Phần diện tích 370ha đất dự án trên núi Chín Khúc được UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi, sau khi chủ đầu tư có đơn xin trả lại vì không có nhu cầu sử dụng.

Sau khi 'băm nát' núi Chín Khúc ở Nha Trang, chủ đầu tư trả lại 370ha dự án

14/11/2019, 06:30

Phần diện tích 370ha đất dự án trên núi Chín Khúc được UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi, sau khi chủ đầu tư có đơn xin trả lại vì không có nhu cầu sử dụng.

Đây là ngọn núi cao nhất ở thành phố biển Nha Trang xinh đẹp - Nguồn ảnh: Zing

Tối 13.11, Zing đưa tin nói UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định thu hồi hơn 370ha đất thuộc dự án du lịch tâm linh Cửu Long Sơn Tự trên núi Chín Khúc (TP.Nha Trang).

Quyết định thu hồi này được ban hành sau khi Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa có đơn xin trả lại một phần đất dự án do không còn nhu cầu sử dụng.

Diện tích đất thu hồi nằm trên địa bàn các xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Thái, Phước Đồng (TP.Nha Trang), Diên An, Diên Toàn, Suối Hiệp (huyện Diên Khánh) và Suối Cát (huyện Cam Lâm).

Đối với số diện tích đất còn lại (143ha), chủ đầu tư đang làm thủ tục xin điều chỉnh tên dự án, Zing cho biết.

Năm 2012, ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (nghỉ hưu năm 2015) đã ký cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa (Công ty Khánh Hòa) thực hiện dự án Khu biệt thự và du lịch sinh thái rộng gần 200ha bao trọn ngọn núi Chín Khúc.

Dự án này rộng khoảng 300ha, chia làm 2 khu, trong đó khu A (giáp xã Phước Đồng) có diện tích sử dụng 75ha và khu B (xây dựng dự án du lịch tâm linh Cửu Long Sơn Tự, giáp xã Vĩnh Thái và Vĩnh Trung) có diện tích hơn 123,2ha.

Sau đó, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục cấp thêm gần 400ha (nâng tổng diện tích lên hơn 513ha) để công ty thực hiện dự án khu du lịch tâm linh có tên Cửu Long Sơn Tự. Đây là dự án bao trọn đỉnh núi Chín Khúc, nơi công ty này đang cho san ủi, tạo mặt bằng nhiều năm nay.

Khi được hỏi, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa nói không nắm cụ thể về những dự án đang thi công trên núi Chín Khúc. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng rất dễ phát hiện ngọn núi cao nhất thành phố biển xinh đẹp đã bị san gạt, loang lổ và gần như là bị "băm nát".

Cho đến tháng 3, trong nhiều ngày Zing đi tìm hiểu về các dự án trên núi Chín Khúc, nhiều cơ quan ban ngành của tỉnh Khánh Hòa đều chung câu trả lời: Không có hồ sơ và cũng không rõ quy mô hiện tại của dự án đang thi công trên đỉnh núi Chín Khúc.

Vị trí dự kiến đặt bức tượng phật cao 153m trên đỉnh núi Chín Khúc.

Ngay khi có dự án (năm 2012), Công ty Khánh Hòa huy động máy móc, xẻ núi, san ủi mở đường chạy thẳng lên đỉnh núi Chín Khúc. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa), về nguyên tắc tất cả các dự án trên núi Chín Khúc phải có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trước khi thi công xây dựng.

Tuy nhiên, hiện chỉ có dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung, cao khoảng 68m so với mặt nước biển, có đánh giá ĐTM được phê duyệt, trong khi núi Chín Khúc cao khoảng 500m.

Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa (Công ty Khánh Hòa) được thành lập từ tháng 9/2007 có trụ sở chính tại số 349/15 Lê Hồng Phong, phường Phước Long, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng.

Kể từ khi thành lập, chủ sở hữu đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Nguyễn Khánh Hòa (sinh năm 1972). Ông này được giới thiệu là Giám đốc đồng thời là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp.

Sở hữu vốn điều lệ nghìn tỷ, Công ty Khánh Hòa chủ yếu chỉ triển khai các dự án bất động sản tại khu vực TP.Nha Trang. Đáng chú ý là nhiều phần trong các dự án này đang được công ty cầm cố tại ngân hàng để vay vốn.

Theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa, tính đến cuối tháng 3 năm nay, trên địa bàn tỉnh có 72 dự án đầu tư xây dựng nhà ở đang được thế chấp tại ngân hàng. Trong đó, riêng Công ty Khánh Hòa sở hữu 24 dự án thế chấp.

Kể từ khi tăng vốn lên hơn 1.000 tỉ đồng, công ty chưa hề công bố báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên, hầu hết dự án trên địa bàn TP.Nha Trang do đơn vị này triển khai vẫn đang trong tình trạng dang dở và chưa ghi nhận doanh thu.

A.T.T tổng hợp

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau khi 'băm nát' núi Chín Khúc ở Nha Trang, chủ đầu tư trả lại 370ha dự án