Ngày 12.8, ông Châu Kiến Tường, Phó chủ tịch UBND TP.Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Nhằm tôn vinh nghề làm bánh pía, nghề truyền thống ở Sóc Trăng cũng như bảo tồn và phát huy thương hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, quảng bá thương hiệu bánh pía đến với du khách trong và ngoài nước, TP.Sóc Trăng sẽ tổ chức ngày hội bánh pía, trưng bày các sản phẩm OCOP...”.
Theo đó, ngày hội bánh pía dự kiến tổ chức từ ngày 22.8 đến ngày 10.9 tại Công viên 30 Tháng 4 (TP.Sóc Trăng). Tại đây sẽ có các hoạt động như giới thiệu gian hàng trưng bày, cung cấp sản phẩm bánh pía, bánh trung thu của các công ty, doanh nghiệp; triển lãm mô hình, hình ảnh bánh pía đạt kỷ lục Guinness của bánh pía Sóc Trăng; trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Theo ông Tường, hoạt động này, nhằm tôn vinh nghề làm bánh pía truyền thống ở Sóc Trăng cũng như bảo tồn, phát huy thương hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, nó còn hỗ trợ phục hồi kinh tế của các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, quảng bá thương hiệu bánh pía Sóc Trăng. Ngày hội còn nhằm mục đích đẩy mạnh xúc tiến du lịch, từng bước hình thành đưa "Ngày hội bánh pía và trưng bày sản phẩm OCOP TP.Sóc Trăng" trở thành hoạt động định kỳ hằng năm vào dịp Tết Trung thu, tạo điểm nhấn cho du khách trong và ngoài nước khi đến Sóc Trăng cũng như ĐBSCL".
Theo ông Châu Kiến Tường, bánh pía là một biểu tượng văn hóa ẩm thực của Sóc Trăng, là một món ăn đặc sản gắn liền với làng nghề thủ công truyền thống ở Sóc Trăng. Ngày 30.10.2020, tại lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu Dù kê tỉnh Sóc Trăng, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch trao bằng công nhận 3 di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rom vong, Nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm và Nghề làm bánh pía.
Hiện nay ở Sóc Trăng có trên 30 lò (cơ sở sản xuất) bánh pía, riêng TP.Sóc Trăng có 7 lò. Làng nghề truyền thống này hình thành và phát triển tại Sóc Trăng hàng trăm năm nay, đã xuất khẩu đến thị trường của nhiều nước trên thế giới.
Bánh pía có hình tròn dẹp, mặt trên có đóng mộc màu đỏ ghi nhãn hiệu, bên trong là phần nhân gồm đường cát, đậu xanh đã sạch vỏ (hoặc khoai môn), mứt, mỡ heo, sầu riêng, lòng đỏ trứng vịt muối. Bên ngoài là phần bột màu vàng được làm từ bột mì, tạo thành những lớp vỏ mỏng, tróc đều, xếp chồng lên nhau, có thể dễ dàng lột ra từng lớp, chắc có lẽ vì thế mà bánh này còn được gọi là bánh “lột da”.
Bánh pía ban đầu chỉ được sản xuất theo hình thức thủ công, thời gian bảo quản chỉ được một vài ngày, chủ yếu phục vụ nhu cầu của từng gia đình, bán cho những người dân quanh vùng vào dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Nhưng sau đó, nhu cầu của người tiêu dùng tăng nên loại bánh này được sản xuất quanh năm, thời gian bảo quản lâu hơn.
Ngày nay, nghề làm bánh pía được các cơ sở đầu tư kinh phí mua máy móc, trang thiết bị, dây chuyển sản xuất, cải tiến bao bì mẫu mã, bảo đảm tính an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, các cơ sở sản xuất bánh pía đa số đều nằm trên quốc lộ 1A, đoạn từ ngã ba Trà Men (TP.Sóc Trăng) đến ngã ba An Trạch (xã An Hiệp, huyện Châu Thành). Nhiều cơ sở sản xuất bánh pía có quy mô lớn, đã trở thành điểm đến, điểm dừng chân, điểm tham quan.
Bánh pía Sóc Trăng hiện nay không chỉ có mặt ở nhiều địa phương trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước và vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật, Úc, Hongkong, Canada, Trung Quốc, Đài Loan…
Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng cho biết: “Sở Công Thương cũng đã xây dựng một thương hiệu chung cho sản phẩm bánh pía ở Sóc Trăng. Từ thương hiệu này các thành viên trong Hội bánh pía người Hoa Sóc Trăng sử dụng thương hiệu chung để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã đổi mới trang thiết bị, xây dựng lại nhà xưởng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn quốc tế xác định các yêu cầu của một hệ thống quản lý thực phẩm an toàn).