Tại phiên tòa phúc thẩm vụ VN Pharma nhập khẩu 9.300 hộp thuốc chữa ung thư kém chất lượng không rõ nguồn gốc, đại diện Bộ Y tế và đại diện Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương được tòa triệu tập đến để trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử nhằm làm sáng tỏ vụ án. Thế nhưng 2 đại diện cơ quan nhà nước này lại... thẳng thừng từ chối trả lời các câu hỏi mà để... cơ quan mình "sẽ trả lời tòa sau"!? Vậy chẳng lẽ, tòa triệu tập 2 đại diện cơ quan nhà nước đến để... ngồi chơi?
Như vậy là tuy được triệu tập đến phiên tòa để tham gia tố tụng, nhưng 2 đại diện này lại đến chỉ để... xem tòa xử? Nếu bảo để cơ quan họ sẽ gửi trả lời sau phiên tòa, thì tòa còn triệu tập họ đến để làm gì nữa?
Điều này đã cho dư luận thấy "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" khi hệ thống bộ máy nhà nước lại từ chối phối hợp với nhau để giải quyết 1 vụ việc. Có lẽ, các đại diện của các cơ quan nhà nước này cho rằng mình có quyền trả lời hoặc không trả lời theo điều54 Bộ luật Tố tụng hình sự?
Tuy nhiên như vậy là có sự nhầm lẫn ở đây. Chú ý rằng họ tham gia phiên tòa với tư cách là đại diện của cơ quan nhà nước chứ không phải với tư cách là cá nhân như điều 54, cho nên phải tuân theo điều 26 về "Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng", tại khoản 1 đã có quy định như sau:
"Trong phạm vi trách nhiệm của mình, các cơ quan nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm; phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Các cơ quan nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật để xử lý và phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình; có quyền kiến nghị và gửi các tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người có hành vi phạm tội.
Thủ trưởng các cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc không thông báo hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.
Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.
Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ''.
Như vậy việc xét hỏi tại phiên tòa của những người tiến hành tố tụng là một trong số các hoạt động thực hiện nhiệm vụ tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, các đại diện của cơ quan nhà nước khi được tòa triệu tập tại phiên tòa thì phải có trách nhiệm "phối hợp" tức là phải trả lời các câu hỏi của những người tiến hành tố tụng ngay tại phiên tòa để Hội đồng xét xử kịp thời xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ tại phiên tòa để nghị án đúng đắn, tuyên được 1 bản án chính xác đúng người đúng tội.
Chú ý rằng sự có mặt của các đại diện của các cơ quan nhà nước này tại phiên tòa là bắt buộc, rất cần thiết nhằm phối hợp với những người tiến hành tố tụng làm sáng tỏ vụ án, cho nên tòa mới phải triệu tập họ. Như vậy việc 2 đại diện này có mặt nhưng lại từ chối trả lời thì cũng như là việc họ không có mặt tại phiên tòa vậy, đã làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng xét xử của Tòa án. Cho nên, đáng lẽ ra, khi họ "có mặt cũng như không" từ chối "phối hợp" trả lời các câu hỏi của những người tiến hành tố tụng thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, cho đến khi mời được người đại diện của cơ quan nhà nước trả lời được các câu hỏi của tòa.
Nếu như "khất trả lời sau" phiên tòa,thì do thiếu thông tin, chứng cứ từ cơ quan nhà nước để đánh giá toàn diện, khách quan vụ án cho nên Hội đồng xét xử không thể nghị án đúng đắn mà cho ra 1 bản án chính xác được.
Cho nên các đại diện của các cơ quan nhà nước này không được "khất trả lời sau". Vì hậu quả của việc "khất trả lời sau" này là rất lớn, làm ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình xét xử khách quan, toàn diện, đúng đắn của Tòa án.
Nếu như người đại diện không trả lời được câu hỏi thì phải nói rõ lý do vì sao, và có trách nhiệm "tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ", cung cấp thông tin về người phụ trách vấn đề được hỏi để Tòa án triệu tập người đó đến trả lời được câu hỏi của Hội đồng xét xử.
Như vậy nếu đại diện cơ quan nhà nước mà từ chối trả lời Hội đồng xét xử, xin "khất trả lời sau",thì tức là đã cản trở hoạt động xét hỏi làm sáng tỏ vụ án của những người tiến hành tố tụng, đã vi phạm khoản 1 "Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ" trong điều 26 "Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng".
Cho nên người đại diện này phải bị xử lý vi phạm về trách nhiệm phối hợp của cơ quan nhà nước với cơ quan, những người tiến hành tố tụng, tức là phải bị xử lý kỷ luật theo trách nhiệm hành chính về hoạt động công vụ, không chấp hành đúng quy định của pháp luật trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao ở điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tòa án có quyền đề nghị cơ quan cử người đại diện đó xử lý kỷ luật người đại diện đã từ chối trả lời, hoặc đề nghị cấp trên của cơ quan đó xử lý kỷ luật nếu người đại diện là người đứng đầu cơ quan đó.
Phạm Mạnh Hà