Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, phòng khám Trung Quốc ngày càng lừa đảo tinh vi khi cho bệnh nhân nội soi, chiếu vô khối u giả để chỉ định chữa bệnh, tính tiền. Mặc dù người đến khám không có bệnh nhưng họ cũng nói có bệnh để thu tiền.
Ngày 6.12, kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM khóa 9tiếp tục với phần chất vấn người đứng đầu các sở, ngành và UBND TP.
Quận sai sót, dân chờ 20 năm vẫn chưa được giải quyết
Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Trần Quang Thắng dẫn chứng trường hợp bà Huỳnh Thị Ngọc Hóa (huyện Nhà Bè) được cấp nền khi bị thu hồi đất nhưng 20 năm qua vẫn chưa được giải quyết. Mặc dù người dân đã liên hệ nhiều nơi nhưng đến nay kết quả vẫn là những lần “chỉ đi chỗ này chỗ kia”, thậm chí không liên hệ được.Cụ thể, cử tri đã gửi đơn đến Thanh tra thành phố, Trưởng ban quản lý khu Nam và cả Sở Tài nguyên - Môi trường nhưng chưa nhận được câu trả lời rõ ràng.
“Tại sao đã xác định rõ và trường hợp của người dân là đúng nhưng không giải quyết? Chúng ta nên chấm dứt tư duy nhiệm kỳ ngay đi. Có thể những tồn đọng của quá khứ nhiệm kỳ trước không biết thì nhiệm kỳ này chúng ta phải cố gắng giải quyết hết cho người dân", ông Thắng nói.
Trả lời chất vấn về việc này, Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình nói rằng ông nhận được thông tin về sự việc cách đây 1 năm. Sau khi kiểm tra, ông xác nhận trong việc này người dân đúng. Vì vậy, hiện tại quận 7 đang làm việc với Ban quản lý khu Nam, trong tháng 12 này sẽ xem xét giải quyết cho người dân.
Kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM khóa 9- Ảnh: Phan Diệu
Dân bức xúc vì phòng khám Trung Quốc lừa đảo
Chất vấn Sở Y tế TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đã đề cập về hoạt động của phòng khám Trung Quốc trên địa bàn TP.HCM. Theo bà Trâm, tình trạng phòng khám Trung Quốc lừa đảo bệnh nhân đang diễn ra ngang nhiên và xảy ra trong một thời gian dài. Vậy vì sao các phòng khám Trung Quốc vẫn hoạt động bát nháo mà không bị xử lý triệt để? Khi xảy ra những sai phạm, trách nhiệm của Thanh tra Sở Y tế trong vấn đề này như thế nào?
Trả lời chất vấn,Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận đa phần các phòng khám Trung Quốc đều gây bức xúc đối với bệnh nhân cũng như dư luận, thậm chí có những sai phạm ở mức độ nghiêm trọng.
Ông Bỉnh lấy ví dụ về trường hợp phòng khám Trung Quốc cho bệnh nhân nội soi, chiếu vô khối u bàng quang, nhưng thực ra không phải khối u của bệnh nhân để chỉ định chữa bệnh, tính tiền.
“Người đến khám không có bệnh nhưng họ cũng nói có bệnh để thu tiền. Các phòng khám Trung Quốc sử dụng công nghệ cao để lừa đảo nên ngay cả cán bộ kiểm tra cũng không thể nhận biết được. Chúng tôi phải mời chuyên gia từ các bệnh viện đi cùng đoàn kiểm tra thì mới phát hiện được”, ông Bỉnh thông tin.
Chưa kể, một chiêu thức tinh vi khác của các phòng khám Trung Quốc là dùng quảng cáo online để lừa người dân. Tuy nhiên, ông Bỉnh cho biết hiện nay Bộ Thông tin – Truyền thông cũng chưa có quy định xử phạt những hành vi quảng cáo này.
Thậm chí, các bác sĩ người Việt cũng tiếp tay cho các phòng khám Trung Quốc lừa đảo bằng cách cộng tác với các phòng khám có ghi tên nhưng thực tế là không khám bệnh.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 12 phòng khám Trung Quốc. Những phòng khám này gây nhiều bức xúc, không chỉ cho người dân mà còn cho các cấp quản lý.
Để xử lý tình trạng phòng khám Trung Quốc lừa đảo, ông Bỉnh nói rằng Sở thường xuyên phối hợp với PA83 (Phòng An ninh chính trị nội bộ,Công an TP.HCM) để xử lý các phòng khám vi phạm. Tuy nhiên, việc xử phạt các phòng khám Trung Quốc còn nhiều bất cập do mức phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
“Sở đã cho đình chỉ 3 phòng khám từ bốn tháng rưỡi đến 6 tháng. Thế nhưng, sau 6tháng thì họ mở lại. Có khi đình chỉ thì họ lại mở phòng khác để người khác đứng tên. Nếu rút giấy phép hành nghề của bác sĩTrung Quốc vi phạm thì họ lại đưa người khác sang”, ông Bỉnh cho biết thêm.
Với thực trạng trên, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế cần tăng mức xử phạt cao hơn. Đồng thời, cần phải có các phần mềm để phát hiện những hành vi lừa đảo sử dụng công nghệ cao.
Còn đối với các bác sĩ đăng ký chữa bệnh tại các phòng khám Trung Quốc, nếu kiểm tra mà không thấy khám chữa bệnh thì bác sĩ sẽ bị rút giấy phép hành nghề. Đối với các phòng khám sau thời gian đình chỉ, muốn hoạt động trở lại thì phải thông qua thẩm định của hội đồng chuyên môn, đủ điều kiện hoạt động thì mới cho mở lại.
Phan Diệu