Trong đợt này một người chỉ có thể mắc COVID-19 tối đa là 2 lần, trong đó 1 lần nhiễm chủng Delta, 1 lần nhiễm chủng Omicron, mỗi lần cách nhau từ 4 đến 6 tháng.

PSG.TS.BS Đỗ Văn Dũng: “Những người nói mắc COVID-19 trên 2 lần là không chính xác”

Hồ Quang | 08/03/2022, 19:45

Trong đợt này một người chỉ có thể mắc COVID-19 tối đa là 2 lần, trong đó 1 lần nhiễm chủng Delta, 1 lần nhiễm chủng Omicron, mỗi lần cách nhau từ 4 đến 6 tháng.

PSG.TS.BS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM đã chia sẻ như thế với phóng viên Một Thế Giới về tình trạng xuất hiện nhiều người mắc COVID-19 đến 2-3 lần, thậm chí có người đã tiêm đủ 3 liều vắc xin vẫn còn mắc COVID-19 đến 3-4 lần.

Một người chỉ mắc COVID-19 tối đa 2 lần

Hiện nay, số ca mắc COVID-19 đang tăng lên từng ngày, mỗi ngày cả nước lên đến hơn cả trăm nghìn ca mắc mới. Đặc biệt, nhiều người mắc COVID-19 lập đi lập lại nhiều lần, dù đã tiêm đủ cả 3 mũi vắc xin. Điều đó khiến không ít người dân cảm thấy lo lắng, không biết mình đã mắc COVID-19 rồi có còn mắc nữa hay không, bao lâu sẽ mắc lại, mắc đến bao nhiều lần… Những câu hỏi vô định ấy cũng đang khiến không ít người dân cảm thấy lo lắng, ngay cả những người đã từng mắc COVID-19.

psg-ts-bs-do-van-dung-nhung-nguoi-noi-mac-covid-19-tren-2-lan-la-khong-chinh-xac-hinh-anh(1).png
PSG.TS.BS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM - Ảnh: PV

Tuy nhiên theo bác sĩ Đỗ Văn Dũng, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trong đợt này một người chỉ có thể mắc COVID-19 tối đa là 2 lần, trong đó 1 lần nhiễm chủng Delta, 1 lần nhiễm chủng Omicron, mỗi lần cách nhau từ 4 đến 6 tháng.

“Những người nói đã mắc COVID-19 trên 2 lần, thậm chí 3-4 lần là không chính xác, có thể do họ bị cảm rồi bị dương tính giả. Nhiều người xét nghiệm trước đó nói chỉ số CT: 32-33 thì chỉ là do cảm cúm thôi. Như vậy, trong nhiều lần người bệnh nói mình mắc COVID-19 có những lần không phải mắc thật mà bị dương tính giả. Khi làm PCR nó khuếch đại lên, chỉ cần một mảnh phân tử bào đó giống là nó nhân lên”, bác sĩ Dũng giải thích.

Cũng theo bác sĩ Dũng, một người cũng có thể mắc COVID-19 trở lại từ chính chủng mà mình đã từng mắc, nhưng đây là một tỷ lệ rất thấp, số người nhiễm cùng chủng như thế này giảm đến 20 lần; còn nhiễm khác chủng giảm 1/3 lần.

Bên cạnh đó, những người trước đó mắc chủng Omicron cũng có thể mắc chủng Delta, nhưng tỷ lệ rất thấp, vì hiện nay chủng Delta chỉ chiếm khoảng 1-2%.

Chia sẻ về điều này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cũng khẳng định, người nào nói mắc COVID-19 đến 3-4 lần hay 1 tháng mà mắc đến 2-3 lần là sai, có thể do xét nghiệm trước đó không chính xác.

"Người dân muốn xác định chính xác mình đã mắc COVID-19 trước đó hay không chỉ có thể cấy vi rút; còn chúng ta chỉ làm xét nghiệm mà chưa cấy vi rút thì xem như có thể lần trước chúng ta không mắc COVID-19 nên lần này mắc và có thể lần sau mắc chủng khác”, bác sĩ Khanh nói.

