Một bộ sưu tập tranh quý có giá trị với 700 bức của các tên tuổi, danh họa Việt Nam bất chợt "biến mất" trên thị trường khi website giới thiệu tranh bị đóng, chủ nhân của nó đột ngột qua đời khi chỉ mới 44 tuổi. Sơn "xúc động", một tên tuổi không xa lạ nhưng vẫn còn rất nhiều "bí ẩn" trong giới mỹ thuật Việt. Sau 5 năm, những câu chuyện về anh lần đầu được hé lộ.

Số phận kỳ lạ của một nhà sưu tập có tên Sơn 'xúc động'

02/08/2017, 16:18

Một bộ sưu tập tranh quý có giá trị với 700 bức của các tên tuổi, danh họa Việt Nam bất chợt "biến mất" trên thị trường khi website giới thiệu tranh bị đóng, chủ nhân của nó đột ngột qua đời khi chỉ mới 44 tuổi. Sơn "xúc động", một tên tuổi không xa lạ nhưng vẫn còn rất nhiều "bí ẩn" trong giới mỹ thuật Việt. Sau 5 năm, những câu chuyện về anh lần đầu được hé lộ.

Đêm tưởng niệm 5 năm ngày mất của nhà sưu tập Lê Thái Sơn

"Xúc động Lê Thái Sơn" qua hồi ức của bạn bè

Tại cà phê Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, chiều cuối tháng 7 vừa qua đã có một buổi tưởng niệm 5 năm ngày mất của nhà sưu tập Lê Thái Sơn do bạn bè văn nghệ sĩ cùng gia đình tổ chức. Lê Thái Sơn là một trường hợp đặc biệt đối với người yêu tranh và mỹ thuật Việt. Tên tuổi anh gắn với rất nhiều giai thoại xung quanh bộ sưu tập tranh gần 700 bức của các tên tuổi hội hoạ Việt Nam và thế giới. Anh mất đột ngột vào tối 26.7.2012 tại nhà riêng ở Sài Gòn khi mới 44 tuổi không một lời trăn trối. Sự ra đi quá bất ngờ của anh đã để lại nhiều câu hỏi và nỗi niềm thương tiếc cho bạn bè, người yêu hội hoạ.

Sau 5 năm ngày mất, buổi tưởng niệm có chủ đề "Xúc động Lê Thái Sơn" lần đầu tiên tổ chức nên rất được quan tâm vì nhiều lẽ. Câu hỏi số phận của bộ sưu tập, tâm sức của một đời cho đến trước khi mất được trả lời. Nhiều tâm tình của bạn bè văn nghệ sĩ kể lại làm thấu tỏ thêm nhiều chuyện ly kỳ xung quanh sự nghiệp sưu tập thầm lặng, không kém phần dữ dội và sóng gió của anh. Đặc biệt là những khoản tiền đầu tư khá lớn qua cổ phiếu, xe cộ, đất đai, cho bạn bè vay mượn lúc còn sống... cũng đã mất một cách bí hiểm khi nhà sưu tập đột ngột qua đời.

Lê Thái Sơn có tiền sử bị bệnh tim. Theo nhà thơ Trần Hoàng Nhân, một người bạn thân, nhiều lần anh đề nghị Sơn đi khám ở bác sĩ quen nhưng Sơn đến chờ lâu quá đã bỏ về. "Khi bác sĩ đến, mở cửa gọi tên thì nhà sưu tập đã đi đâu mất tiêu!". Còn hoạ sĩ Lê Kinh Tài kể, đôi khi cà phê với nhau anh thấy Sơn ấp úng, đỏ mặt như bị lên máu. "Tôi nhắc: "Thuốc đâu, ông lấy uống đi" thì mười lần như một, Sơn sờ túi rồi ngơ ngác: "Tôi quên mất để ở đâu rồi". Đó là một con người nghệ sĩ không chỉ ở tâm hồn mà còn trong cách sống...".

Hoạ sĩ Hà Hùng xúc động kể lại kỷ niệm Lê Thái Sơn mua tranh và tài trợ cho anh triển lãm: "Sơn luôn động viên các họa sĩ trẻ. Anh luôn tin ở họ sẽ làm được một cái gì đó cho Hội hoạ Việt Nam ngày mai", anh cho biết. Trong bộ sưu tập để lại có một số bức tranh của anh.

