Ngày 14.6, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 cho cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra tại kỳ thi ở khu vực phía Nam.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022: Siết chặt phòng chống gian lận công nghệ
Liên quan tới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, ngày 14.6 Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi cho cán bộ cốt cán ở khu vực phía Nam.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, kỳ thi THPT 2022 diễn ra trên phạm vi rộng, số lượng chủ thể tham gia kỳ thi rất đông, do đó các lực lượng tham gia cần phối hợp tốt, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ phương pháp và rõ trách nhiệm. Các hoạt động tập huấn thanh tra, kiểm tra được tổ chức cũng là một trong những nội dung của công tác chuẩn bị, do vậy cần phải được làm kỹ lưỡng. “Để giữ kỳ thi an toàn, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra là rất lớn. Làm sao để vừa nghiêm minh, vừa hài hòa nhưng cũng nhân văn, nhân ái; đảm bảo đúng quy chế, quy định nhưng cũng thân thiện, ứng xử phù hợp”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ.
Trước đó, khi trả lời về việc làm sao để siết chặt hơn các thiết bị phòng chống gian lận công nghệ cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục A05 (Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm ứng dụng công nghệ cao) Bộ Công an khẳng định Bộ GD-ĐT không thay đổi quy chế thi nhưng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của kỳ thi, từ đăng ký thi đến xét tuyển đai học. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh bảo mật thông tin của kỳ thi cũng cần được tăng cường mạnh mẽ hơn so với các năm trước.
Để đảm bảo an ninh trật tự cho kỳ thi, thời gian qua, Cục A05 đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT để triển khai nhiều giải pháp phù hợp.
Ông Mạnh cũng cho biết trong kỳ thi năm 2021, Cục A05 đã phát hiện hoạt động sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử.
Nhóm đối tượng hoạt động có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, chuẩn bị kỹ lưỡng theo quy trình, sử dụng thiết bị công nghệ cao để ghi âm ghi hình, liên lạc giữa bên trong với bên ngoài phòng thi. Hiện có rất nhiều thiết bị, dịch vụ khác nhau trên không gian mạng để đối phó với cơ quan chức năng nên việc phòng chống phát hiện, đấu tranh cũng có nhiều khó khăn. “Chúng ta phải cảnh giác. Công nghệ phát triển hàng ngày, khoảng cách thu phát hôm nay là 25m nhưng ngày mai nhưng ngày mai có thể xa hơn, nên chúng tôi vẫn khuyến nghị vật dụng của học sinh để càng xa càng tốt, nhằm giảm nguy cơ sử dụng thiết bị trung gian,” ông Mạnh khẳng định.
Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ có những hướng dẫn cụ thể về phòng chống thiết bị công nghệ cao vì công nghệ phát triển rất nhanh và ngoài khả năng, năng lực của cán bộ coi thi. Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra trong các ngày 7 và 8.7 tới đây với sự đăng ký tham gia của hơn một triệu thí sinh trên cả nước. Đây là kỳ thi đặc biệt quan trọng với các em học sinh sau 12 năm đèn sách vì kết quả thi không chỉ để xét công nhận tốt nghiệp mà còn được nhiều trường đại học sử dụng để xét tuyển đầu vào.
Vụ gian lận lộ đề thi Sinh học: Không làm ảnh hưởng đến kết quả chung
Cũng liên quan tới việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 sắp tới, trả lời báo chí về vấn đề lộ đề thi môn Sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết những lùm xùm quanh vụ việc lộ đề này không ảnh hưởng tới kết quả của kỳ thi THPT 2021.
"Hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa thể công bố cụ thể vì đang trong quá trình kiểm tra, rà soát. Tất cả các quy trình làm hết sức nghiêm túc, cầu thị, nhưng đây là quy trình bảo mật rất phức tạp, liên quan đến từng cá nhân con người, không thể một hai tháng mà làm rõ được ngay, làm rõ rồi còn phải xin ý kiến lại, nắm giải trình. Đối với Bộ GD-ĐT, trách nhiệm của cá nhân nào đến đâu sẽ xử lý tới đó. Năm nay, Bộ sẽ rà soát từng quy trình, từng khâu và từng cá nhân để khắc phục. Dù chưa có kết luận cuối cùng, nhưng những tác động bên ngoài đối với môn Sinh học không làm ảnh hưởng đến kết quả chung của toàn bộ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021” - ông Sơn khẳng định.
Trả lời về việc tính điểm ưu tiên một cách cụ thể nhất, đặc biệt sẽ không cộng điểm ưu tiên cho các thí sinh vào năm 2023 khi đạt số điểm từ 22,5 trở lên, ông Sơn cho biết qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT 3 năm qua ở các nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên chiếm tới 25%. Các thí sinh này luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại. Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định hiện tại, tỉ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên. Điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều khiện khó khăn hơn.
Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy, có sự bất hợp lý là: tỉ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn (ở nhiều mức điểm, thậm chí tỉ lệ này cao gấp đôi) so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên. Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi các thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao. Thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.
Để khắc phục sự bất hợp lý nêu trên, đảm bảo sự công bằng trong toàn hệ thống và có lộ trình áp dụng (từ năm 2023), quy chế đã quy định: mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0), cụ thể theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.