Theo bác sĩ Khanh, không chỉ có test nhanh mà ngay cả xét nghiệm PCR cũng có lúc chưa chính xác 100%, chỉ có thể cấy vi rút mới xác định chính xác có mắc COVID-19 hay không.

Nếu như trước đây, người dân đã từng mắc biến chủng Beta thì có thể mắc tiếp biến chủng Delta, rồi biến chủng Omicron. Tuy nhiên, hiện nay chủng Beta gần như không còn lưu hành, còn chủng Alpha xuất hiện từ những ngày đầu bệnh COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào.

“Như vậy, với việc lưu hành các chủng hiện nay, người dân chỉ có thể mắc COVID-19 tối đa là 2 lần, đó là mắc biến chủng Delta và biến chủng Omicron. Đối với người đã mắc chủng Delta gần như không mắc lại chủng này. Người mắc chủng Delta có thể mắc chủng Omicron, tỷ lệ mắc khoảng 5 đến 10% và sau 1 tháng mới có thể mắc lại”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Tốc độ lây nhiễm bệnh COVID-19 cao hơn so với các bệnh truyền nhiễm khác

Dù bệnh nhân mắc COVID-19 tăng cao, nhưng số ca tử vong giảm mạnh, ở mức thấp. Trong ngày hôm nay (8.3) số ca mắc COVID-19 lên đến 162.435 ca, trong đó có 86 ca tử vong. Như vậy tỷ lệ tỷ vong chỉ chiếm hơn 0,5%.

Bác sĩ Dũng cho rằng, tỷ lệ tử vong có thể thấp hơn 0,5%, thậm chí chỉ 0,1% vì số bệnh nhân mắc COVID-19 thực tế có thể cao hơn con số được Bộ Y tế công bố, nhưng chúng ta chưa thể xem bệnh COVID-19 là một bệnh đặc hữu hay là bệnh truyền nhiễm lưu hành thông thường.

Nếu so với các bệnh truyền nhiễm khác như: sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm… thì bệnh COVID-19 đang có tốc độ lây lan cao hơn rất nhiều.

Dù tỷ lệ tử vong COVID-19 hiện nay thấp, nhưng nếu để số ca mắc tăng cao sẽ làm gia tăng bệnh nhân nặng gây áp lực cho ngành y tế cũng như gia tăng số ca tử vong.

“Nếu tỷ lệ tử vong COVID-19 hiện nay là 0,5% thì 1.000 người mắc đã có 5 người chết, 1 triệu người mắc có 5.000 người chết. Như vậy, lúc này chúng ta chưa thể xem bệnh COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường được. Vì nếu để tràn lan thì số ca mắc COVID-19 có thể lên đến 1 triệu người, lúc đó có đến 5.000 người chết hay tăng lên 10 triệu người người mắc thì có đến 50.000 người chết”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Ngoài ra, nếu so với bệnh cúm, tỷ lệ tử vong của bệnh COVID-19 hiện nay ở Việt Nam vẫn còn rất cao. Tỷ lệ tử vong của cúm hiện nay chỉ 1/1.000. Như vậy tỷ lệ tử vong hiện nay của bệnh COVID-19 cao gấp 5 lần so với cúm. Bệnh sởi thì đã có vắc xin, người tiêm vắc xin sởi cơ bản không mắc bệnh. Các bệnh truyền nhiễm khác như: tay chân miệng, sốt xuất huyết… cũng có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với bệnh COVID-19 hiện nay.

“Tất nhiên, chúng ta có thể kéo giảm tỷ lệ tử vong của bệnh COVID-19 xuống nữa, nhưng cố gắng đừng để số ca mắc COVID-19 tăng nhanh quá sẽ gây quá tải y tế”, bác sĩ Dũng nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PSG.TS.BS Đỗ Văn Dũng: “Những người nói mắc COVID-19 trên 2 lần là không chính xác”