Phóng sinh là cách thể hiện lòng từ bi của Phật tử bằng cách trả lại sự sống cho những con vật nhỏ bé bị giam cầm. Nhưng trên thực tế, nét đẹp tín ngưỡng này đang dần biến tướng khiến những con vật tuy được phóng sinh nhưng lại bị thả ra bắt lại nhiều lần đến mức kiệt sức mà chết đi.
Tiếp tay cho người sát sinh
Mỗi năm đến mùa Vu lan báo hiếu, phật tử khắp nơi đều phát nguyện ăn chay, phóng sinh để cầu an lành cho cha mẹ. Không khí từ bi, hiếu hạnh dịp rằm tháng 7 lại lan tỏa khắp các chùa chiền. Nhưng bên cạnh đó, thói quen “phóng sinh cho có lệ” của nhiều người lại chính là hành động sát sinh.
Tháng 7 âm lịch, nhu cầu phóng sinh chim chóc, cá nhỏ... tăng cao khiến hầu hết các ngôi chùa nổi tiếng tại TP.HCM như Vĩnh Nghiêm, Ngọc Hoàng, Việt Nam Quốc Tự... đều có các điểm bán con vật phóng sinh ở xung quanh. Một số tăng ni, phật tử cho biết chỉ riêng việc đánh bắt chim cá về nhốt, rồi đem bán để phục vụ mục đích phóng sinh đã là trái với tự nhiên. Huống chi những người này lại vì lợi nhuận mà không ngần ngại hành hạ những con vật nhỏ bé. Đánh thuốc, cắt cánh chim để sau khi phóng sinh chim chỉ bay được một đoạn ngắn rồi sau đó bị chủ hàng bắt lại.
Họ còn giăng lưới tại nguồn nước, nhằm chặn cá phóng sinh để tiếp tục mang về bán cho người khác. Bị thả ra bắt lại nhiều lần, rất nhiều con vật tội nghiệp đã kiệt sức chết ngay tại sân chùa. Đáng tiếc là quang cảnh phản cảm đó năm nào cũng lặp lại do những người phóng sinh không đúng cách.
Tại chùa Vĩnh Nghiêm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, chúng tôi bắt gặp những cảnh tượng vô cùng đau lòng. Tại các điểm bán vật phóng sinh, hàng trăm con chim nhỏ bị nhốt trong lồng chật hẹp, chúng chen chúc lẫn nhau, những con yếu hơn nằm đờ đẫn dưới đáy lồng mặc kệ những con khác giẫm đạp. Có nhiều cách để chim không bay được xa, một là đánh thuốc, hai là nhổ bớt lông dưới cánh... Bằng những “chiêu” này người bán chim phóng sinh có thể dễ dàng bắt lại con vật để kiếm thêm lợi nhuận. Nhưng người mua vẫn vô tư “chọn lựa” rồi xách lồng chim cùng nhang đèn vào sân chùa khấn vái. Xong để đức Phật “chứng kiến” lòng từ tâm của mình, người mua mở cửa lồng đuổi chim bay ra.
Nhưng chỉ được vài phút, những con chim đuối sức lại sà xuống sân chùa. Chùa Vĩnh Nghiêm những ngày vía Phật, khách thập phương đông đúc, có người không để ý vô tình đạp lên những con chim bé nhỏ khiến chúng chết ngay tại sân chùa. Vậy thì những người bỏ tiền ra mua vật phóng sinh là tạo đức hay tạo nghiệp, khi những con vật nhỏ bé bị bắt về để phục vụ cho chính nhu cầu “làm việc thiện” của họ?
Đến chùa Ngọc Hoàng (quận 1) quang cảnh cũng không khá hơn, dù đây là một trong những ngôi chùa không khuyến khích việc phóng sinh tại chùa. Đại diện Ban quản lý chùa Ngọc Hoàng cho biết: “Việc bán vật để phóng sinh đã là không nên, vì chim cá đang tự do lại bắt chúng về để phục vụ cho việc thả đi thì thật là vô lý, nhà chùa khuyên phật tử không nên làm chuyện này. Nhưng mà khách cứ tự ý mang nào rùa, ba ba, cá, chim đến chùa làm lễ phóng sinh, rồi “phóng” hết vào hồ nước tại chùa”. Sự thiếu hiểu biết của khách viếng chùa khiến hồ nước tại chùa Ngọc Hoàng mỗi dịp lễ lớn hầu như đều bị ô nhiễm, cá phóng sinh lại phơi bụng nổi lềnh bềnh, khiến nhà chùa dở khóc dở cười.
