Xung quanh việc sập biệt thự Pháp cổ tại 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội làm 2 người chết, 5 người bị thương, PV Báo điện tử Một Thế Giới vừa có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).

Sập nhà biệt thự Pháp cổ: Trách nhiệm thuộc về ai?

23/09/2015, 15:51

Xung quanh việc sập biệt thự Pháp cổ tại 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội làm 2 người chết, 5 người bị thương, PV Báo điện tử Một Thế Giới vừa có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).

-Là người tham gia công tác quản lý nhà nước, thực hiện việc giám định các công trình xây dựng, theo ông đánh giá, trách nhiệm trong vụ sập nhà biệt thự Pháp cổ tại 107 Trần Hưng Đạo là như thế nào?

-Ông Lê Văn Thịnh: Trách nhiệm đầu tiên trong vụ sập biệt thự Pháp cổ thuộc về đơn vị quản lý, sử dụng công trình. Chủ sở hữu, quản lý, sử dụng công trình là Ban quản lý dự án đường sắt Khu vực 1, Tổng công ty Đường sắt VN.
Được biết, năm 2013, Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Tổng công ty Đường sắt VN về việc quản lý, sử dụng căn biệt thự 107 Trần Hưng Đạo này và đề nghị di dời, chấm dứt việc cho thuê tại cơ sở nhà đất để quản lý theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra, tại căn biệt thự này có tới hơn 60 hộ vẫn được thuê ở. Đây là văn bản về mặt tài chính, khẳng định công trình không được cho thuê.
Còn về chất lượng công trình thì trách nhiệm của Ban quản lý dự án đường sắt Khu vực 1 phải làm những việc sau: Tổ chức kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng công trình; Gia cố, cải tạo, sửa chữa công trình (nếu có) để đảm bảo công năng và an toàn sử dụng trước khi xem xét việc tiếp tục sử dụng công trình; Phải tự quyết định việc có tiếp tục sử dụng công trình nữa hay không vì đây là công trình không rơi vào đối tượng an toàn cộng đồng được quy định tại phụ lục số 2, nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12.5.2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. (Ban quản lý dự án đường sắt Khu vực 1 không phải báo cáo cho chính quyền sở tại biết việc có hay không sử dụng nữa).
Đơn vị này phải có trách nhiệm thông báo sự xuống cấp của công trình với chính quyền địa phương là UBND TP.Hà Nội để tiến hành kiểm tra. Trên cơ sở báo cáo của Ban quản lý dự án đường sắt Khu vực 1, UBND TP.Hà Nội sẽ có quyết định có tiếp tục cho sử dụng hay không sử dụng. Những điều này được quy định tại điều 45, Nghị định 46/2015-NĐCP.
Tóm lại, trách nhiệm chính là thuộc về Ban quản lý dự án đường sắt Khu vực 1, Tổng công ty Đường sắt VN.
-Theo kết quả thống kê, hiện Hà Nội còn khoảng 600 căn biệt thự nhóm 2 (biệt thự cổ có thể sửa chữa hoặc tháo dỡ xây lại nguyên dạng) như nhà 107 Trần Hưng Đạo. Theo ông, để quản lý các công trình này trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần làm gì, thưa ông?
-Ông Lê Văn Thịnh: Khoảng 600 căn biệt thự cổ trên địa bàn TP.Hà Nội, theo tôi không phải là ít. Cần phải làm một dự án bảo trì các công trình biệt thự (bảo đảm nhằm duy trì) đảm bảo cho việc khai thác các biệt thự một cách an toàn.
Nhưng để làm được dự án đó thì trước tiên phải khảo sát, đánh giá rồi phân loại. Nếu công trình nào rơi vào loại 1 (công trình nguy hiểm) thì phải có quyết định phá bỏ. Còn lại những căn biệt thự nào còn có thể sử dụng được thì cho phép cải tạo, sửa chữa…
