Thép được xem là “bánh mì” của ngành công nghiệp và đây cũng là mặt hàng xương sống, có tính cạnh tranh cao giữa các quốc gia nên bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới.
Thị trường và chính sách

Sau thép mạ, thép cán nóng nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc bị điều tra chống bán phá giá

Hoài Lam 29/07/2024 18:10

Thép được xem là “bánh mì” của ngành công nghiệp và đây cũng là mặt hàng xương sống, có tính cạnh tranh cao giữa các quốc gia nên bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới.

Mặt hàng bị điều tra nhiều nhất thế giới

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tính đến hết tháng 6.2022, các quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiến hành khoảng 2.500 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với các sản phẩm kim loại cơ bản (bao gồm thép), chiếm tới hơn 30% tổng số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.

Tính đến hết tháng 5.2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép. Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép…

Mới đây, cho rằng việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật… nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam.

Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế) nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.

thep-6.jpg
Thép là mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất

Về phía Việt Nam, các bộ, ban ngành và doanh nghiệp cũng đã có những giải pháp bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước. Bộ Công Thương mới đây cũng ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo dữ liệu từ Cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,16 triệu tấn thép mạ kẽm trong năm 2023 và khoảng 960.000 tấn trong năm 2022, tương đương khoảng 27% và 22% tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm này của toàn ngành vào năm 2023 và 2022. Quá trình điều tra có thể kéo dài 12-18 tháng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Như vậy, việc áp thuế chống bán phá giá (nếu có) sẽ được áp dụng sớm nhất vào cuối năm 2025.

Với thép cán nóng (HRC), Bộ Công Thương cũng vừa ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá sẽ được tiến hành từ ngày 1.7.2023 đến 30.6.2024; thời điểm để xác định thiệt hại tính từ ngày 1.7.2021 đến ngày 30.6.2024.

Cơ quan điều tra sẽ thẩm định lại thông tin từ các bên

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 19.3, cơ quan này nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ từ Công ty Hòa Phát Dung Quất và Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa.

Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu, cơ quan điều tra đã thẩm định và có các công văn yêu cầu bổ sung, làm rõ thông tin, nội dung về phạm vi sản phẩm, căn cứ xác định hành vi bán phá giá cũng như dấu hiệu gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Cơ quan điều tra xác định rằng: Bên yêu cầu biện pháp chống bán phá giá đáp ứng yêu cầu về tính đại diện cho ngành sản xuất trong nước và có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân gây thiệt hại đáng kể với ngành sản xuất trong nước.

anh-man-hinh-2024-07-29-luc-16.35.08.png
Lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc tăng cao

Theo dữ liệu hải quan, tính riêng tháng 6, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng, bằng 151% sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép cán nóng nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.

Giá trị kim ngạch nhập khẩu HRC 6 tháng đạt 3,46 tỉ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỉ USD.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia thuế, TS Nguyễn Văn Phụng cho rằng vấn đề áp thuế chống bán phá giá có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ nền sản xuất trong nước một cách hợp lý. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải cứ thích là áp thuế được, bởi thuế thể hiện quan điểm “có đi có lại” giữa các nước đối tác. Việt Nam đã ký kết hiệp định với các nước thì phải tôn trọng nguyên tắc này.

Theo quy định pháp luật, sau khi khởi xướng điều tra, cơ quan điều tra sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá: (i) mức độ bán phá giá; (ii) thiệt hại của ngành sản xuất thép cán nóng trong nước; và (iii) mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Cơ quan điều tra khuyến khích các bên liên quan hợp tác cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác theo yêu cầu của cơ quan điều tra để bảo đảm quyền lợi của mình.

Cơ quan điều tra sẽ thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc. Cơ quan điều tra cũng sẽ tổ chức tham vấn công khai để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.

Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, việc điều tra sẽ kết thúc trong vòng 12 tháng kể từ khi có quyết định điều tra. Trong trường hợp đặc biệt, thời gian này có thể được gia hạn nhưng tổng thời gian điều tra không quá 18 tháng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lên đường dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thăm cấp nhà nước tới Cuba
3 giờ trước Sự kiện
Sáng 21.9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tương lai, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ và sau đó là thăm cấp nhà nước tới Cuba theo lời mời của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz Canel Bermudez và phu nhân.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau thép mạ, thép cán nóng nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc bị điều tra chống bán phá giá