăng.

Kiểm tra kỹ và có biện pháp kịp thời hỗ trợ công tác phòng dịch, nhất là vấn đề sử dụng vắc-xin cho đàn lợn nái trên địa bàn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc lưu thông các loại gia súc, gia cầm, nhất là đối với mặt hàng thịt lợn trên địa bàn.

Thu Hiền

            
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó thủ tướng yêu cầu ngăn chặn đầu cơ thịt lợn, ổn định thị trường