Tự ý bán đất công sản không thông qua ban Thường vụ Thành ủy, công ty Tân Thuận có dấu hiệu làm thất thoát hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.

Quốc Cường Gia Lai đã mua hơn 32ha đất công với giá bèo chỉ trong 7 ngày

20/04/2018, 10:45

Tự ý bán đất công sản không thông qua ban Thường vụ Thành ủy, công ty Tân Thuận có dấu hiệu làm thất thoát hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.

Giá bồi thường cho dân gấp khoảng 10 lần so với giá đất công sản mà Công ty Tân Thuận bán lại (ảnh lớn). Những hộ dân chưa thỏa thuận được giá bồi thường sinh sống trong khu dân cư Phước Kiển (ảnh nhỏ)

Thành ủy TP.HCM đã ra thông báo yêu cầu Công ty TNHH MTV ĐT-XD Tân Thuận (100% vốn thuộc văn phòng Thành ủy TP.HCM) hủy hợp đồng khi bán khu đất hơn 30ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (Công ty Quốc Cường Gia Lai) với giá 1,29 triệu đồng/m2.

Theo Thành ủy TP.HCM việc ký kết hợp đồng này không đúng Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH một thành viên thuộc Đảng bộ Thành phố. Thường vụ Thành ủy yêu cầu Công ty Tân Thuận phải đàm phán với đối tác hủy hợp đồng, không đồng ý việc bán chỉ định.

Tự ý bán đất công sản?

Theo điều tra của PV, tháng 12.2009, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Đại diện Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai có ký kết hợp đồng mua khu đất rộng 1.000m2, giá 4,865 triệu đồng/m2 của ông Nguyễn Văn Công (ngụ ấp 5, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè). Theo giới đầu cơ, giá đất ông Công bán cho Quốc Cường Gia Lai ở thời điểm này được xem là hợp lý so với giá thị trường.

Gần 8 năm sau, giá đất ngày càng tăng, đất khu vực xã Phước Kiển cũng không ngoại lệ. Thời điểm khoảng giữa năm 2017, đất ở huyện Nhà Bè tăng giá đột ngột, nhiều khu vực mỗi mét vuông đất lên tới 20 triệu đồng, trong khi giá đất ở khu vực Phước Kiển khoảng 8-10 triệu đồng/m2.

Ngày 8.9.2017, trong phụ lục hợp đồng số 203/HĐKT/2017, ông Trần Công Thiện - đại diện Công ty Tân Thuận ký bán cho Quốc Cường Gia Lai 32,4 ha. Cụ thể, phần diện tích 281.407m2 đất đã ký hợp đồng công chứng chuyển tên cho công ty Quốc Cường Gia Lai với số tiền 1.290.000 đồng/m2, được hơn 363 tỉ đồng. Qua đó, Quốc Cường Gia Lai trả sau 7 ngày ký phụ lục hợp đồng.

Cũng theo phụ lục hợp đồng này, phần diện tích 43.564m2 đất còn lại do một nhân viên Phòng định cư Công ty Tân Thuận đứng tên nhận chuyển nhượng của người dân… cũng được bán cho Quốc Cường Gia Lai với giá gần 56,2 tỉ đồng. Riêng phụ lục này do ông Trần Công Thiện và bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai ký kết.

Khu đất công sản mà Công ty Tân Thuận bán cho đối tác với giá rẻ bèo

Quốc Cường Gia Lai có được ưu ái?

Theo một chuyên gia kinh tế, việc chuyển nhượng đất giữa bên mua và bán có vấn đề, có sai phạm. Do Công ty Tân Thuận có 100% vốn thuộc Thành ủy TP.HCM nên khu đất trên phải mang ra đấu giá công khai, báo cáo để Thường vụ Thành ủy thẩm định giá.

“Nếu so sánh với giá đất thị trường, công ty Quốc Cường Gia Lai được mua lại với giá quá ưu ái, giá đất thấp rất nhiều lần so với thực tế thị trường, vì vậy đáng ra, Nhà nước thu về với con số hàng ngàn tỉ đồng chứ không phải là 419 tỉ đồng. Đó là chưa nói đến việc đóng thuế, gây thêm thất thu ngân sách nhà nước rất lớn. Việc này Thành ủy không biết là quá vô lý, cơ quan chức năng nên rà soát lại việc mua bán bất thường này”, chuyên gia này nói thêm.

Được biết, ngày 19.4.2017, Công ty Tân Thuận tiến hành cuộc họp của Hội đồng Xây dựng giá bất động sản kinh doanh. Ngày 24.4.2017, Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai họp bàn phương án chuyển nhượng khu đất. Đến ngày 25.4.2017, Tổng Giám đốc Trần Công Thiện có tờ trình số 354/TTr-TT trình lên Hội đồng Thành viên Công ty Tân Thuận và hai ngày sau chính ông Trần Công Thiện thay mặt Hội đồng Thành viên tiếp tục trình lên lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, Phòng Quản lý Đầu tư - Kinh doanh Vốn (Văn phòng Thành ủy) về phương án chuyển nhượng đất và hợp tác với Quốc Cường Gia Lai. Chỉ trong 7 ngày, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng khu đất công sản này cho công ty Quốc Cường Gia Lai.

Sống khổ trong dự án

Liên quan đến Quốc Cường Gia Lai tại dự án Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) rộng khoảng 92ha, theo ghi nhận của PV vào ngày 19.4, dự án nằm “án binh bất động”, cây dại mọc um tùm. Nằm rìa dự án, với khoảng 7ha diện tích Khu dân cư Phước Kiển hiện có hàng chục hộ dân còn đang sinh sống.

