Tránh tình trạng thất thoát và lãng phí tài sản nhà nước, đặc biệt là đất đai, Bộ Tài chính sẽ xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công.

Sẽ có hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công

tuyetnhung | 29/05/2018, 17:24

Tránh tình trạng thất thoát và lãng phí tài sản nhà nước, đặc biệt là đất đai, Bộ Tài chính sẽ xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công.

Thời gian qua, công tác quản lý và sử dụng tài sản công còn nhiều bất cập, chưa đúng quy định. Đơn cử tại Bà Rịa - Vũng Tàu, kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường và đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy thời kỳ 2011-2016 có 8 dự án giao đất, cho thuê đất do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trực tiếp quản lý không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, với tổng diện tích gần 541.000 m2.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này ngày 29.5, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết hiện nay, đất đai là một loại tài sản công theo quy định tại Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 chỉ điều chỉnh những nguyên tắc chung trong quản lý, khai thác nguồn lực tài chính đối với đất đai và Bộ Tài chính có trách nhiệm giúp Chính phủ xây dựng các văn bản quy định về chính sách tài chính đối với đất đai như thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các khoản thuế, phí, lệ phí về đất đai.

Còn các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định giá đất, thực hiện các quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, góp vốn, thế chấp... được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai thuộc trách nhiệm của cơ quan tài nguyên và môi trường, các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Cục trưởng Cục Quản lý công sản Trần Đức Thắng

Riêng đối với nhà, đất tại khu vực hành chính sự nghiệp, đây là cơ sở vật chất được sử dụng cho công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Do vậy, những tài sản này được quản lý theo tiêu chuẩn, định mức, công năng, mục đích sử dụng. Tuy nhiên, ông Thắng cho biết do các yếu tố lịch sử và sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy trong quá trình sử dụng đã dẫn đến các trường hợp thừa, thiếu, không còn nhu cầu sử dụng. Khi đó, tài sản sẽ được xử lý theo các hình thức: thu hồi, điều chuyển, bán.

Đối với những tài sản đã hết hạn sử dụng hoặc hư hỏng không sửa chữa được thì được xử lý thanh lý. Khi bán, chuyển nhượng phải thực hiện theo cơ chế thị trường (chủ yếu thông qua hình thức đấu giá). Việc bán chỉ định chỉ được thực hiện trong một số trường hợp và về cơ bản, các trường hợp này đều phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Giá bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đảm bảo phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất phổ biến trên thị trường và giá trị đánh giá lại đối với tài sản trên đất. Phương pháp xác định giá đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc tổ chức đấu giá tài sản, các đơn vị có nhà, đất thuê tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

Qua rà soát để thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý cho thấy cơ bản các cơ sở nhà, đất được sử dụng đúng mục đích, công năng của tài sản. Tuy nhiên, một số trường hợp còn bố trí làm nhà ở trong khuôn viên trụ sở, cho thuê, cho mượn không đúng quy định, không có nhu cầu sử dụng nhưng chưa trả lại nhà nước... Qua kết quả sắp xếp nhà, đất (bao gồm cả đất của các doanh nghiệp nhà nước) đã thực hiện chuyển giao cho địa phương 621 cơ sở nhà, đất; thu hồi 641 cơ sở nhà, đất; đề nghị chấm dứt việc cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định trên 100 cơ sở nhà, đất....

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng thời gian vừa qua đã phát hiện một số trường hợp quyết định bán, chuyển nhượng tài sản chưa đúng thẩm quyền, hình thức xử lý, việc xác định giá bán chưa phù hợp với quy định, gây thất thoát, lãng phí. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị có tài sản và các cơ quan có thẩm quyền trong việc xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Cục Quản lý công sản cho biết thời gian tới sẽ tập trung triển khai đồng bộ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để khắc phục cho được những lỗ hổng pháp lý như vấn đề định giá đất, đấu giá tài sản...

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán này phải được thực hiện ngay từ các khâu để phòng ngừa sai phạm; tăng cường hơn nữa công tác giám sát của cộng đồng. Hiện nay, Bộ Tài chính đang đánh giá để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 192/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng xác định rõ hành vi, nâng cao mức phạt để răn đe, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đẩy mạnh thực hiện đấu giá trong giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước...

Ngoài việc hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì các Bộ, cơ quan trung ương có liên quan như Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Xây dựng phải rà soát lại hệ thống pháp luật thuộc phạm vi quản lý có liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công để sửa đổi cho phù hợp, đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá, Luật Nhà ở...

Nâng cấp cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công để quản lý tất cả các tài sản công được quy định tại Luật; xây dựng hệ thống giao dịch về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản (như: bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản,...).

"Đặc biệt, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch xử lý tài sản qua hệ thống này nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát", Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho hay.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẽ có hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công