Nhiều người yêu tranh đã đến trong đêm "Xúc động Lê Thái Sơn" tổ chức ở cà phê Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Hoạ sĩ Phạm Quang Vinh kể: "Tôi luôn thấy Lê Thái Sơn đau đáu khi đi tìm và tiếp xúc được những bức tranh quý của các hoạ sĩ tiền bối. Ở trong tâm hồn anh, ngoài rung động một tình yêu hội hoạ hình như còn cháy đượm một ngọn lửa trách nhiệm công dân. Điều này chỉ có ở những tâm hồn cao cả hay tự nguyện thôi! Chẳng ai bắt buộc cả! Anh sưu tập vì sợ mất cái đẹp. Mất đi một niềm chứng thiêng liêng! Anh nghĩ rằng nếu mình chậm trễ thì thời gian sẽ hủy diệt hay cái đẹp đó sẽ biến mất. Lê Thái Sơn đến với thế giới tranh lạ lùng và hối hả như vậy...".

Và nhà sưu tập cũng mất sau khi đến tham dự giỗ của danh hoạ Lưu Công Nhân trở về. Nhà thơ Lý Đợi cho biết anh bị nhồi máu cơ tim cấp tính, sau đó được đưa từ Sài Gòn về quê ở Ninh Bình an táng. Khi mất không bạn bè, không người thân mặc dù đương thời là người giàu có và nhiều bè bạn. "Anh là một người yêu tranh và cũng chính vì tranh mà anh mất tất cả...".

Nhà nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn kể, Lê Thái Sơn từng muốn nhờ anh chụp lại những tác phẩm đã sưu tập để có thể tiến hành in một Vựng tập mang tên anh. Công việc đã bàn bạc, đang tiến hành thì bất ngờ Sơn mất đột ngột sau đó một tuần. "Đến bây giờ tôi vẫn tiếc điều này! Rất mong bạn bè và gia đình tiếp tục làm được một cuốn sách cho cuộc đời Lê Thái Sơn. Hiếm có một người nào yêu tranh và có một số phận kỳ lạ như anh...". .

Những câu chuyện giờ đây hệt dòng sông êm ả hết những nghi ngờ, thị phi chảy qua miền nhớ của ký ức khắc ghi thêm một tâm hồn nhạy cảm, yêu tranh, yêu cái đẹp mà bạn bè đã gọi thành tên là "Sơn xúc động" mỗi khi đối diện, chạm tới cái đẹp vĩnh cửu của những tuyệt tác mỹ thuật.

Nhiều bức tranh quý trong bộ sưu tập Lê Thái Sơn lần đầu được giới thiệu với người thưởng lãm

Đúng thật! Gọi là Sơn “xúc động” bởi tâm hồn con người này sẽ “động đậy” khi nói về bất cứ thứ gì liên quan đến tranh. Bất kể bức tranh đó đang thuộc sở hữu của ai, muốn có cần bỏ ra bao nhiêu tiền, kệ, cứ thấy đẹp, thấy ưng, hoành tráng thì cứ… lâng lâng sướng cái đã!

Từ xúc động đến vật vã, quay quắt cũng không xa lắm. Và khi Sơn "xúc động" va vào mảng tranh Ký họa Thời chiến thì anh… bệnh thật sự. Bệnh vì sướng! Thậm chí điên lên vì sướng! Anh đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu và rất nhiều tiền bạc để sưu tập dòng tranh này. Chính vì thế dòng tranh Ký hoạ Thời chiến của Lê Thái Sơn phải nói là đồ sộ hay duy nhất ở Việt Nam có đầy đủ các bức tranh của các danh hoạ vẽ về chiến tranh Việt Nam từ thời chống Pháp, chống Nhật cho đến thời chống Mỹ.

Đây cũng là một trong hai chủ đề của bộ sưu tập lớn Lê Thái Sơn theo đánh giá của hoạ sĩ Lê Kinh Tài và bạn bè. Bộ kia là những tuyệt tác của các danh hoạ miền Nam Việt Nam.