Điều quan trọng và đáng nói là, thời Pháp thuộc, biệt thự chỉ có một chủ quản lý thì người chủ này bỏ tiền ra làm tất cả việc nói trên. Nhưng hiện nay, chúng ta đã làm thay đổi toàn bộ công năng của biệt thự, đã biến thành một chung cư, nhiều người ở, nên xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc” và mạnh ai nấy tự cải tạo, tự phá vỡ kết cấu của công trình khi đục đẽo làm hệ thống tự hoại, cấp thoát nước... Điều đó rất nguy hiểm và làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của công trình.
Vì vậy, theo tôi, TP.Hà Nội nên mạnh dạn di dời các hộ dân đang sinh sống tại các biệt thự Pháp cổ trên địa bàn ra nơi tái định cư mới để thu hồi toàn bộ các biệt thự này. Sau đó cho cải tạo, sửa chữa thành những khu cho khách quốc tế thuê ở, hoặc đơn vị nước ngoài thuê quản lý, khai thác, bởi người nước ngoài rất thích ở những nơi như vậy. Đó là một khoản lợi nhuận rất cao.
Nếu làm được như vậy thì các căn biệt thự còn lại ở Hà Nội sẽ không có số phận đen đủi như căn biệt thự tại 107 Trần Hưng Đạo.
Còn vì sao để người nước ngoài thuê, là bởi người nước ngoài họ ý thức hơn trong việc khai thác sử dụng công trình. Nếu là các ông chủ Việt Nam, kể cả là đại gia đi chăng nữa thì họ rất ít có ý thức bảo vệ công trình, chỉ vài ngày thì công trình cũng hỏng.
-Ở Việt Nam, không chỉ Hà Nội có những căn biệt thự Pháp cổ, mà tại Đà Lạt, TP.Hồ Chí Minh... cũng còn rất nhiều biệt thự Pháp cổ. Vậy các địa phương này cần làm gì để tránh xảy ra trường hợp tương tự như sự việc đau lòng vừa xảy ra làm 2 người chết, 5 người bị thương, thưa ông?
-Ông Lê Văn Thịnh: Ở TP.Hồ Chí Minh, cũng nhà biệt thự thời Pháp cổ, cũng từng xảy ra chuyện tự sập, mái nhà tự đổ. Và ở Huế cũng vậy. Theo tôi, tất cả các công trình đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc nay đã gần 100 năm hoặc hơn 100 năm thì chính quyền địa phương phải khảo sát, đánh giá, thống kê các căn biệt thự hư hỏng, xuống cấp ra sao để có phương án quản lý. Căn nào cần phá là phải phá chứ không thể đưa tiêu chí bảo tồn được.
-Vì sao ông lại nói không thể đưa tiêu chí bảo tồn để bảo tồn các căn biệt thự này?
-Ông Lê Văn Thịnh: Sở dĩ tôi nói vậy là bởi công trình nào thì cũng có tuổi thọ của nó. Trong tuổi thọ thì có tuổi thọ về vật liệu. Trên thực tế, các căn biệt thự kiểu này cho thấy vữa đã thối hết, không còn tính liên kết nào cả, gạch thì mục, mọt hết.
Chưa kể các công trình thời Pháp thuộc, xây thời điểm đó, việc sử dụng bê tông ác-mê là rất ít, rất nhiều sàn, mà hầu hết sàn ở các căn biệt thự đều là sàn san gạch, được xây cuốn vòm hoặc phẳng được kê hai bên tháp hình chữ I. Ngay bản thân các sàn này đã rất yếu, nhiều viên gạch có thể hết kết dính và rơi xuống.
Vì vậy, những nhà biệt thự Pháp cổ, cái nào thực sự thuộc về lịch sử thì phải cố gắng gia cố, sửa chữa (ví dụ trường Châu Văn Liêm ở Cần Thơ, trường Lê Quý Đôn ở TP.Hồ Chí Minh thì phải trùng tu). Nhưng cái gì mà qua đánh giá, thấy chất lượng không thể đảm bảo an toàn thì nên mạnh dạn đập bỏ, xây lại nhưng có thể giữ nguyên hình dạng kiến trúc vốn có của nó.
-Xin cảm ơn ông.
Nam Phong (thực hiện)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sẽ rút giấy phép kinh doanh nếu không thực hiện hóa đơn điện tử trong mua bán vàng
Thủ tướng yêu cầu đến ngày 15.6, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì sẽ rút giấy phép.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sập nhà biệt thự Pháp cổ: Trách nhiệm thuộc về ai?