Diễn đàn quốc tế Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (SDMD) lần thứ 2 - 2024 là một trong những hoạt động có quy mô lớn, do UBND TP.Cần Thơ và Trường đại học Cần Thơ tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua.
Sự kiện

SDMD lần thứ 2 - 2024: Đồng lòng vì sự phát triển bền vững ĐBSCL

Văn Kim Khanh 08/12/2024 18:30

Diễn đàn quốc tế Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (SDMD) lần thứ 2 - 2024 là một trong những hoạt động có quy mô lớn, do UBND TP.Cần Thơ và Trường đại học Cần Thơ tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua.

Diễn đàn quốc tế Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (SDMD 2045) là sáng kiến do Trường đại học Cần Thơ tổ chức theo chủ trương của Chính phủ. Bắt đầu từ năm 2022, diễn đàn hướng đến xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2045, trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Diễn đàn SDMD lần thứ 2 - 2024 vừa diễn ra vào ngày 29 - 30.11 có sự tham dự của đại diện cơ quan thuộc chính phủ và các bộ ngành; lãnh đạo tỉnh và các sở ngành 13 tỉnh vùng ĐBSCL, TP.HCM; đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế...

Mục tiêu của diễn đàn là quy tụ tri thức, kinh nghiệm của tất cả các bên liên quan trong và ngoài nước, phân tích tình hình, dự báo và đề xuất các định hướng, chính sách, giải pháp cho chính phủ, địa phương; đồng thời thúc đẩy hợp tác xây dựng và triển khai các chương trình, dự án thiết thực, góp phần phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

sdmd-2.jpg
Quang cảnh diễn đàn SDMD 2024 - Ảnh: Đ.H

Nhiều thành tựu

Diễn đàn được tổ chức với đa dạng các hoạt động, trong đó có tọa đàm hằng quý và diễn đàn quốc tế diễn ra định kỳ 2 năm 1 lần. Chủ đề của các buổi tọa đàm và diễn đàn là những vấn đề quan trọng, cốt lõi, có tính thời sự, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ĐBSCL.

ĐBSCL có diện tích gần 41.000km2, dân số gần 18 triệu người (theo thống kê năm 2022). Bên cạnh những lợi thế như đất đai trù phú, nông sản, thủy sản, trái cây... xuất khẩu chiếm vị trí số 1 cả nước, ĐBSCL cũng có nhiều thách thức. Trong đó, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở bờ sông, bờ biển, nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển... đang là những vấn đề nóng của vùng.

sdmd-15.jpg
Sản xuất lúa chất lượng cao tại Cần Thơ - Ảnh: B.D.V

GS.TS - Nhà giáo ưu tú, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ Nguyễn Thanh Phương cho rằng, sau 2 năm diễn đàn SDMD hoạt động đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận như: Tổ chức diễn đàn quốc tế về khoa học và công nghệ; tổ chức 10 tọa đàm SDMD trực tuyến hàng quý về các chủ đề nông nghiệp, thủy sản, môi trường, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số; xây dựng và triển khai trên 20 dự án hợp tác quốc tế quy mô lớn, thực hiện tại các địa phương ĐBSCL; xây dựng mạng lưới thông tin và khai thác dữ liệu phát triển ĐBSCL và website SDMD 2045. Bên cạnh đó, nhiều tài liệu quan trọng đã được xuất bản phục vụ diễn đàn SDMD.

Một số thành tựu do diễn đàn đạt được nữa là các thống kê quan trọng trên các phương tiện thông tin truyền thông; kết nối, ký kết hợp tác với trên 20 đơn vị, thành viên và đối tác đồng hành là cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; xuất bản và đệ trình 1 bản kết luận diễn đàn SDMD 2022 và 10 nhóm khuyến nghị chính sách liên quan các chủ đề các tọa đàm đến Chính phủ, các cấp ngành...

sdmd-4.jpg
Ông Dương Tấn Hiển - Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ - Ảnh: Đ.H

Đồng lòng vì sự phát triển chung của ĐBSCL

Diễn đàn quốc tế Phát triển bền vững ĐBSCL lần thứ 2 - 2024 (SDMD 2024) được tổ chức có chủ đề “Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa: Động lực cho phát triển bền vững ĐBSCL”.

sdmd-17.jpg
Thủy sản ĐBSCL chiếm số lượng lớn nhất cả nước - Ảnh: Internet

Tại lễ khai mạc diễn đàn SDMD - 2024, ông Dương Tấn Hiển - Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ chia sẻ: "Diễn đàn quốc tế SDMD đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và liên tục trong 2 năm vừa qua. Diễn đàn tích hợp nhiều hoạt động hợp tác năng động trong nước và quốc tế, nhằm góp phần phát triển bền vững ĐBSCL, hội nhập thế giới hướng đến tầm nhìn 2045... Phát triển bền vững không phải là nhiệm vụ của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân. Chúng ta cần cùng nhau hành động để bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh".

sdmd-18.jpg
GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Cần Thơ phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: Đ.H

Ngoài các buổi họp và nghe báo cáo khoa học, ban tổ chức còn tổ chức các chuyến tham quan thực tế các mô hình nông nghiệp - công nghiệp - môi trường tại tỉnh Trà Vinh và TP.Cần Thơ nhằm tăng thêm tính thực tiễn và toàn diện.

Đặc biệt, trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra lễ tuyên bố đồng hành cùng Diễn đàn SDMD 2045 giữa 13 tỉnh thành ĐBSCL và Trường đại học Cần Thơ. Đây là sự kiện mang tính dấu mốc, tạo nền tảng quan trọng và ý nghĩa cho hoạt động của diễn đàn SDMD và sự phát triển của vùng.

Diễn đàn SDMD góp phần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học tại khu vực ĐBSCL. Đến nay Trường đại học Cần Thơ đã đào tạo trên 220.000 kỹ sư, cử nhân, trên 10.000 thạc sĩ và hơn 200 tiến sĩ trên nhiều lĩnh vực quan trọng, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và cả nước.

sdmd-11.jpg
PGS.TS Trần Trung Tính phát biểu kết luận diễn đàn - Ảnh: Đ.H

Phát biểu kết luận diễn đàn SDMD 2024, PGS.TS Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ nhấn mạnh: “Đối với vấn đề công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Trường đại học Cần Thơ cam kết tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, vừa đa ngành, đa lĩnh vực vừa chú trọng những ngành trực tiếp thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa vùng và cả nước. Cơ sở vật chất hiện đại và mô hình quản trị đại học được kiện toàn của trường sẽ được sử dụng một cách hiệu quả nhất thông qua cơ chế hợp tác và chia sẻ nguồn lực nhằm tạo ra giá trị và lợi ích cho địa phương và cộng đồng. Chúng tôi cam kết sẽ luôn là một mắt xích không thể tách rời trong chuỗi các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội của từng địa phương và của vùng ĐBSCL”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
SDMD lần thứ 2 - 2024: Đồng lòng vì sự phát triển bền vững ĐBSCL