Rất nhiều người đang bị suy sụp, trầm cảm vì giãn cách xã hội kéo dài do dịch COVID-19 bùng phát, và sách chính là phương thuốc chữa lành tinh thần quan trọng vào lúc này.

Sách là phương thuốc bổ cho tâm lý con người trong đại dịch

thuận Nguyễn/Trí Việt | 27/08/2021, 16:12

Rất nhiều người đang bị suy sụp, trầm cảm vì giãn cách xã hội kéo dài do dịch COVID-19 bùng phát, và sách chính là phương thuốc chữa lành tinh thần quan trọng vào lúc này.

Theo nghiên cứu của tổ chức National Reading Campaigns và CBC Books ở Canada xoay quanh việc giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống, chỉ với 6 phút đọc sách mỗi ngày, bạn đã có thể giảm đến 68% sự lo âu trong tâm trí, điều hoà nhịp tim, thả lỏng cơ thể và tĩnh tâm. Con số này cao gấp nhiều lần so với các hoạt động khác như nghe nhạc, tản bộ, hay chơi các trò chơi trực tuyến.

Bà Phạm Thị Thúy - chuyên viên tham vấn tâm lý - chia sẻ “Trong đợt giãn cách thứ 4 này, chúng tôi ghi nhận số trường hợp bị rối loạn về cảm xúc và hành động tăng cao ở mọi nhóm tuổi, mọi giới tính, và dự đoán con số sẽ vẫn còn tiếp tục tăng mạnh. Các biểu hiện thường bắt gặp nhất là rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, và đặc biệt là rối loạn cảm xúc - buồn vui thất thường, dễ tức giận, cáu bẳn và trầm cảm. Trong những buổi tham vấn tâm lý, tôi luôn nhấn mạnh việc đọc sách vì đây gần như là cách hiệu quả nhất để chữa lành những âu lo của bạn trong thời điểm hiện tại.”.

Mài giũa bản thân khi những hệ luỵ của COVID-19 ập đến

Hoài An, 25 tuổi, là một nhân viên chuyên ngành Truyền thông làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc sống và sự nghiệp của An từ khi tốt nghiệp đến giờ vẫn thuận lợi, cho đến khi Sài Gòn bùng dịch và quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ. An thất nghiệp và nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự của công ty.

Hụt hẫng là điều không thể tránh khỏi. An không phủ nhận bản thân như rơi vào vực thẳm tăm tối trong những ngày tháng vừa mới thất nghiệp bởi những cảm giác như hổ thẹn với bản thân, vô dụng với gia đình, và xấu hổ với bạn bè đồng trang lứa. “Một hai tuần đầu tiên sau khi thất nghiệp, mình như tuyệt vọng. Cảm giác chẳng muốn làm gì, ngày nào cũng ngồi thừ ra, nhiều lần nước mắt cứ tự nhiên chảy mà mình chẳng hiểu tại sao, cũng không thể kềm lại được”, An chia sẻ.

Thế nhưng, sau một thời gian chìm đắm trong những cảm xúc lẫn lộn đó, An nhận ra bản thân mình không phải là trường hợp hiếm hoi bị mất việc trong giai đoạn này. Có rất nhiều nhân viên văn phòng, công nhân lao động đều bị mất đi nguồn thu nhập chính. Cũng nhờ đó mà An tự nhủ bản thân phải càng cố gắng hơn nữa, và đây chính là thời điểm lý tưởng để mài giũa bản thân, giúp mình trở nên sắc bén hơn cả trong công việc lẫn cuộc sống.

hoa-sen-tren-tuyet.jpg

Trưởng thành trong giai đoạn mà mọi thứ trở nên khó khăn hơn vì dịch bệnh, lương tháng, công việc, mọi thứ đều không ổn định, thì mình muốn chắc chắn một thứ sẽ không bao giờ bị mất đi, đó chính là bản thân mình, bao gồm sức khỏe và tri thức. Còn hai điều này thì mình tin sẽ còn đủ sức mạnh để vượt qua được, nên mình rất tập trung vào phần đọc sách để cập nhật thêm kiến thức, và dĩ nhiên là chữa lành nữa. Mục tiêu mình đặt ra là mỗi tuần một cuốn sách”, An chia sẻ.

Giờ đây, khi đã có thể bình tâm để kể về khoảng thời gian khó khăn vừa qua, An nghĩ bản thân mình vào thời điểm đó đã rơi vào trầm cảm.

Tìm kiếm bình yên trong mớ hỗn độn những âu lo

Hoàng Quân, 32 tuổi, đã phải trải qua giai đoạn thử thách nhất trong cuộc đời khi các thành viên trong gia đình bị nhiễm Covid, trong đó có Quân.

Gia đình Quân có 5 người thuộc 3 thế hệ, thì đã có 3 người lần lượt nhận thông báo dương tính với COVID vào một ngày cuối tháng 7. Gia đình cũng từ đó xảy ra nhiều xào xáo vì những căng thẳng và áp lực vô hình đè nặng lên vai từng thành viên trong nhà.

Mình vẫn biết nguy cơ lây nhiễm ở giai đoạn này là rất cao nên gia đình ai cũng cố gắng giữ gìn hết sức có thể. Nhưng rồi cũng không biết nguồn lây từ đâu mà từ từ 3 thành viên trong nhà xuất hiện các triệu chứng rõ rệt. Khi nghe thông báo nhà có người nhiễm, mọi thứ bắt đầu trở nên rối ren. Mình cũng chẳng hiểu tại sao, nhưng mọi người dần cộc cằn với nhau nhiều hơn, số lần lớn tiếng cũng nhiều hơn, dù trong thâm tâm mình nghĩ ai cũng lo cho những người còn lại, và đều cầu mong cả nhà sẽ vượt qua được đại nạn này”, Quân kể lại.

