Những ngày vừa qua đúng là ngành y tế gặp chuyện không vui, nếu không muốn nói là đại nạn. Nhưng nó cho thấy ngành y tế rất cần một cuộc đại phẫu.

Rất cần một cuộc đại phẫu cho ngành y tế

Từ Kế Tường | 10/11/2021, 16:28

Những ngày vừa qua đúng là ngành y tế gặp chuyện không vui, nếu không muốn nói là đại nạn. Nhưng nó cho thấy ngành y tế rất cần một cuộc đại phẫu.

Hàng loạt những cán bộ cấp cao từ thứ trưởng, Cục trưởng, Giám đốc bệnh viện cấp trung ương tới địa phương mà mới nhất là Giám đốc bệnh viện TP. Thủ Đức (trực thuộc TP.HCM) đã bị khởi tố, bị bắt. Kể cả cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng bị đề nghị kỹ luật.

Tại sao lại như thế? Tất nhiên những cá nhân có liên quan đều vướng vào tiêu cực: Thuốc giả tràn lan ngoài thị trường, có cả thuốc điều trị ung thư, đấu thầu trang thiết bị máy móc, hợp tác xã hội hóa ở một số bệnh viện lớn... Những loại tiêu cực trong ngành Y tế từ rất lâu khiến dư luận bức xúc gọi chung là tham ô, tham nhũng khiến hình ảnh chiếc áo blouse trắng bị hoen ố. Những vị “Lương y như từ mẫu” lẽ ra phải được bệnh nhân kính trọng, ngưỡng mộ không chỉ vì tài năng mà cả y đức. Nhưng rồi lần lượt những vị lãnh đạo về quản lý, bác sĩ chuyên môn kể cả những vị có học hàm, học vị của ngành Y tế, có vị nổi tiếng đã phải đứng trước cơ quan điều tra và bị khởi tố, bắt giam.

Trong lúc bức tranh gam màu xám của ngành Y tế treo ở góc xã hội như một điểm nhấn buồn thì trả lời chất vấn của đại biểu trước diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lại giải thích một cách khá lúng túng và không làm thỏa mãn bức xúc của dư luận về nhiều vấn đề có liên quan. Ví dụ như Bộ trưởng lý giải cho vấn đề giá test virus COVID-19 quá cao và tùy tiện mỗi nơi một phách bằng một câu rất đơn giản và khá hồn nhiên: “Do quá bận trong công tác phóng chống dịch nên đến tận tháng 9 khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu đúng theo giá đầu vào thì các đơn vị nhận lỗi do quá mải mê nên không thực hiện được”. Thiết nghĩ, chuyện giá test COVID cao một cách bất thường đã gây ồn ào xã hội, bức xúc của người dân một thời gian dài lẽ nào tư lệnh của một ngành quan trọng, gắn liền với sức khỏe, sinh mạng của người dân mà Bộ trưởng lại không biết? Và lẽ ra càng bận lo chống dịch Bộ trưởng lại càng biết hơn ai hết. Vì biện pháp test COVID hằng ngày, hằng giờ cũng từ quy định của Bộ Y tế mà ra.

Ngành Y tế là ngành rất quan trọng, có liên quan tới sức khỏe và tính mạng người dân. Có hai lãnh vực nổi cộm của ngành là Thuốc và Sức khỏe, gắn liền với hai lãnh vực nổi cộm này là hàng loạt cửa hàng thuốc và bệnh viện trên cả nước. Vấn đề quản lý được đặt ra là tại sao hai cánh cửa then chốt này lẽ thường phải được kiểm soát tốt, quản lý chặt lại có quá nhiều sơ hở để tiêu cực lớn xảy ra một thời gian dài, người dân đều biết mà ngành Y tế không biết hoặc biết mà làm ngơ? Để đến khi căn bệnh tiêu cực, nạn tham ô, tham nhũng “hết thuốc chữa”, khiến cho cơ thể của ngành Y tế hết chịu đựng nổi “bung” ra thì hàng loạt cán bộ, chức sắc của ngành phải “vào lò”?

Thiết nghĩ cơ thể của một ngành quan trọng hàng đầu gắn liền với sức khỏe và tính mạng người dân, với xã hội mà không được khỏe, lại có dấu hiệu mang bệnh trầm kha, ung thư thì rất cần một cuộc đại phẫu, bóc tách cho bằng hết những mầm mống nguy hại để cơ thể này sống lại, mạnh khỏe, đúng nghĩa là chỗ dựa, niềm tin của người dân, của xã hội thì rất nên làm. Có đau cũng phải làm. Trong đó, hai vấn đề tối quan trọng là cơ chế quản lý và bổ nhiệm nhân sự. Cơ chế quản lý tốt thì không mất mát cán bộ, mất người tài. Bổ nhiệm nhân sự đúng, lấy y đức làm thước đo thì không nảy sinh tiêu cực, tham ô, tham nhũng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần Thơ giải ngân hơn 10.468 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024 như thế nào?
Năm 2024, TP.Cần Thơ được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 10.468 tỉ đồng, đến nay đã giao chi tiết 8.804 tỉ đồng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rất cần một cuộc đại phẫu cho ngành y tế