Ngày 28.11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 4 và việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 2 - kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Quốc hội định họp bất thường để xem xét nhiều vấn đề cấp bách

Lam Thanh | 28/11/2022, 14:13

Ngày 28.11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 4 và việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 2 - kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề về việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Chính phủ đề nghị trình Quốc hội các nội dung: Xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; Xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15; Xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách...

Về thời gian và hình thức họp, căn cứ tiến độ chuẩn bị các nội dung, Tổng thư ký Quốc hội đề xuất 2 phương án.

Phương án 1: Trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường chưa kịp xem xét đủ điều kiện trong tháng 12.2022 thì đề nghị tổ chức họp sau Tết Nguyên đán (trong tháng 2.2023) và theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Phương án 2: Trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường được xem xét xong trong tháng 12.2022 và đủ điều kiện trình thì đề nghị tổ chức họp trước Tết Nguyên đán (đầu tháng 1.2023) theo hình thức họp trực tuyến kết hợp họp tập trung, trong đó họp trực tuyến để thảo luận, cho ý kiến, còn họp tập trung để biểu quyết các nội dung (hoặc nếu xét thấy việc đi lại dịp tết khó khăn thì có thể họp trực tuyến cả kỳ).

Tổng thư ký Quốc hội đề nghị các cơ quan cần khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị những nội dung của kỳ họp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định việc tổ chức và triệu tập kỳ họp bảo đảm đúng thời gian quy định (chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp).

Về công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Tổng thư ký Quốc hội cho biết dự kiến Quốc hội làm việc 17 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày thứ hai 22.5.2022. Dự kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự thảo luật, dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 6 dự thảo luật. Cũng tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác...

Tổng thư ký Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổ chức hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách để cho ý kiến về một số nội dung cần thiết trước khi trình Quốc hội; đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban đề xuất những nội dung cần thảo luận tại hội nghị để sớm xây dựng kế hoạch tổ chức.

qh.jpg
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết kỳ họp thứ 4 đã thành công tốt đẹp. Theo thường lệ, sau khi kết thúc kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào báo cáo đánh giá của các đoàn đại biểu quốc hội, các đại biểu quốc hội, thông tin, dư luận của nhân dân sẽ có đánh giá tổng kết kỳ họp nhằm tiếp tục rút kinh nghiệm cho kỳ họp sau. Đồng thời, với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải cho ý kiến ngay để chuẩn bị cho kỳ họp thường kỳ lần thứ 5 (tháng 5.2023).

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến, trình Quốc hội giải quyết sớm 7 nội dung. Trong đó có nội dung về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu để đến kỳ họp tháng 5 thì các quy hoạch khác, nhất là quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sẽ có những khó khăn. Vì vậy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia là việc hết sức cấp thiết. “Đây là nội dung quan trọng nhất phải giải quyết sớm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Một nội dung khác dự kiến trình xem xét tại kỳ họp bất thường là dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là nội dung đã được Quốc hội cho ý kiến tại 2 kỳ họp. Quốc hội và Chính phủ cũng thống nhất sẽ dành thêm thời gian để chuẩn bị, nhất là về một số nội dung quan trọng thuộc tài chính, y tế, cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh…

“Nếu để đến tháng 5 thì thời gian còn lại để ban hành các văn bản hướng dẫn sẽ rất hạn hẹp. Mục tiêu là ngày 1.1.2024 có hiệu lực. Nếu dự thảo luật này chuẩn bị tốt thì có thể xem xét thông qua được sớm hơn”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho hay còn có một số việc liên quan đến tài chính, ngân sách như vấn đề xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; việc tổng kết đánh giá Nghị quyết 30/2021/QH15 liên quan đến quy định về cơ chế đặc thù, đặc biệt, đặc cách trong công tác phòng chữa bệnh, chống dịch; một số các vấn đề liên quan đến bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; nguồn vốn viện trợ không hoàn lại; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại của các địa phương; điều chỉnh dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động chưa sử dụng hết của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ những nội dung này Chính phủ mới có tờ trình, chưa có điều kiện để thẩm tra theo quy trình quy định. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ rà soát cho ý kiến về nội những nội dung này và xem xét khả năng tổ chức kỳ họp bất thường.

Bài liên quan
Cần Thơ: Lãnh đạo Quốc hội thăm và tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Ngày 12.1, tại TP.Cần Thơ, ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã thăm, tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quốc hội định họp bất thường để xem xét nhiều vấn đề cấp bách