ầu năm 2017, Cục Xuất bản, In và Phát hành ra công văn yêu cầu các đơn vị làm sách không đăng ký xuất bản sách ngôn tình, đồng thời kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các tác phẩm văn học đã xuất bản, phát hành.
Liệu rằng với yêu cầu chấn chỉnh này, sách ngôn tình đầu độc giới trẻ có còn hoành hành thị trường?
Nhìn qua danh sách xuất bản phẩm nộp lưu chiểu từ đầu năm 2017 đến nay (đăng tải công khai trên website của Cục xuất bản), có thể thấy chiếm phần lớn là sách dạy ngoại ngữ, nghiên cứu, khảo cứu, một số ít là sách văn học.Trong công văn, Cục yêu cầu các đơn vị làm sách phải kiên quyết loại bỏ những xuất bản phẩm có nội dung thô tục, phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục, nhất là sách ngôn tình, đam mỹ (đồng tính nam). Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề kiểm tra, xuất bản sách ngôn tình được Cục xuất bản đặt ra. Tháng 4/2015, khi dòng sách ngôn tình khuynh đảo giới trẻ, xuất hiện trên kệ sách như ma trận, cơ quan này cũng đã nhắc nhở các đơn vị làm sách nghiêm khắc trong khâu chọn lọc bản thảo.
Tuy nhiên, làm thế nào xác định ngôn tình “rác” hay ngôn tình “sạch” ngoài thị trường sách hiện nay, là không dễ. Bản thân thể loại ngôn tình không có lỗi. Ngôn tình là những câu chuyện tình yêu đẹp, bay bổng lãng mạn. Từng có nhiều tác phẩm thể loại này được chuyển thể thành phim truyền hình ăn khách.
Văn học ngôn tình vốn chiếm lĩnh thị trường sách Trung Quốc, lan sang Việt Nam trở thành một dòng sách đáng lo ngại chỉ vì một số đơn vị làm sách thiếu chọn lọc. Vì lợi nhuận, các nhà làm sách sẵn sàng cho in những cuốn sách rác đầu độc thanh thiếu niên, đầy rẫy yếu tố sex đã bị lên án: Dụ tình, Ngủ cùng sói, Chìm trong cuộc yêu, Dục vọng đen tối, Uy uy - tình yêu của tôi…Một số đầu sách ngôn tình của những tác giả Cố Mạn, Cửu Bả Đao, Đồng Dao, Tân Di Ổ… được xuất bản ở Việt Nam đều là những cuốn sách hay của văn học Trung Quốc. Ngay cả tiểu thuyết Quỳnh Dao cũng là một dạng ngôn tình làm mê đắm độc giả nhiều thế hệ. Những mối bi tình diễm lệ trong hàng loạt tác phẩm của bà được chuyển thể thành những bộ phim hay.
Có những cuốn phản cảm đến mức bị yêu cầu đình bản: Nở rộ, Anh là định mệnh của đời em. Năm 2015, công ty sách Đinh Tị còn mời tác giả truyện ngôn tình Diệp Lạc Vô Tâm sang Việt Nam giao lưu. Sự kiện thu hút một lượng “fan” khủng toàn là độc giả tuổi mới lớn - dù tác giả này có sách bị đình bản tại Việt Nam là cuốn Đồng lang cộng hôn.
Chính Diệp Lạc Vô Tâm khi được hỏi về yếu tố sex được khai thác quá nhiều trong những cuốn sách, đã trả lời rằng cô viết theo… yêu cầu của người đọc. Có một lớp người đọc trẻ Trung Quốc cũng bị cuốn vào dòng sách ngôn tình tại chính quốc. Nhưng việc chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam lại rất cần trách nhiệm “sàng lọc có tâm” của những người làm sách.
Trên các diễn đàn đọc truyện online, “fan” ngôn tình sau khi kịch liệt phản đối yêu cầu của Cục xuất bản thì thay nhau liệt kê các tựa sách ngôn tình từ cổ đại đến hiện đại: Không kịp nói yêu em (Phỉ Ngã Tư Tồn), Quý Tính công chúa (Tắc Mộ), Đạo Phi Thiên Hạ (Nguyệt Xuất Vân), Ánh trăng không hiểu lòng tôi (Tân Di Ổ), Áo ai xanh cho lòng ai vương vấn (Dị Thanh Trần), Bên ngoài thế giới em yêu anh (Dương Liễu Lưu Ly), Bên nhau trọn đời (Cố Mạn)… Theo đánh giá của Cục xuất bản, dù đã có nhắc nhở từ năm 2015, nhưng một số đơn vị làm sách liên kết vẫn tiếp tục in truyện ngôn tình. Công văn lần này là văn bản yêu cầu chính thức và Cục cũng sẽ mạnh tay hơn trong quá trình thanh kiểm tra. Nhưng cũng thật không dễ khi tại các nhà sách đều có riêng kệ sách ngôn tình đầy rẫy những tựa sách diễm tình, bìa bắt mắt.
Nhiều người đọc trẻ cho rằng truyện ngôn tình cho họ “những cảm xúc ngọt ngào”, “một thế giới bay bổng tràn đầy yêu thương”… Năm 2016, truyện ngôn tình rất best-seller với những cuốn: Thất tịch trong mưa, All in love, Cà phê đợi một người, Bữa trưa tình yêu…
Có cầu có cung. Thời đại kết nối toàn cầu, ngừng xuất bản ngôn tình không có nghĩa là ngắt được kết nối của người đọc trẻ. Độc giả mạng có thể tương tác với nhau qua những trang web truyện online, đọc ngôn tình trên mạng. Chưa nói truyện ngôn tình lan truyền trên mạng mức độ phản cảm còn hơn những cuốn sách được xuất bản.
Rõ ràng, không quản lý được thì cấm cũng chưa phải là cách tốt nhất. Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành từng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có xem xét chỉ cấp phép cho nhà xuất bản có uy tín, đủ năng lực thẩm định khai thác dòng sách này. Nhưng thực tiễn cho thấy, những đơn vị làm sách có thương hiệu, được bạn đọc tin cậy chỉ khai thác bản quyền những tác phẩm văn học có giá trị.
Sách ngôn tình – loại được đánh giá ngang tiểu thuyết ba xu chỉ do một số công ty sách liên kết tập trung khai thác vì lợi nhuận. Tuy vậy, với yêu cầu chấn chỉnh nghiêm khắc lần này của cơ quan quản lý, hy vọng sách ngôn tình phản cảm, đam mỹ sẽ không còn cơ hội khuynh đảo thị trường sách Việt.
Theo Hoàng Hạc/ Phunuonline