Trước hình ảnh những ngôi biệt thự bề thế, đắc địa của một số quan chức địa phương, dư luận không khỏi băn khoăn về nguồn gốc tài sản "khủng" của họ.
Bà Trần Thị Quốc Khánh - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa có trả lời với báo giới xung quanh nội dung này.
PV: Thưa bà, gần đây ở một số địa phương như Yên Bái, Hà Nam xuất hiện một số quan chức có những khu gọi là “biệt phủ”. Vậy ý kiến đánh giá của bà về vấn đề này như thế nào?
Bà Trần Thị Quốc Khánh: Tôi cho là những cán bộ lãnh đạo ở các cấp nếu mà thực hiện đúng những Điều lệ của Đảng và Nghị quyết chỉ thị của Đảng thì sẽ sống không phải kiểu vào Đảng để làm "quan cách mạng" hay là để hưởng thụ mà đáng nhẽ vào để lo cho dân cho nước.
Khi vào Đảng các vị cũng thề, đọc lời thề đối với Đảng trước khi gia nhập, nhưng vào một thời gian rồi thì quên, như Bác Hồ nói hồi xưa, là trở thành "quan cách mạng" nên là muốn sống vinh hoa phú quý. Đây là "chủ nghĩa cá nhân"mà theo tôi là không nên.
Rõ ràng, chuyện xây dinh thự nguy nga cũng thể hiện suy nghĩ không đúng mực bởi con người ta sẽ sống một cuộc sống có ý nghĩa nhất chứ không phải là "khoe của". Của cải một đống, mồ hôi nước mắt của mình hay là của thiên hạ mà nó tạo ra những biệt phủ lớn như thế!?
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Thường trực ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
PV: Khi người ta giàu có thì người ta có quyền hưởng thụ, xây dựng tư gia hoành tráng cũng là bình thường. Quan điểm của bà thế nào, thưa bà?
Bà Trần Thị Quốc Khánh: Ở Việt Nam vốn đã có những gương tày liếp: giàu có như công tử Bạc Liêu, thế nhưng đời con cháu cũng trắng tay. Đây là sự thật. Nếu nhìn sâu xa thì có lẽ họ không bao giờ dám sống cuộc sống xa hoa, khoe của, hợm hĩnh như thế.
Người ta sẽ cống hiến cho đất nước, cho mọi người ở quê hương mình nhiều hơn và sống vừa phải thôi thì con cái cũng ngoan. Còn nếu sống "trên tiền" như thế thì con cái sau này sẽ phá. Đây là một bài học, “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Đấy là bài học nhãn tiền. Cho nên, những người cứ tưởng giàu có, vinh hoa phú quý, có "biệt phủ" này kia, hãy chờ đấy, hãy nhìn những gương trước đó!
Đây là bài học của rất nhiều các thế hệ của những người làm cha mẹ ngày xưa. Có những người không giàu có, không để lại tiền của, nhưng họ để lại cho các con tấm gương về đạo đức.
Trên thế giới, tỷ phú Bill Gates giàu số 1 nhưng cũng chỉ để lại 1% cho con thôi, còn 99% là cống hiến cho nhân loại. Tại sao họ không học những tấm gương như thế?
Nếu mình không thực sự giỏi giang mà lấy được của thiên hạ, của dân, của nước thì sớm muộn "của thiên" cũng sẽ phải "trả địa". Bài học nhân quả rất rõ.
PV: Thưa bà, trước những biệt thự nguy nga như thế, báo giới vẫn băn khoăn là tại sao các quan chức địa phương không sắn tay vào cuộc. Có thể là vì nể nang, hay là do thờ ơ, ngại "va chạm" mà không kiểm tra hay điều tra nguồn gốc tài sản từ đâu mà có. Bà đánh giá vấn đề này như thế nào?
Bà Trần Thị Quốc Khánh: Cái này không phải là một lý do đâu mà là có nhiều lý do. Hiện nay, cơ chế của chúng ta về công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, Đảng, chính quyền còn lỏng lẻo. Pháp luật về cơ bản là rất đầy đủ, thế nhưng trong quá trình thực hiện chưa nghiêm.
Bên cạnh đó, với những người có thế lực ở địa phương thì có thể "bao phủ" những mối quan hệ đó bằng tiền, vật chất để dụ và để khuất phục những người khác. Cho nên, không ai dám động đến họ và đương nhiên không động đến thì họ không biết sợ, họ cho đấy như là thành quả của họ. Nhẽ ra, các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng phải nhắc nhở.
Thực tế cho thấy, rất nhiều vụ việc được phanh phui ra cũng là từ báo chí, cho nên có thể nếu báo chí không đưa lên thì cũng chẳng ai biết. Tại sao lại xuất hiện những biệt phủ này, biệt phủ kia ở nơi này nơi kia. Tôi rất mong các cơ quan báo chí phải mạnh mẽ hơn nữa để theo dõi và đưa chính xác, góp phần ngăn chặn những lối sống "trọc phú".
PV: Xin cảm ơn bà!.
Trần Ngọc (VOV)