Phải cách ly với tất cả những thành viên còn lại trong gia đình, ngày qua ngày, Quân chỉ quanh quẩn ở căn phòng rộng 15 mét vuông. Dù biết bản thân vẫn còn may mắn hơn rất nhiều các ca bệnh nặng khác khi cơ thể vẫn còn sức lực và tự chủ trong mọi việc, nhưng Quân cũng không thể thoát khỏi những cảm giác buồn bã, chán chường, và tuyệt vọng.

Nhớ đến một câu từng đọc được trong cuốn sách “Đắc nhân tâm”: bận rộn là liều thuốc tốt nhất để giải tỏa căng thẳng, nên trừ những lúc cơ thể cần được nghỉ ngơi, Quân không cho phép bản thân có thời gian rảnh để nghĩ ngợi lung tung.

Những lúc khoẻ, mình vận động nhẹ nhàng trong phòng để cơ thể ra mồ hôi, rồi lên mạng cập nhật thông tin. Nhưng rồi mình nhận ra mình càng đọc, thấy tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, số ca nhiễm và tử vong không ngừng tăng cao, nó khiến tâm trạng mình thêm tồi tệ hơn, nên mình gần như cách ly luôn với chiếc smartphone. Mình chuyển qua đọc những cuốn sách cũ, và rồi mình bất ngờ khi thấy như được bình tâm trở lại mỗi lần đọc những cuốn thuộc dòng sách self-help”, Quân chia sẻ.

Quân cũng nói thêm, sách self-help sẽ là phương thuốc chữa lành hữu hiệu dành cho những ai mắc chứng cabin fever (cảm giác căng thẳng, thậm chí trầm cảm khi bị mắc kẹt quá lâu ở một nơi nào đó) trong mùa giãn cách xã hội kéo dài như hiện nay.

dac-nhan-tam-1.jpg

Phương thuốc chữa lành những âu lo, trầm cảm

Có thể những xáo trộn trong gia đình Hoàng Quân, hay trong chính nội tâm của Hoài An xuất phát từ những nỗi sợ - sợ lây nhiễm, sợ không thể trụ nổi về tài chính, sợ mình thua kém người khác, và hơn hết chính là sợ những mất mát có thể ập đến bất cứ lúc nào mà bản thân không thể kiểm soát được.

Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua, không ít những trang báo lớn đã liên tục đưa tin về những hệ luỵ của dịch Covid-19 đến sức khỏe tinh thần của người dân. Thậm chí, có những trường hợp cần phải sử dụng đến thuốc và sự điều trị của y bác sĩ. Theo đó, liên quan đến vấn đề này, Bộ Y Tế cũng đã từng lên tiếng cảnh báo về những rối loạn tâm lý có thể sẽ ngày một gia tăng trong đại dịch.

Trước những hệ luỵ đáng báo động của dịch Covid-19 lên sức khỏe tinh thần của người dân như trên, câu hỏi được đặt ra là: vậy làm cách nào để giảm bớt mức độ căng thẳng đang ngày một leo thang.

So với việc đảm bảo sản xuất, kinh tế vẫn ổn định, thì duy trì văn hoá đọc để đảm bảo sức khỏe tinh thần cho người dân trong đợt giãn cách cũng quan trọng không kém.

Là một người tham vấn tâm lý, bà Phạm Thị Thúy luôn khuyến khích mọi người đọc sách, và đó cũng là một trong mười cách để sống An trong mùa dịch mà bà chia sẻ đến cộng đồng.

Dưới góc nhìn của một người làm sách với tâm nguyện lan tỏa tri thức và chuyển đổi tâm thức đến mọi người, ông Nguyễn Văn Phước - người sáng lập First News - Trí Việt đưa ra nhận định “Trong khoảng 1 năm trở lại đây, có gần 4 triệu lượt tìm kiếm các đầu sách của First News, trong đó có đến hơn 75% là tìm về dòng sách tâm linh, tâm lý, phố biến nhất là các tựa sách như Muôn kiếp nhân sinh, Hành trình về phương Đông, Đi tìm lẽ sống,... Con số này tăng gấp 2 lần so với năm trước đó, cho thấy nhận thức cũng như những nhu cầu của bạn đọc hiện nay đối với sách nói chung, và dòng sách tâm lý, tâm linh nói riêng là vô cùng lớn. Đọc một cuốn sách tâm lý, bạn có thể bước vào thế giới nội tâm của chính mình. Đọc một cuốn tiểu thuyết, bạn có thể du hành đến khắp nơi trong trí tưởng tượng. Điểm mấu chốt là khi để tâm trí đắm chìm vào một cuốn sách, bạn sẽ thôi âu lo về những điều tiêu cực đang diễn ra quanh mình”.

Do đó, hy vọng rằng liệu pháp chữa lành những âu lo này sẽ sớm trở thành mặt hàng thiết yếu để có thể đến được tay nhiều độc giả, nhằm giúp giảm thiểu các bệnh lý về rối loạn cảm xúc và hành động đang ngày một gia tăng như hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
9 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sách là phương thuốc bổ cho tâm lý con người trong đại dịch