Theo ông Đặng Văn Tiên (ngụ ấp 5, xã Phước Kiển), gần 10 năm qua, người dân ở đây vướng phải dự án treo này nên khó khăn trăm bề, điện nước sạch cũng không có để dân sử dụng. Người dân phải nối nước của các hộ dân khác cách đó hàng trăm mét để sử dụng và hàng tháng phải trả tiền với giá cao.

Con đường vào khu dân cư rộng khoảng 1m, được trải bê tông, nhưng do không được phép tu bổ khiến nhiều đoạn hư hỏng nặng. Còn hai bên đường, nhiều khu đất trống ngổn ngang gạch đá trong khi những căn nhà còn lại hầu hết xuống cấp, nứt toác.

Bà Loan cho rằng việc bồi thường cho dân là nhân đạo, giống như đi làm từ thiện

Trả lời với PV về việc Quốc Cường Gia Lai có được Tân Thuận ưu ái hay không khi để mua lại hơn 32ha đất với giá rẻ, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai cho biết là đang bận, sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất và thông báo vụ việc trên đến website của công ty.

Trước đó, trả lời về việc đền bù cho người dân ở dự án trên, bà Loan cho rằng: “Công ty muốn sớm đền bù cho họ để triển khai dự án, nhưng người dân đòi giá quá cao. Có người sở hữu vài chục mét vuông, có người vài trăm đến vài nghìn mét vuông. Công ty chỉ đền bù được giá 10 triệu đồng/m2 đối với nhà, đất có diện tích dưới 100m2; trên 100m2, công ty chỉ đền 5 triệu đồng/m2 (đất thổ cư); 3 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp”.

Cũng theo bà Loan, việc giải tỏa là trách nhiệm của chính quyền, nhưng bà đứng ra làm nhân đạo để người dân đủ tiền mua nhà nơi khác. “Bản thân tôi đi làm từ thiện nhiều nơi. Thay vì đi làm từ thiện ở nơi khác thì tôi về khu dân cư Phước Kiển làm từ thiện”, bà Loan nói thêm.

Không “ăn”, sao quyết định kỳ cục vậy?

Anh làm gì cũng phải dựa trên lợi ích của cộng đồng. Cơ quan quyền lực về Đảng cao thì càng phải là một tấm gương, phải chuẩn mực để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có niềm tin để ủng hộ và cổ vũ. Việc này là không tôn trọng lợi ích cộng đồng, việc tự quyết quá lớn. Nếu vì vấn đề an ninh quốc phòng thì tôi không bàn, đằng này việc chuyển nhượng đất nói trên đơn thuần là một giao dịch về thương mại. Nói thật, làm như vậy tôi thấy kỳ cục quá, không thuyết phục. Đó là tôi nói về cách làm của công ty Tân Thuận và cả Thành ủy TP.HCM.

Tôi không biết có lý do gì bên trong hay không. Anh là cơ quan có quyền lực đến mấy cũng không được quyết định như vậy. Ai quyết định? Có động cơ gì hay không? Cả một tập thể Ban Thường vụ thành ủy hơn 10 người, Ban Thường trực Thành ủy đều không thông qua. Ai cũng thấy việc này quá bất thường. Một khu đất lớn như thế mà lại không đấu giá theo quy định mà dấm dúi sang nhượng với giá quá rẻ. Với giá bán chỉ hơn 1 triệu đồng/m2 đất (mà là đất sạch) ở vị trí đó, một người nghèo cũng cố vay nóng để mua chứ đừng nói là đại gia.

TS Trần Quang Thắng, Đại biểu HĐND TP.HCM

Vô trách nhiệm với tài sản công

Quy định bán đất công hiện nay do cơ quan hành chính có thẩm quyền thực hiện yêu cầu phải tuân theo Luật đấu giá tài sản. Quy trình ấy đã quy định từ lâu, trong trường hợp nào không qua đấu giá… đều quy định cụ thể nhưng hiện nay thực hiện vẫn chưa nghiêm.

Đất công cho doanh nghiệp nhà nước hiện nay vẫn vướng hai việc là đưa giá trị đất công vào cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là câu chuyện được thảo luận rất nhiều, có rất nhiều vướng mắc vì giá trị thực đưa vào cổ phần hóa xác định như thế nào. Nhiều trường hợp thấy có sự chênh lệch rất rõ giữa giá thị trường và giá trị đưa vào cổ phần hóa.

Thứ hai là nhiều doanh nghiệp nhận giao đất của nhà nước; giao đất rồi thì cho phép doanh nghiệp đó được chuyển nhượng vì nhà nước đã thu tiền sử dụng đất nhưng trong việc chuyển nhượng đó cũng có nhiều trường hợp chuyển lợi ích công thành lợi ích riêng. Ví dụ như doanh nghiệp thuê đất đó giá thuê trên hợp đồng thấp, còn giá thuê đất thực tế thì cao. Đây là kẽ hở mà hiện nay pháp luật chưa có biện pháp gì để kiểm soát.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT

Kỷ cương, pháp luật lỏng lẻo sinh ra “ăn vụng”

Việc làm vừa rồi của công ty Tân Thuận và các cán bộ liên quan là không xem trọng lợi ích người dân và có biểu hiện lợi ích nhóm trong thương vụ mua bán đất công nói trên.

Tôi cho rằng vụ bán đất công giá bèo vừa qua không có gì bất thường. Anh không ràng buộc chặt chẽ, quản lý không tốt thì đương nhiên sẽ phát sinh ra chuyện “ăn vụng”. Đã giao tôi quản lý thì tôi có quyền kinh doanh. Nó lập lờ ở chỗ đó.

TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - kỹ thuật - Môi trường UB MTTQ Việt Nam TP.HCM

Huy Thịnh ghi

Theo Đình Du/Tiền Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quốc Cường Gia Lai đã mua hơn 32ha đất công với giá bèo chỉ trong 7 ngày