Tại Hội nghị trực tuyến về công tác điều trị COVID-19 vào sáng 25.11, Bộ Y tế cho biết các ca bệnh tăng cao trở lại thời gian gần đây, tuy nhiên ngành y tế đã thay đổi tiêu chí đánh giá dịch.

Số ca mắc COVID-19 và tử vong đang tăng trở lại, Bộ Y tế nói gì?

Dạ Thảo - Ảnh: Bộ Y tế | 25/11/2021, 13:47

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác điều trị COVID-19 vào sáng 25.11, Bộ Y tế cho biết các ca bệnh tăng cao trở lại thời gian gần đây, tuy nhiên ngành y tế đã thay đổi tiêu chí đánh giá dịch.

Với các ca bệnh tăng cao ở các tỉnh, đặc biệt là ở miền Tây như: Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp, Kiên Giang... khiến ngành y tế gặp nhiều áp lực, thậm chí quá tải, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện nay dịch lây qua tiếp xúc khi mà các địa phương đã mở cửa trở lại.

Bộ Y tế đã cử đoàn công tác của Cục Quản lý khám chữa bệnh làm đầu mối cùng các cục vụ liên quan của Bộ đến các điểm có tình hình dịch diễn biến phức tạp. Sau khi đoàn hoàn thành nhiệm vụ, trong tuần tới Bộ Y tế sẽ hỗ trợ các tỉnh tăng cường năng lực điều trị.

"Với các ca bệnh tăng cao như hiện nay trong làn sóng dịch lần thứ 4 này, Bộ Y tế đã thay đổi tiêu chí đánh giá dịch, hướng dẫn cụ thể việc điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết. 

Khi các ca bệnh tăng nhanh, ông Sơn cho rằng điều cơ bản nhất là sử dụng đúng các loại thuốc cơ bản một cách đúng đắn nhất để giảm tỷ lệ tử vong, giảm các ca bệnh nặng. Bộ cũng đã đồng ý cho các F1 và F0 không có triệu chứng được điều trị tại nhà, vừa tăng được khả năng chăm sóc các bệnh nhân từ chính người nhà của họ, vừa giảm được áp lực cho ngành y tế và tránh lây nhiễm tại các khu vực đông người.

bv-bn-nang-3169.jpg
Các ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng trong đợt này

“Đến cuối tháng 11 này, chúng ta chắc chắn đạt được bao phủ vắc xin và bây giờ chúng ta đánh giá ca mắc không dựa trên xét nghiệm diện rộng nữa, không xét nghiệm cộng đồng nữa mà dựa trên những trường hợp có những nghi ngờ hoặc khi truy vết F1 liên quan đến F0. Việc quan tâm hiện nay là giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, giảm tỷ lệ bệnh nhân nhập viện và giảm bệnh nhân tử vong. Có thể trong thời gian tới sẽ lấy những vấn đề này làm tiêu chí đánh giá mức độ dịch".

Theo thống kê trong đợt dịch thứ 4, tính đến ngày 24.11, Việt Nam ghi nhận hơn 24.000 trường hợp tử vong do COVID-19, chiếm 2,1% so với tổng số ca mắc, tương đương tỷ lệ của thế giới. Số trường hợp tử vong tập trung trong đợt dịch thứ 4, trong khi 3 đợt dịch trước chỉ có 35 trường hợp tử vong, chiếm khoảng 1%.

Bộ Y tế đã xây dựng các gói thuốc A, B, C để người dân theo dõi và sử dụng. Cụ thể:

- Xây dựng gói thuốc A, gói thuốc điều trị thông thường cho bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ như hạ nhiệt, trị ho, thuốc bổ nâng đỡ sức khỏe.

- Gói thuốc B bao gồm các loại thuốc kháng viêm có chứa corticoid và thuốc chống đông, đủ dùng trong 3 ngày. Đây là những loại thuốc đặc trị, phải có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Đối với thuốc ở gói B, người bệnh cần lưu ý chỉ sử dụng trong một số tình huống đặc biệt, có triệu chứng sớm của suy hô hấp như cảm thấy khó thở, thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần mỗi phút hoặc đo SpO2 dưới 95%. Nếu chưa liên hệ được bác sĩ, người bệnh có thể tự uống thuốc kháng viêm và thuốc chống đông nhưng không quá 3 ngày. Trong thời gian này người bệnh cần tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ.

- Gói thuốc C được sự chỉ đạo của Bộ Y tế thêm vào túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà và phải kèm những điều kiện khi sử dụng thuốc. Người bệnh cần phải ký “Phiếu chấp thuận tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 nhẹ”. Gói thuốc C chỉ dành cho F0 đã có kết quả dương tính với SARS-COV-2 sau khi test nhanh hoặc xét nghiệm RT-PCR, có triệu chứng nhẹ, thể hiện qua nhịp thở dưới 20 lần/ phút, nồng độ SpO2 cao hơn hoặc bằng 96%. Gói thuốc C có lượng thuốc đủ dùng trong 5 ngày.

Theo các nghiên cứu, sẽ có sự cải thiện rõ rệt, giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân mắc COVID-19 vừa và nhẹ sau 5 ngày điều trị, nhờ đó giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tử vong.

Cũng trong hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định hiện nay cần tập trung 3 trụ cột trong chống dịch COVID-19 là tập trung vào công tác cách ly, xét nghiệm, thu dung. Việc điều trị COVID-19 tại các tuyến y tế cơ sở phải được hết sức coi trọng. Công tác thu dung điều trị bệnh nhân nặng tầng 2, 3 vẫn phải được triển khai tại các địa phương.

Đồng thời, tăng cường sử dụng thuốc kháng vi rút đường uống tại cơ sở y tế, làm giảm tình trạng bệnh nhân nặng. "Làn sóng mới của dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu, chính vì thế chúng ta không được chủ quan, lơ là, đặc biệt người dân luôn thực hiện đủ biện pháp 5K và tiêm phòng vắc xin đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng" - ông Sơn nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vẫn còn băn khoăn về phương pháp định giá trong dự thảo nghị định quy định về giá đất
Góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất để hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng có một số điểm không hợp lý.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số ca mắc COVID-19 và tử vong đang tăng trở lại, Bộ Y tế nói gì?