Hãng tin AP dẫn một nghiên cứu mới cho biết sự trở lại của rái cá biển đã giúp giải cứu một phần vùng đầm lầy tại bang California (Mỹ).
Rái cá biển ăn liên tục và một trong những món mà chúng ưa thích là cua sọc thường đào hang dọc bờ đầm lầy, gặm rễ cỏ dại vốn góp phần giữ đất lại. Nhà sinh thái hải dương Brent Hughes (Đại học Sonoma) - đồng tác giả nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nature - lưu ý nếu không bị kiểm soát, cua sọc sẽ biến bờ đầm lầy thành “pho mát Thụy Sĩ” rất dễ sạt lở khi sóng lớn hoặc bão ập đến.
Theo ông: “Rái cá không làm đảo ngược hoàn toàn xói mòn nhưng giúp giảm tốc tình trạng một cách tự nhiên”.
Trong nhiều năm tại khu bảo tồn Elkhorn Slough - vùng đầm lầy rộng lớn thuộc California - chẳng hề thấy rái cá biển xuất hiện. Nạn buôn bán lông thú vào thế kỷ 19 đã khiến số lượng rái cá toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng. Chúng từng hiện diện từ Alaska đến California, thậm chí ở Nga cùng Nhật Bản, nhưng có thời điểm chỉ còn lại 2.000 con chủ yếu sinh sống trên địa bàn Alaska.
Lệnh cấm săn bắn kết hợp nỗ lực phục hồi môi trường sống phần nào làm số lượng rái cá biển tăng trở lại. Năm 1984 Elkhorn Slough ghi nhận rái cá trở lại. Chương trình nuôi dưỡng rồi thả cá thể mồ côi về tự nhiên Thủy cung vịnh Monterey cũng góp sức không ít.
Để đánh giá tác động của việc rái cá biển tái xuất hiện, nhà sinh thái Hughes cùng đồng nghiệp phân tích tốc độ xói mòn từ thập niên 1930 kèm quan sát vài đoạn bờ đầm lầy bị chặn trong 3 năm. Họ phát hiện bờ đầm lầy bị chặn xói mòn nhanh hơn nhiều.
Trước đó đã có nhiều nghiên cứu về sự trở lại của loài săn mồi hàng đầu tại các địa điểm khác nhau cho thấy chúng giữ vai trò quan trọng trong duy trì hệ sinh thái ổn định. Chẳng hạn sói xám tái xuất hiện ở vườn quốc gia Yellowstone giúp hạn chế số lượng nai sừng tấm ăn cây non, giảm tốc tình trạng xói mòn bờ sông. Theo một nghiên cứu khác, rái cá giải cứu rừng tảo bẹ vì kiểm soát số lượng nhím biển ăn tảo.