Cuộc bạo loạn tại quán bar Stonewall vào năm 1969 chính là mồi lửa làm dấy lên phong trào đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT tại Mỹ cũng như truyền cảm hứng đến nhiều quốc gia khác. Thế nhưng mãi 50 năm sau, đại diện sở cảnh sát thành phố New York mới đưa ra lời xin lỗi chính thức tới những người LGBT bị đàn áp đêm đó.
Đối với cộng đồng LGBT Mỹ, thập niên 1960 là một giai đoạn hoàn toàn khác so với hiện nay. Khi ấy, “đồng tính luyến ái” vẫn nằm trong danh sách các căn bệnh tâm thần của Hiệp hội tâm thần học. Cụm từ “LGBT” thậm chí chưa được sử dụng. Những người LGBT đều được gọi chung bằng “đồng tính” (homosexual) và luôn mang hàm ý miệt thị. Họ buộc phải ẩn mình, che giấu xu hướng tính dục, bản dạng giới và chấp nhận sự phân biệt đối xử mà xã hội dành cho mình.
Làng Greenwich vào thập niên 1960
Kể từ sau khi kết thúc đệ nhị thế chiến, nhiều người LGBT bắt đầu lui tới làng Greenwich thuộc phía tây nam thành phố New York, bởi nơi đây nổi tiếng cởi mở với những cái mới, khác biệt và là nhà của nhiều nghệ sĩ có tư tưởng cấp tiến. Đặc biệt, Greenwich có nhiều quán bar thuộc sở hữu của các băng đảng mafia. Giá cả tuy cao nhưng chúng cung cấp “nơi trú ẩn an toàn” cho những nhóm người vốn đang tuyệt vọng tìm kiếm một địa điểm để thoải mái vui chơi và sống thật như người đồng tính, mại dâm nam, drag queen, chuyển giới và vô gia cư.
Quán bar Stonewall vào tháng 7.1969
Rạng sáng ngày 28.6.1969, cảnh sát bất ngờ ập vào quán bar Stonewall nằm trên phố Christopher với lý do kiểm tra giấy phép kinh doanh rượu, nhưng trên thực tế là hệ quả từ mâu thuẫn giữa mafia và chính quyền địa phương. Khoảng 205 người có mặt tại Stonewall đêm đó. Quá mệt mỏi trước việc cảnh sát thường xuyên nhắm tới các quán bar dành cho người đồng tính, vài cá nhân LGBT đã thể hiện sự chống đối và nó nhanh chóng được hưởng ứng bởi đám đông.
“Cảnh sát tập kích quán bar. Họ đẩy chúng tôi vào tường. Họ xô đẩy mọi người, và tung ra những lời lăng mạ mà bạn khó có thể tưởng tượng được”, Mark Segal (68 tuổi) - người đã tham gia vào cuộc bạo loạn tối hôm đó - nói với tờ New York Times.
Trong chốc lát, cảnh sát mất kiểm soát tình hình tại quán bar Stonewall và kéo theo một cuộc bạo loạn. Tình hình căng thẳng đến mức nó tiếp tục đến tối hôm sau và biến thành một cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày liên tục trên khắp đường phố New York.
Những cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày trên đường phố New York
Đây là lần đầu tiên một sự việc như thế này diễn ra tại Mỹ. Nó được nhận xét là tia lửa đã làm bùng cháy phong trào vận động quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT. Chưa hết, cuộc bạo loạn này còn giúp liên kết các nhóm người đồng tính, song tính và chuyển giới - vốn sống tách biệt trước đó - với nhau. Hàng loạt tổ chức/nhóm LGBT ra đời ngay sau đó.
Nhằm tưởng nhớ tinh thần của những người LGBT dũng cảm tại quán bar Stonewall, tháng 6 hằng năm đã được chọn là “Tháng tự hào” của cộng đồng LGBT và được hưởng ứng tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Diễu hành tự hào LGBT tại New York vào năm 2018
Phong trào LGBT tại Mỹ tới nay đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như hợp pháp hóahôn nhân đồng giới, cho ra đời luật chống kỳ thị dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới... Mặc dù vậy, chính quyền thành phố New York chưa từng đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào cho những gì đã diễn ra tại quán bar Stonewall, bất chấp nó là một vết nhơ trong lịch sử của sở cảnh sát. Rất nhiều đời cảnh sát trưởng đã tới và đi nhưng đều từ chối xin lỗi.
Quán bar Stonewall ngày nay
Năm 2016, William Bratton - cảnh sát trưởng New York khi ấy - cho rằng cộng đồng LGBT nên biết ơn vì sự kiện Stonewall cũng như trân trọng những gì cảnh sát New York đã làm được kể từ thập niên 1970. “Chúng ta nên ăn mừng vì trải nghiệm khủng khiếp đó. Nó đã mang đến rất nhiều điều tốt đẹp”, ông nói. “Một lời xin lỗi ư? Tôi không nghĩ vậy. Không cần thiết”.
Năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện Stonewall và sắp tới thành phố New York sẽ đăng cai World Pride 2019, nhiều nhà hoạt động LGBT lần nữa hối thúc sở cảnh sát New York. Cuối cùng, cảnh sát trưởng đương nhiệm James P. O'Neill đã đồng ý đưa ra lời xin lỗi chính thức.
“Tôi biết rõ những điều đó là không nên xảy ra. Hành động của sở cảnh sát New York lúc đó hoàn toàn sai. Đơn giản thế thôi”, James P. O’ Neill phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra vào ngày 6.6. “Các hành động và luật pháp khi ấy là phân biệt đối xử và bất công. Vì vậy, tôi xin lỗi!”
Năm 2004, Seymour Pine (89 tuổi) - vị thanh tra lãnh đạo cuộc đột kích quán bar Stonewall - đã đưa ra lời xin lỗi không chính thức tới những vị khách đêm đó. Ngoài ra, ông cũng thừa nhận với tờ The Guardian rằng thành tựu của phong trào LGBT là bằng chứng cho thấy “nước Mỹ đã đi được một chặng đường dài”.
Seymour Pine
Seymour Pine nghỉ hưu vào năm 1976. Theo ông, các cảnh sát tham gia cuộc tập kích “chắc chắn có kỳ thị người đồng tính nhưng lại chẳng mảy may biết gì về họ”, và coi thường đối tượng này do “họ không bao giờ gây rắc rối cho bạn, ít nhất là cho đến tối hôm ấy”.
Các cuộc phỏng vấn với Seymour Pine và các nhân chứng khác về vụ việc tại Stonewall Inn đã được đưa vào bộ phim tài liệu Stonewall Uprising (2010) do Kate Davis và David Heilbroner sản xuất kiêm đạo diễn.
Mai Thảo