Tương tự, tại lăng Ông - Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), cảnh mua bán chim phóng sinh còn đông đúc tấp nập hơn và chim chết tại nơi linh thiêng cũng nhiều hơn. “Có cầu mới có cung”, thế nên việc “phóng sinh tiếp tay cho sát sinh” xét về đạo lý nhà Phật, không những là tạo nghiệp cho những người buôn bán con vật, mà người phóng sinh thiếu hiểu biết còn khiến nghiệp chồng thêm nghiệp.
Phóng sinh đúng cách
Trên thực tế, có rất nhiều chùa phản đối việc phật tử phóng sinh sai cách. Thượng tọa Thích Chơn Không - trụ trì ngôi chùa Thiên Tôn (quận 5) cho biết: “Nói không khuyến khích phóng sinh là không phải, phóng sinh là từ bi tốt đẹp. Thế nhưng, nhiều người không thấu rõ đạo lý rằng: chim bay trên trời, cá bơi dưới nước vốn dĩ chẳng cần ai phải phóng sinh. Việc bắt chúng về để phục vụ cho nhu cầu phóng sinh rất trái với tự nhiên. Và nhiều người nhất thời chưa nhận thức được, đến lúc cần làm lễ lại cứ nghĩ bỏ tiền ra mua là xong. Như vậy là tiếp tay thêm cho cảnh bán buôn con vật phóng sinh tràn lan như hiện nay và đó là vô tình mang tội ác chứ không phải là phúc đức”.
Đại đức Thích Đức Thiện cũng từng giảng giải về việc phóng sinh sai cách đang khiến nét đẹp tín ngưỡng này mai một. Theo đó, Đại đức Thích Đức Thiện cho rằng có nhiều người phóng sinh chỉ để phô trương. Nghĩa là mua sẵn con vật chỗ bán vật phóng sinh rồi mang tới cửa chùa làm lễ, sau đó tùy tiện thả ra mà không quan tâm liệu con vật có sống được hay không. “Phật tại tâm, không cần phóng sinh tại chùa, thấy vật gặp nạn ở đâu cứu ngay tại đó cũng là đáng quý. Nếu phóng sinh thực hiện do tính toán đầu tư để được phước báo, trường sinh, hay lợi ích thực dụng khác thì đều vô nghĩa” - Hòa thượng Thích Đức Thiện chia sẻ.
Rất nhiều phật tử đã bắt đầu nói không với việc “phóng sinh thực dụng, sai cách”. Anh Phan Văn Vinh Trường, 34 tuổi, đi lễ Phật tại chùa Ngọc Hoàng cho biết: “Vợ tôi cũng thường có ý định mua vật phóng sinh đến chùa, nhưng tôi ngăn cản. Tôi nói nếu muốn phóng sinh thì ra chợ thấy con vật nào còn sống, đáng thương thì mua mà thả đi, chứ không nên mua tại những nơi này. Vì chẳng khác nào cổ vũ người ta bắt thêm chim cá về bán. Càng mua nhiều họ càng bắt nhiều, cuối cùng phóng sinh như vậy để được cái gì?”. Bên cạnh đó, rất nhiều hòa thượng cũng đưa ra lời khuyên với phật tử là không nên mua con vật tại các điểm bán vật phóng sinh chuyên nghiệp. Khi nhu cầu giảm dần thì các điểm buôn bán như thế cũng dần ít đi, đó cũng là một cách tạo đức lâu dài.
Phóng sinh vốn dĩ là một nét đẹp tín ngưỡng tôn giáo, đừng để sự thiếu hiểu biết khiến hành động này trở nên phản cảm. Vả lại báo hiếu và phóng sinh thì có thể làm được bất cứ đâu, bất kỳ mùa nào không kể là tháng 7, tháng giêng hay Phật đản. Ngoài ra, cách phóng sinh hiệu quả nhất trong hoàn cảnh “phóng sinh bị biến tướng” hiện nay là ăn chay và không sát sinh. Hòa thượng Thích Chơn Không nói: “Ăn chay, không sát sinh chính là cách phóng sinh gián tiếp. Phật tử có lòng nên ăn chay, làm từ thiện phát cơm chay tại các bệnh viện, khu người dân nghèo khổ. Vậy là vừa giúp họ một bữa cơm, vừa khuyến khích họ ăn chay, phát tâm từ bi. Phật tử làm được như vậy thì không cần làm lễ phóng sinh phô trương, không cần thực dụng đi tìm bắt vật phóng sinh thì tâm đã thanh tịnh, phúc đức cũng đầy hơn”.
Hồng Linh - Hữu Hải / Duyên dáng Việt Nam