Nhiều phụ huynh châu Á vẫn có suy nghĩ học vấn cao là “con đường duy nhất để có được tiền bạc và thành công”

Singapore: Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi thanh thiếu niên học nghề

Một Thế Giới | 05/05/2015, 06:05

Nhiều phụ huynh châu Á vẫn có suy nghĩ học vấn cao là “con đường duy nhất để có được tiền bạc và thành công”

Luôn hối tiếc vì chưa từng học đại học, bà Carmen Kok quyết không để con gái phạm sai lầm tương tự. “Bạn không thể phát triển ở Singapore mà không có bằng cấp. Không học đại học, con tôi vẫn xin được việc nhưng có bằng đại học, nó mới có thể nhận lương cao hơn” - người phụ nữ 47 tuổi nói với hãng tin Bloomberg.
Cần “thợ” hơn “thầy”
Với suy nghĩ này, bà dự kiến cho con du học Hàn Quốc trong năm nay dù học phí gấp mấy lần thu nhập hằng năm từ nghề làm tóc của bà. Tuy vậy, quan điểm của những phụ huynh như bà Kok lại khiến Thủ tướng Lý Hiển Long đau đầu bởi ông đang nỗ lực thuyết phục người dân rằng không cần bằng đại học vẫn có việc làm tốt.
Quyết định siết chặt nhập cư cùng với sự suy giảm của nền kinh tế khiến Singapore hiện cần nhiều “thợ” làm việc trong các nhà máy, bến cảng, khách sạn hơn là “thầy”, theo suy nghĩ của Thủ tướng Lý, người tốt nghiệp loại ưu Trường Đại học Cambridge (Anh).
Singapore: Dung hoc dai hoc-hinh-anh-1
Công nhân làm việc tại một cơ sở của Tập đoàn Keppel Ảnh: THE STRAITS TIMES 
Singapore có 60% người trong độ tuổi 25-29 tốt nghiệp đại học (theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới) nên có thể hiểu được vì sao ông Lý lại tích cực kêu gọi thanh thiếu niên học nghề trong các bài phát biểu, hoạt động tuyên truyền về chương trình học nghề mô hình của Đức.
Một lần xuất hiện trên truyền hình gần đây, ông Lý Hiển Long ca ngợi 2 nhân viên thuộc Tập đoàn Keppel của Singapore (chuyên thiết kế, xây dựng giàn khoan ngoài khơi) đang có một vị trí tốt dù không có bằng đại học. “Họ không sở hữu bằng đại học nhưng vẫn làm việc chăm chỉ và cố gắng cải thiện bản thân” - ông nói.
Chia sẻ quan điểm này, tờ báo hàng đầu Singapore The Straits Times cũng đăng bài viết giới thiệu những gương mặt thành đạt dù chưa từng bước qua cánh cổng đại học. “Chiến dịch này rất quan trọng cho tương lai Singapore vì nó tái định hình thị trường lao động nước này” - ông Vishnu Varathan, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Mizuho (Singapore), đánh giá.
Không dễ thuyết phục
Thủ tướng Lý là nhà lãnh đạo châu Á mới nhất cổ vũ thanh niên học nghề trước thực trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không thể tìm được công việc phù hợp. Tuy nhiên, không dễ để ông thuyết phục người dân khi trong thực tế, lương dành cho cử nhân thường cao hơn học viên trường nghề.
Theo số liệu của Bộ Lao động Singapore, lương khởi điểm trung bình của một người học xong đại học chuyên ngành kỹ thuật điện vào khoảng 2.370 USD/tháng so với 1.750 USD/tháng của người tốt nghiệp trường nghề.
“Chính phủ không thể đảo chiều dòng người đổ xô học đại học nếu chưa mang lại những cơ hội việc làm tương đương cho người học nghề. Rõ ràng chuyện này không diễn ra trong nay mai” - Kenneth Chen, một thanh niên 26 tuổi đang du học ở Brisbane - Úc sau khi có bằng cử nhân công nghệ sinh học ở Singapore, nhận định.
Ông Pasi Sahlberg, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Harvard (Mỹ), cho biết các nước phát triển đang có xu hướng biến học nghề thành lựa chọn thật sự cho giới trẻ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người xem học nghề chỉ là “lựa chọn thứ hai”, nhất là ở châu Á, nơi các bậc phụ huynh còn trung thành với suy nghĩ “học vấn cao là con đường duy nhất để có được tiền bạc và thành công”.
Theo Huệ Bình/Người Lao Động
Hồng Kông “sốt” từ mầm non
Các bậc phụ huynh tại Hồng Kông ráo riết tìm gia sư để luyện cho con em mình thi vào các trường mầm non danh tiếng. Đây là cuộc cạnh tranh khốc liệt bởi nhiều trường chỉ tuyển vài chục em nhưng số đơn đăng ký lên đến hàng ngàn.
Nhiều bậc cha mẹ ở hòn đảo này tin rằng học tại các ngôi trường mầm non và mẫu giáo “đỉnh” đồng nghĩa với việc rộng cửa vào trung học và đại học. Do vậy, chi phí luyện thi tại các trung tâm gia sư không hề nhỏ.
Trung tâm Hiệp hội Tài năng trẻ Hồng Kông (HKYTA) thu 580 USD, chiếm 1/4 thu nhập trung bình tháng của một gia đình, cho một khóa đào tạo 12 buổi. Những đứa trẻ được dạy cách thể hiện bản thân, xác định màu sắc và hình dạng vật thể, tham gia trò chơi tập thể…
Gia sư Teresa Fahy của HKYTA cho biết họ cố gắng giúp các bé làm quen với một số câu hỏi và tình huống thường được đưa ra. Tuy nhiên, Fahy nhận định các câu hỏi ngày càng phức tạp. Các em có thể phải trả lời nhiều câu hỏi phức tạp như “Đây là trứng của con gì?” cũng như được cho kẹo vào cuối buổi thi để xem cách ứng xử. Đáp án đúng là lấy một cái kèm lời “cảm ơn”; lấy nhiều kẹo quá, đứa bé sẽ mang tiếng “tham lam” nhưng từ chối lại bị coi là “bất lịch sự”. Tình huống này đôi lúc người lớn còn khó xử.
Bà Leung Wai-fan, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo King Shing, cho rằng rất dễ để nhận ra một đứa trẻ đã được “huấn luyện bài bản”. Nguyên nhân vì các em còn quá nhỏ, từ 1 tuổi rưỡi đến dưới 3 tuổi, nên khi gặp câu hỏi “trật tủ” sẽ mất tự tin.
Một giáo viên mầm non khuyên các bậc phụ huynh nên dành thời gian chơi đùa và đọc sách cho bọn trẻ thay vì ép chúng học hành quá sớm. Hơn nữa, việc phụ huynh chạy đua tranh giành tấm vé vào “trường chuyên, lớp chọn” cũng gián tiếp gây áp lực cho con em mình.
Ph.Nghĩa
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Singapore: Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi thanh thiếu niên học nghề