Giao thông đường bộ Việt Nam có lắm chuyện lạ đời, rất khó tin dù đó là sự thật. Chuyện vỉa hè, cứ như tiểu thuyết trường thiên chưa có hồi kết, từ việc bị lấn chiếm, sang nhượng, bảo kê… đến chuyện xe gắn máy, thỉnh thoảng cả ô tô, cứ vô tư dùng vỉa hè làm đường giao thông, đi tắt đón đầu loạn xạ. Vỉa hè chung nhưng là của riêng mấy nhà mặt tiền, không mua đồ mà cứ xớ rớ phía trước là được nghe chửi đổng. Chuyện bóp còi inh ỏi, mọi lúc, mọi nơi, cứ đua nhau như ngày hội âm thanh, chẳng biết tự bao giờ thành văn hóa đặc trưng giao thông của người Việt.

Quá hãi!

03/04/2018, 05:43

Giao thông đường bộ Việt Nam có lắm chuyện lạ đời, rất khó tin dù đó là sự thật. Chuyện vỉa hè, cứ như tiểu thuyết trường thiên chưa có hồi kết, từ việc bị lấn chiếm, sang nhượng, bảo kê… đến chuyện xe gắn máy, thỉnh thoảng cả ô tô, cứ vô tư dùng vỉa hè làm đường giao thông, đi tắt đón đầu loạn xạ. Vỉa hè chung nhưng là của riêng mấy nhà mặt tiền, không mua đồ mà cứ xớ rớ phía trước là được nghe chửi đổng. Chuyện bóp còi inh ỏi, mọi lúc, mọi nơi, cứ đua nhau như ngày hội âm thanh, chẳng biết tự bao giờ thành văn hóa đặc trưng giao thông của người Việt.

Việt Nam thường kẹt xe do giành đường, lấn tuyến, chẳng ai chịu nhường ai và hè nhau cùng kẹt - Ảnh: Ngọc Thắng/Thanh Niên

Ở Việt Nam hình như không có khái niệm đường cấm mà chỉ có “đường đi không được” vì bị kẹt xe hoặc có cảnh sát giao thông (CSGT) phía trước. Thiên hạ kẹt xe vì xe quá đông, kẹt xe trong trật tự và tự giải tỏa. Việt Nam thường kẹt xe do giành đường, chẳng ai chịu nhường ai và hè nhau cùng kẹt.

Với nhiều người, đèn tín hiệu giao thông chỉ trang trí cho vui mắt. Lắm lúc phải huy động cả CSGT lẫn lực lượng “áo xanh phất cờ”, tả xung hữu đột, tại các ngã tư có đủ đèn xanh - vàng - đỏ, mà kẹt xe vẫn hoàn kẹt.

Vào đô thị mà xe chở hàng công kềnh, nguy hiểm cứ nghênh ngang như chỗ không người. Xe chở quá tải hồn nhiên lưu thông như “chuyện thường ngày ở huyện”. Xe chở đất, đá, xà bần… vừa chạy vừa “rải hoa” xuống mặt đường, tạo thành sương bụi ngộ nghĩnh. Xe chạy lấn đường, lấn tuyến và ngược chiều rôm rả. Khi thì ô tô giành hết đường xe gắn máy và ngược lại. Hai bên cứ tranh cãi và đổ lỗi cho nhau. Phần thắng đang nghiêng về xe 4 bánh vì xe 2 bánh đang bị nhiều nơi hăm he cấm cửa.

Mỗi ngày giao thông đường bộ Việt Nam tiễn hàng chục người về bên kia thế giới. Năm 2017, trung bình mỗi ngày có 23 người chết vì tai nạn giao thông. Chưa kể số bị thương tật gấp mấy lần với vô vàn hệ lụy mà xã hội phải gánh chịu.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm, toàn quốc hiện có gần 170.000 ôtô hết niên hạn sử dụng, trong đó trên 119.000 xe tải và hơn 48.000 xe khách. Hàng ngày, hàng giờ; các xe “tiềm ẩn tử thần” này vẫn ngang dọc tung hoành khắp mọi nẻo đường đất nước. Cục Đăng kiểm cũng cho biết, cả nước còn có trên 303.000 lượt phương tiện không đạt tiêu chuẩn, phần lớn các phương tiện này đã sắp hết niên hạn sử dụng. Chưa kể số lượng xe đăng kiểm giả, rồi đăng kiểm thật mà chất lượng giả. Rồi hàng chục ngàn lái xe xài bằng giả, hoặc bằng thật nhưng học giả…