Họa sĩ Lê Kinh Tài đang diễn giải về bức tranh của mình với chị Hoàng Nga trong bộ sưu tập Lê Thái Sơn để lại

Họa sĩ, tác phẩm hay chứng nhân chiến tranh

Sơn đã để nhiều thời gian và sức lực cho dòng tranh này, theo anh nói thì “phải trân trọng và giữ lại những ký ức dân tộc”. Bởi ít có đất nước nào như Việt Nam, anh hùng kiên cường và bi tráng để bảo vệ tổ quốc trong suốt ba mươi năm. Như một lời bài hát đã viết “Nước mắt mẹ không còn/ Để khóc những đứa con…”.

Thực ra khi khai thác tư liệu về chiến tranh sẽ gặp rất nhiều chứng từ như hình ảnh, thư chiến trường, các tác phẩm âm nhạc, văn học, điện ảnh… Nhưng với góc nhìn của một nhà sưu tập trẻ, Lê Thái Sơn đã cho rằng hội họa mới lột tả được hết tính thời đại của nó. Sơn lý giải: "Hầu hết những ký họa, những bức tranh được vẽ ngay trên chiến trường, nơi bom rơi đạn nổ, hòn tên mũi đạn không kiêng nể ai. Và đương nhiên là người họa sĩ đã đối đầu với cái chết…”.

Một người bạn thân thiết của nhà sưu tập Lê Thái Sơn, nhà quay phim Trần Hùng (Hà Nội). Trần Hùng cũng là người bạn ở bên Lê Thái Sơn đến phút cuối cùng khi xe đưa anh từ Sài Gòn về yên nghỉ ở quê nhà Ninh Bình

Đi sâu hơn vào dòng tranh này Sơn đã lẩy ra nhiều phát hiện lạ đáng để các nhà phê bình mỹ thuật, nghiên cứu về các dòng tranh chia sẻ, ngẫm nghĩ: “Trước thực tế bom đạn, tôi nghĩ các họa sĩ thường không đủ thời gian cũng như không có các chất liệu sơn dầu, màu nước hiện đại để có thể vẽ những bức tranh khổ lớn hay hoành tráng được mà chỉ là những ghi chép, phác họa, ký họa. Về sau này trên những tư liệu khái quát đó tầm vóc của những bức tranh mới được dựng nên…”.

Dịch giả, nhà báo Nguyễn Lệ Chi bên một tác phẩm của danh hoạ Lưu Công Nhân

Từ những kiến thức, tri thức góp nhặt đã làm nên nền tảng và bản lĩnh của thú đam mê. Cách phân tích hợp lý, cá tính bung nở, Sơn đã làm những chuyến sưu tập dòng tranh chiến tranh trong Nam ngoài Bắc khá ngoạn mục. Và như “vật quý tìm người”, anh đã tìm được những bức tranh quý với những giá trị lịch sử khó có thể phủ nhận.

Tranh hoạ sĩ Nguyễn Trọng Khôi trong bộ sưu tập của Lê Thái Sơn

Ví dụ, anh phải “phục” rất lâu mới có những bức tranh vẽ về chiến tranh quý hiếm của họa sĩ Lưu Công Nhân. Tuy vẽ “Nữ dân quân miền biển” hay “Nữ du kích” nhưng bức tranh vẫn đẹp, vẫn hết sức có hồn vì chiếc khăn mỏ quạ nổi bật một nhan sắc Việt giữa khói lửa. Cái đẹp vẫn giữ nguyên hồn cốt, tươi tắn như câu thơ “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

Nhà sưu tập tranh Lý Bích Ngọc bên một tác phẩm lần đầu triển lãm trong đêm "Xúc động Lê Thái Sơn"

Ở bức “Đoàn học sinh miền Nam, con em liệt sĩ trên đường ra miền Bắc, dừng chân trên dòng sông Sê Pôn phía tây Trường Sơn” của họa sĩ Bùi Quang Ánh vẽ năm 1971 thì lại lưu giữ một giai đoạn đặc biệt. Trong những họa sĩ miền Bắc xung phong vào trận tuyến thời ấy, tác giả đã tình cờ chứng kiến để vẽ bức tranh cảm động. Sau này, có rất nhiều em học sinh ngày ấy đã trở thành bộ trưởng, thứ trưởng… và bức tranh như “kiệt tác” của cuộc đời họ. Thời chiến phim ảnh là những thứ quý hiếm. May mắn lắm mới được khắc họa lại bằng bút chì, màu nước.

