Từ một ngân hàng lớn mạnh, luôn nằm trong top nhóm cổ phần tư nhân dưới thời ông Đặng Văn Thành, Sacombank bỗng chốc phải trải qua giai đoạn tái cơ cấu cùng khoản nợ xấu cao chót vót khi nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam của đại gia Trầm Bê.

Sacombank: Từ đỉnh cao Đặng Văn Thành đến ‘ván cờ’ của Trầm Bê

Phan Diệu | 03/08/2017, 10:13

Từ một ngân hàng lớn mạnh, luôn nằm trong top nhóm cổ phần tư nhân dưới thời ông Đặng Văn Thành, Sacombank bỗng chốc phải trải qua giai đoạn tái cơ cấu cùng khoản nợ xấu cao chót vót khi nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam của đại gia Trầm Bê.

Đỉnh cao thời Đặng Văn Thành

Thành lập vào cuối năm 1991, Sacombank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên trên cả nước. Từ khi thành lập đến nay, ông Đặng Văn Thành là người giữ chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Sacombank dài nhất, từ 1995 đến 2012.

Dưới thời ông Đặng Văn Thành, Sacombank đã phát triển thành một ngân hàng lớn mạnh và luôn nằm trong nhóm 5 ngân hàng cổ phần tư nhân lớn nhất với lợi nhuận thường xuyên trên mức nghìn tỉ. Đặc biệt, các nhân sự từ quản lý cấp trung đến cấp cao của Sacombank đều được ông Thành đào tạo từ chính nhân viên Sacombank. Đây là một nét rất khác của Sacombank so với những ngân hàng khác.

Về hoạt động ngân hàng, năm 1996, Sacombank là ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng với giá tới 200.000 đồng/cổ phiếu. Việc này đã giúp ngân hàng nhanh chóng nâng vốn lên 7.100 tỉ đồng - vốn cao hiếm hoi của các ngân hàng lúc bấy giờ.

Năm 2005, Sacombank ghi nhận nguồn vốn tự có là 1.700 tỉ đồng và mạng lưới phủ khắp 31/64 tỉnh thành. Đến năm 2009, vốn của nhà băng này đã ở mức hơn chục nghìn tỉ và mạng lưới phủ khắp 3/4 số tỉnh thành. Đây cũng là năm chứng khiến cổ phiếu STB của Sacombank trở thành một trong những cổ phiếu “vàng” của thị trường. Đặc biệt, trong những năm này, kết quả kinh doanh của Sacombank rất khả quan, lợi nhuận năm 2011 đã đạt tới hơn 2.700 tỉ đồng, tỷ lệ nợ xấu chưa đến 1%.

Tuy nhiên, thế sự xoay vần khi vào năm 2011, ông Đặng Văn Thành đã không thể chống lại được nhóm thâu tóm từ bên ngoài. Các cổ đông lớn lần lượt rút lui, bắt đầu từ Dragon Capital, sau đó là REE và ANZ. Thị trường cũng chứng kiến những cơn sóng ngầm lẫn sóng nổi khi các bên đua nhau mua vào cổ phiếu để chiếm thế thượng phong nhằm giành quyền kiểm soát ngân hàng.

Tháng 5.2012, hàng loạt nhân sự mới đến từ Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) của đại gia Trầm Bê nhảy vào quản lý Sacombank thông qua đại hội cổ đông. Mặc dù ông Đặng Văn Thành vẫn còn ở lại, vẫn giữ ghế Chủ tịch nhưng quyền lực ở Sacombank coi như đã mất. Sau đó, năm 2012, ông Đặng Văn Thành cũng xin từ chức và rút lui ra khỏi Sacombank.

“Ván cờ” của đại gia Trầm Bê

Trong các năm tiếp theo, số thành viên HĐQT của Sacombank lần lượt tăng lên. Năm 2012 là 8 người, năm 2013 có 10 người, hầu hết là những gương mặt mới đến từ từ Eximbank và Southern Bank.

