Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Tháp sớm trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL; trung tâm giao lưu phát triển kinh tế với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông.
Phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, lợi thế
Đồng Tháp là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước đứng thứ 3 cả nước về tổng sản lượng lúa của cả nước với 3,3 triệu tấn/năm, sau Kiên Giang 4,3 triệu tấn/năm, An Giang 4,1 triệu tấn/năm; đứng thứ 4 cả nước về xuất khẩu thủy sản với tổng kim ngạch khoảng 898 triệu USD.
Trong đó, riêng cá tra đứng đầu cả nước về sản lượng xuất khẩu; là trung tâm giao lưu kinh tế, trung tâm du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL và cả nước; là “đất sen hồng” của miền Tây với diện tích 3.382km² (thứ 40/63 cả nước), dân số gần 1,7 triệu người.
Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng; người dân đoàn kết, nghĩa tình, yêu quê hương, có ý chí vượt khó vươn lên. Đặc biệt, đây là tỉnh có vị trí chiến lược với gần 50km đường biên giới, 2 cửa khẩu quốc tế với Campuchia, nằm trên các tuyến giao thông thuận lợi kết nối với TP.HCM, TP.Cần Thơ và các tỉnh lân cận; là địa danh nổi tiếng với nhiều khu di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội mang nét độc đáo và riêng biệt.
Năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh Đồng Tháp đã phục hồi và có chuyển biến tích cực, mặc dù tăng trưởng kinh tế, huy động nguồn lực chưa đạt kỳ vọng nhưng ghi nhận sự lớn mạnh về quy mô kinh tế đạt mốc 110.000 tỉ đồng, xếp thứ 6 trong khu vực ĐBSCL; GRDP bình quân đầu người đạt hơn 68 triệu đồng, tăng 12,16% so với năm 2022; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt 8.151 tỉ đồng, bằng 107,4% dự toán năm. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2023 ước đạt 22.721 tỉ đồng, tăng 10,49% so với năm 2022; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong năm 2023 ước đạt 1,73 tỉ USD, tăng 35,15% so với năm 2022.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được chú trọng, gia đình chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm chăm lo, hỗ trợ; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,17%.
Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ pháp lý quan trọng, là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là cơ sở dài hạn cho công tác chỉ đạo, điều hành và tạo động lực mạnh mẽ phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, lợi thế để Đồng Tháp phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Tư duy và tầm nhìn mới
Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp đã xác định mục tiêu phát triển đến 2030, là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng ĐBSCL.
Ngoài ra, Đồng Tháp còn có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
"Sớm trở thành tỉnh dẫn đầu nhóm dẫn đầu vùng ĐBSCL"
Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào sáng nay (22.2).
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng. Quy hoạch xác định tư duy tầm nhìn, mô hình, kịch bản, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển. Quy hoạch cũng tạo ra cơ hội mới, năng lực sản xuất và giá trị mới cho từng quốc gia, từng vùng, từng địa phương trong thời kỳ quy hoạch.
Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Đồng Tháp là sự kiện rất quan trọng để các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn, tổng thể hơn về tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng phát triển của tỉnh Đồng Tháp, cũng như đóng góp và đề xuất kiến nghị, giúp đỡ tỉnh Đồng Tháp phát triển trong tương lai.
“Với những tiềm năng, lợi thế của mình, với tư duy, cách làm mới, sáng tạo của tỉnh Đồng Tháp thời gian qua; cùng với những cam kết đầu tư của các dự án lớn trọng điểm ngày hôm nay, tôi tin tưởng chắc chắn rằng tỉnh Đồng Tháp sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá trong thời gian tới.
Chính phủ cùng các bộ, ngành trung ương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng với chính quyền và người dân tỉnh Đồng Tháp. Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tiền đề, là dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển tiếp theo của tỉnh.
Tôi tin tưởng rằng Đồng Tháp sẽ biến những khó khăn, thách thức thành động lực phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng ĐBSCL”, ông Nghĩa nhấn mạnh.