Đọc xong mấy thông tin này, có người ngất xỉu. Có người á khẩu, hồi lâu mới cà lăm ú ớ. Người dân quá hãi, còn nhà nước quá hoảng. Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg do Chính phủ ban hành đã có hiệu lực gần 2 năm và quy định đến ngày 01.01.2018 chính thức thu hồi, xử lý các phương tiện giao thông hết hạn sử dụng, bao gồm xe mô tô, xe gắn máy và xe ô tô các loại. Quý 1/2018 sắp trôi qua, hiệu lực quyết định vẫn còn nằm trên giấy. Hình như chưa có xe nào bị tịch thu. Người dân thì hồi hộp, Thanh tra và CSGT thì băn khoăn. Các chuyên gia cho rằng cần phải có sự tính toán kỹ và lộ trình rõ ràng trong việc thu hồi xe ô tô, xe gắn máy; vì đây là chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Vậy thì ban hành quyết định làm gì cho lờn luật, tự mình phủ nhận mình?

Mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay, khi sử dụng xe hết niên hạn, người điều khiển phương tiện bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ sẽ bị xử phạt từ 4 - 6.000.000 đồng, tịch thu xe và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Xử phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe như vậy là quá nhẹ. Xe quá niên hạn là những thần chết lưu động, đe dọa và rình rập tước đoạt mạng sống mà người điều khiển bị phạt như vậy là chưa thỏa đáng. Ngoài việc tịch thu xe tang vật, cần có những chế tài mạnh mẽ hơn về hình sự với chủ xe. Đặc biệt là các kiểm định viên không tuân thủ quy trình và tiêu chuẩn kiểm định, cho qua các phương tiện kém chất lượng.

Theo thông tin báo chí, khoảng 70% tai nạn giao thông đường bộ tại Việt Nam là do xe quá niên hạn sử dụng, kiểm định lọt sàng và người lái có vấn đề về nghiệp vụ, về quy chuẩn. Nghĩa là những tai nạn này có thể không xảy ra nếu biết phòng tránh và tuân thủ nghiêm nhặt các quy định về an toàn giao thông. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Họ ở đâu và làm gì mà để tai nạn giao thông cứ ngày mỗi gia tăng? Chưa thấy cán bộ quản lý nào bị cách chức. Thi thoảng có vài nhân viên bị phát hiện hối lội trong kiểm định và các trung tâm đào tạo lái xe, nhưng xử lý như xức dầu nóng trong khi bệnh nặng đã di căn. Cây sâu và mục rỗng từ gốc mà chỉ nhặt vài lá vàng thì chẳng giải quyết được gì và càng thách thức dư luận xã hội.

Dạo này, nằm ngủ tôi cứ bị ác mộng, ám ảnh bởi hàng trăm ngàn ô tô hết niên hạn sử dụng đang nhộn nhịp lưu thông, chực chờ gieo rắc thần chết khắp hang cùng ngõ hẽm của đất nước. Bao nhiêu cái chết tức tưởi và oan uổng đang chờ giáng xuống bất cứ gia đình nào. Nhiều người tự an ủi là “Trời kêu ai nấy dạ”. Hoặc “Phải tự cứu mình thôi. Cứ hạn chế ra đường cho nó lành”. Chưa chắc. Có người ngủ trong nhà vẫn bị xe tông chết. Còn xe nhảy lên lề tông người là chuyện thường. Một số nhà mặt tiền tại những điểm đen tai nạn giao thông đang có xu hướng bán nhà, lên chung cư cao tầng ở cho an toàn. Giỏi lắm là xe tông sập tường, sập cửa mấy căn dưới đất. Chẳng xe nào húc đổ được cả chung cư.

Trong khi chờ đợi những biện pháp khả thi thì mọi người vẫn phải ra đường đi làm, chở con đi học, thi thoảng đi chơi… Vẫn luôn sống trong nỗi phập phồng vì các xe hết niên hạn sử dụng hoặc kém chất lượng. Lúc nào thần kinh cũng căng như sợi dây đàn. Phải nói là QUÁ HÃI!

Nguyễn Văn Mỹ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
8 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quá hãi!