Ông Trầm Bê cùng với con trai là Trầm Khải Hòa cũng yên vị ở các chiếc ghế HĐQT Sacombank và từng bước đưa Southern Bank sáp nhập Sacombank. Dưới thời ông Trầm Bê, Sacombank vẫn được thừa hưởng những nền tảng được xây dựng trước đó dưới thời ông Đặng Văn Thành.

Năm 2014, Sacombank và Southern Bank rục rịch sáp nhập và hoàn tất vào năm 2015. Trước khi sáp nhập, rất nhiều cổ đông lo lắng tình hình nợ xấu của Southern Bank sẽ kìm hãm sự phát triển của Sacombank. Ông Trầm Bê đã trấn an rằng không có vấn đề gì phải quan ngại, vì lãnh đạo ngân hàng đã tính toán rất kỹ điều gì có lợi cho cổ đông mới làm.

Thế nhưng, sau khi sáp nhập, Sacombank gần như gục ngã trước các khoản nợ xấu mà Southern Bank mang về. Năm 2015, Sacombank xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu lợi nhuận rất cao, lên đến hơn 3.000 tỉ đồng trước thuế nhưng kết quả chỉ đạt được hơn 1.000 tỉ đồng. Nguyên nhân là do phải gánh “cục” nợ xấu sau sáp nhập.

Vị thế của Sacombank không những không mạnh hơn mà dường như yếu đi, dù chi nhánh và đội ngũ có đông hơn. Theo kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, sẽ phải mất 3-5 năm nữa, Sacombank mới có thể xử lý xong nợ xấu và 6-7 năm để về trở về một Sacombank trước khi sáp nhập.

Đặc biệt, vì những sai phạm gây ra cho ngân hàng, tháng 8.2015, ông Trầm Bê và người có liên quan đã ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn toàn bộ cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước.

Hàng loạt thách thức “chờ” ông chủ Him Lam

Ngày 30.6.2017, sau hàng loạt đồn đoán về dàn lãnh đạo cấp cao, ông Dương Công Minh - nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, Chủ tịch HĐQT Công ty Him Lam đã chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Sacombank nhiệm kỳ mới.

Giới chuyên gia nhận định ông Minh sẽ gặp rất nhiều khó khăn ở Sacombank khi ngân hàng đang phải ôm khối nợ xấu “khủng” với tỷ lệ lên đến hơn 6,8% tổng dư nợ, bên cạnh khoản lãi dự thu đến hơn 23.000 tỉ đồng cùng hàng chục nghìn tỉ đồng nợ bán cho VAMC.

Việc ông Minh trở thành người đứng đầu, chèo lái Sacombank đang trong thời kỳ khủng hoảng và khó khăn khiến nhiều người quan ngại rằng ông Minh vào Sacombank liệu có liên quan đến lợi ích nhóm hay không, có đủ năng lực thực sự hay không?

Trả lời băn khoăn này, phía Ngân hàng Nhà nước khẳng định lựa chọn ông chủ Him Lam hoàn toàn minh bạch, rõ ràng và không liên quan đến lợi ích nhóm. Việc ông Minh trở thành Chủ tịch HĐQT Sacombank là một lựa chọn tốt, được Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng sẽ gỡ được nút thắt nợ xấu đang tồn tại lớn ở bất động sản của nhà băng này.

Trong khi ông Minh đang bắt tay vào việc tái cơ cấu ngân hàng, ngày 1.8.2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trầm Bê do có liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng.

Theo kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước, Sacombank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 6 công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh. Tuy nhiên, phải mất 3 năm thì Sacombank mới thu hồi được những khoản nợ của ông Trầm Bê, đặc biệt là các khoản nợ xấu.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sacombank: Từ đỉnh cao Đặng Văn Thành đến ‘ván cờ’ của Trầm Bê