Chiều 4.9, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM tổ chức họp báo về vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (đường Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM).
Theo dòng thời sự

Sau vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng, TP.HCM kiểm tra các cơ sở xã hội trên địa bàn

Tú Viên (tổng hợp) 04/09/2024 23:00

Chiều 4.9, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM tổ chức họp báo về vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (đường Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM).

Tại họp báo, bà Nguyễn Thanh Phụng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay, ngay khi nhận được thông tin, sở đã cử tổ công tác gồm Phòng Bảo trợ xã hội; Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới phối hợp Phòng LĐ-TB-XH quận 12 đến Mái ấm Hoa Hồng để xác minh trực tiếp.

Tại đây, tổ công tác ghi nhận có 85 trẻ tại mái ấm; trong đó, 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi, 30 trẻ từ 36 tháng đến dưới 72 tháng tuổi, 3 trẻ từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi và 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện. Số nhân viên có mặt là 15 người.

1000094158-2200.jpg
Mái ấm Hoa Hồng toạ lạc tại quận 12, TP.HCM

Trước mắt, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị UBND quận 12 chỉ đạo Phòng CSĐT Công an quận 12 phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương thụ lý, điều tra, xác minh, làm rõ những người có liên quan hành vi bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, để sớm đưa vụ việc ra khởi tố, xét xử theo quy định pháp luật.

Đồng thời, sở đề nghị UBND quận 12 phối hợp các đơn vị nghiên cứu, đưa vụ án ra xét xử lưu động, công khai, vì đây là vụ việc có tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em, nhằm ngăn chặn các hành vi bạo hành trẻ em tái diễn.

Sở cũng chỉ đạo các đơn vị và cá nhân liên quan làm rõ trách nhiệm trong công tác thẩm định, cấp phép hoạt động và giám sát hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng; cũng như trong việc triển khai, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM và Sở LĐ-TB-XH về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em tại mái ấm này.

Sở đề nghị Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cử Chi hội Luật sư phối hợp các đơn vị quận 12 có kế hoạch để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em và gia đình trẻ (nếu có); đồng thời, phối hợp phòng, ban của sở để đồng hành với các đơn vị đề xuất, kiến nghị xử lý vụ việc đúng người, đúng tội.

Tại họp báo, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Nguyễn Tăng Minh thông tin, hiện TP.HCM có 79 cơ sở hỗ trợ xã hội, trong đó có 16 cơ sở xã hội công lập, 63 cơ sở xã hội ngoài công lập. Trong số cơ sở xã hội ngoài công lập có một số do TP.HCM cấp phép, còn lại phần lớn là địa phương cấp phép hoạt động.

Theo ông Nguyễn Tăng Minh, việc để xảy ra trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại Mái ấm Hoa Hồng là điều đáng tiếc. Đây cũng là bài học kinh nghiệm để sở tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở xã hội trong thời gian tới. Ông Minh cũng khẳng định, các tổ chức, cá nhân liên quan vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng chắc chắn sẽ bị điều tra, xử lý nghiêm.

Trước đó, trưa cùng ngày, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, sau khi nắm sự việc tại Mái ấm Hoa Hồng, Công an quận 12 phối hợp UBND quận 12 cùng các đơn vị liên quan tiến hành xác minh vụ việc.

Sở LĐ-TB-XH thống nhất giao các đơn vị trực thuộc sở phối hợp với UBND quận 12 tiếp nhận tất cả các trẻ mồ côi tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng để chăm sóc theo diện khẩn cấp; đề nghị quận 12 tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi vi phạm để có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm theo thẩm quyền.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cũng chỉ đạo UBND quận 12 chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, Công an TP.HCM và các đơn vị liên quan khẩn trương xác minh vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe đối với hành vi ngược đãi, bạo hành, xâm hại trẻ em.

Trước đó vào sáng 4.9, báo chí đăng tải tình trạng bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (đường Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM). Theo nội dung đăng tải, nhiều bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng đã có hành vi đánh, bóp, tát… nhiều trẻ em từ 1 - 2 tuổi đang được nuôi dưỡng tại đây. Vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận và được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng, TP.HCM kiểm tra các cơ sở xã hội trên địa bàn