Nhà sưu tập Lê Thái Sơn và phóng viên ảnh quốc tế Nich Út, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn và diễn viên Thúy Vy

Nuôi giữ tâm hồn bằng ngọn lửa tình yêu

Không chỉ là thú đam mê, Sơn "xúc động" còn nghiên cứu, vẽ biểu đồ, lịch sử chiến tranh bằng đồ họa. Theo anh kể với người viết ngày còn sống, ký họa thời chiến phải liệt kê thấu đáo bao gồm nhiều thời đoạn, nhiều thế hệ họa sĩ. Nếu như thế hệ trường Đông Dương với tác phẩm của các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đức Nùng, Tạ Thúc Bình, Mai Văn Hiến, Nguyễn Kao Thương, Nguyễn Hiêm, Thái Hà… thì thế hệ kế tiếp, xuất thân từ trường Mỹ thuật kháng chiến cũng lừng lẫy không kém với Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa, Ngô Minh Cầu, Trịnh Phòng, Trần Đông Lương, Lê Nguyên Lợi, Trịnh Kim Vinh…

Chị Hoàng Nga, vợ nhà sưu tập bên bức chân dung Lê Thái Sơn của hoạ sĩ Lê Quảng Hà trưng bày tại triển lãm

Còn một lớp họa sĩ khác, tuy không được đào tạo từ ngôi trường danh tiếng này nhưng đã vẽ về đề tài chiến tranh và đi ra từ khói lửa chiến tranh như Bùi Quang Ánh, Văn Đa, Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Văn Kính. Tại miền Nam, tranh về đề tài chiến tranh của họa sĩ Nguyễn Hiêm vẽ giai đoạn 1944 - 1954 có thể được xem là tiên phong.

Nhà sưu tập Đỗ Huy Bắc, Lê Thái Sơn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, nhà quay phim Trần Hùng và nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (Sài Gòn 2010)

Thời gian càng về sau khi cuộc chiến tranh chống Mỹ càng ác liệt, nhiều họa sĩ đã ghi chép rất trung thực, đầy xúc cảm những chân dung con người như khói lửa chiến trường, em bé giao liên, những lớp học dưới bom đạn, tải thương, những hình ảnh hậu phương tiếp đạn, lương thực, đi dọc Trường Sơn, đưa bộ đội qua sông… đẹp đến mức nếu sưu tập dày công, tâm huyết thì sẽ có một bộ lịch sử chiến tranh bằng hình ảnh chân thực gây xúc động lòng người.

Bạn bè văn nghệ chụp ảnh lưu niệm trong đêm Tưởng niệm 5 năm ngày mất của nhà sưu tập tài hoa, bạc mệnh

Rất tiếc cuộc đời Sơn “xúc động” đã đột ngột dừng lại khi cuộc sưu tập mỗi bức tranh quý vẫn còn rất dài. Không biết ngọn lửa đam mê của anh liệu có được nhân bản, truyền lại qua người thân, gia đình? Nhưng dù sao trong di sản anh để lại vẫn ấm áp những câu chuyện mà thế hệ trẻ phải biết để trân trọng quá khứ...

Giữ gìn bộ sưu tập là ước muốn lớn nhất của gia đình

Trong buổi gặp gỡ, chị Hoàng Nga, vợ của nhà sưu tập Lê Thái Sơn cho biết gia đình đang cố gắng để giữ được những tác phẩm quý báu mà cuộc đời anh đã sưu tầm để lại. Tuy nhiên, chị cũng cho biết hiện phải "cố làm" để nuôi hai cô con gái hiện đang học ở Nam Phi nên về lâu dài ước mơ đó còn là một thử thách.

Gần đây nhất, chị Hoàng Nga đã cho đấu giá một tác phẩm của hoạ sĩ Trần Đông Lương được 23.700 USD. Để gìn giữ 700 bức tranh mà Lê Thái Sơn để lại không bị mai một, hư hao qua thời gian là một điều không dễ dàng với chị và gia đình khi ngoài anh ra ai cũng "tay ngang" chưa một lần được hướng dẫn hay đào tạo. Chị đã phải chịu khó học hỏi, tìm kiếm các tài liệu để biết thêm các thông tin, kỹ thuật về lưu trữ tranh quý.

Sài Gòn, 2.8.2017

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số phận kỳ lạ của một nhà sưu tập có tên Sơn 'xúc động'