Hãng tin AP ghi nhận nhiều tiểu bang của Mỹ đang triển khai nỗ lực quyên góp và tái chế thức ăn nhằm làm giảm lượng rác thực phẩm, bởi chúng sẽ thải ra lượng lớn khí nhà kính khi chôn lấp.
Phong cách - lối sống

Quyên góp và tái chế thức ăn giúp giảm rác thực phẩm tại Mỹ

Cẩm Bình 12:21 29/11/2023

Hãng tin AP ghi nhận nhiều tiểu bang của Mỹ đang triển khai nỗ lực quyên góp và tái chế thức ăn nhằm làm giảm lượng rác thực phẩm, bởi chúng sẽ thải ra lượng lớn khí nhà kính khi chôn lấp.

Khi giám đốc cửa hàng ShopRite Sean Rafferty bắt đầu kinh doanh tạp hóa, bất cứ thứ gì không bán được đều bị vứt đi. Nhưng thời gian gần đây ông giữ lại những hộp bánh mì, bánh rán, hàng tươi sống cùng sản phẩm từ sữa để ngân hàng thực phẩm đến lấy. Đây là một phần trong chương trình kêu gọi doanh nghiệp quyên góp và tái chế thức ăn thừa mà bang New York triển khai trên toàn địa bàn.

“Nhiều năm trước mọi thứ đều bị vứt vào thùng rác rồi đến bãi chôn lấp, máy nén hoặc bất cứ nơi nào khác. Tuy nhiên, giờ đây nhiều chương trình được phát triển cho phép chúng tôi quyên góp thức ăn qua đó giúp đỡ những người đang gặp khó khăn về lương thực”, Giám đốc Rafferty nói với AP.

New York là một trong số ngày càng nhiều tiểu bang cố gắng xử lý nạn lãng phí thực phẩm vì lo ngại chúng chiếm diện tích bãi rác và khí mê-tan thải ra từ thịt, rau, sữa chôn lấp khiến tình trạng ấm lên toàn cầu thêm trầm trọng. Hành động “giải cứu” thức ăn còn dùng được cũng góp phần nuôi sống không ít hộ gia đình nghèo đói.

quye.jpg
Nhiều bang ở Mỹ đã triển khai chương trình biến rác thực phẩm thành phân bón cùng năng lượng

Trên toàn cầu, khoảng 1/3 thực phẩm bị lãng phí. Tỷ lệ này ở Mỹ lên đến 40% với tổng lượng thực phẩm lãng phí vào khoảng 63 triệu tấn – 52,4 triệu tấn bị đưa đi chôn lấp và 10 triệu tấn không được thu hoạch. Theo Giáo sư Emily Broad Leib (Đại học Harvard): “Lãng phí thực phẩm tạo ra khoảng 8 - 10% lượng khí nhà kính toàn cầu”.

May mắn là nhận thức về vấn đề này ngày càng tăng cao. Năm 2015, Bộ Nông nghiệp cùng Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ công bố mục tiêu giảm 50% rác thực phẩm vào năm 2030, qua đó thúc đẩy hàng loạt sáng kiến từ chính quyền lẫn tổ chức phi lợi nhuận.

Hai bang California và Vermont triển khai chương trình biến rác thực phẩm thành phân bón cùng năng lượng, còn bang Connecticut yêu cầu doanh nghiệp kể cả đơn vị bán buôn thực phẩm và siêu thị tái chế thức ăn. Nông dân bang Maryland có thể nhận được ưu đãi thuế 5.000 USD/trang trại nếu quyên góp thực phẩm.

Một số tiểu bang bắt tay với New York thiết lập hệ thống quyên góp thực phẩm. Rhode Island kêu gọi các đơn vị phục vụ trường học quyên góp số thức ăn chưa dùng cho ngân hàng thực phẩm. Massachusetts giới hạn lượng thực phẩm mà doanh nghiệp có thể chuyển đến bãi rác nên lượng thực phẩm quyên góp trên địa bàn bang trong 2 năm tăng 22%.

Chương trình New York triển khai qua 2 năm đạt hiệu quả đáng kể. Tính đến tháng 10, chương trình đã tái phân phối 2,3 triệu kg thức ăn - tương đương 4 triệu bữa ăn - cho 10 ngân hàng thực phẩm trên địa bàn.

Ngân hàng thực phẩm Feeding Westchester (bắt đầu hoạt động từ năm 2014) ghi nhận ngày càng nhiều đơn vị tham gia từ khi New York triển khai chương trình. Phần lớn thức ăn thu thập được sẽ được chuyển đến 300 đối tác trên toàn hạt Westchester.

Điều phối viên Feeding Westchester Danielle Vasquez cho biết: “Thời điểm này trong năm rất quan trọng với chúng tôi lẫn nhiều gia đình ở Westchester. Chi phí thực phẩm cùng chi phí sinh hoạt tăng cao. Chúng tôi ở đây để hỗ trợ các gia đình nhiều nhất có thể, giúp họ dành tiền thanh toán các chi phí khác”.

Bài liên quan
Bắt kẻ lấy danh nghĩa quyên góp tiền từ thiện để chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng
Lê Đình Hải thường xuyên đăng tải hình ảnh những hoàn cảnh bi đát kèm theo bài viết kêu gọi quyên góp tiền, lợi dụng lòng tốt của người khác để chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
4 tháng, ngành du lịch đạt hơn 270.000 tỉ đồng
22 phút trước Du lịch
Tổng thu từ hoạt động du lịch 4 tháng đầu năm ước đạt 271.400 tỉ đồng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyên góp và tái chế thức ăn giúp giảm rác thực phẩm tại Mỹ