Sau khi nước Đức thống nhất, chính quyền đã cho phép người dân Đông Đức được trực tiếp truy cập và đọc các hồ sơ ghi chú về mình, những hồ sơ chất chứa thông tin được thu thập bất hợp pháp, ghi dấu một ký ức nhiều đau thương.

Stasi Berlin: Bảo tàng ký ức đen của nước Đức

19/08/2019, 11:35

Sau khi nước Đức thống nhất, chính quyền đã cho phép người dân Đông Đức được trực tiếp truy cập và đọc các hồ sơ ghi chú về mình, những hồ sơ chất chứa thông tin được thu thập bất hợp pháp, ghi dấu một ký ức nhiều đau thương.

Trung tâm kiểm soát toàn dân

Thủ đô Berlin của Đức là một trong những thành phố có số lượng đài tưởng niệm và bảo tàng nhiều nhất thế giới. Chỉ tính riêng các công trình liên quan đến giai đoạn sau thế chiến hai, khi nước Đức và Berlin bị chia thành Đông và Tây Đức, Đông Berlin và Tây Berlin, gần 1.000 bảo tàng, đài, hoặc khu vực tưởng niệm liên quan đến giai đoạn này đã được dựng lên.

Cách trung tâm Berlin khoảng 20 phút đi tàu điện về phía đông Berlin, tổng hành dinh cũ của Bộ An ninh nhà nước Đông Đức, hiện nay một phần được sử dụng với danh nghĩa là Bảo tàng Stasi Berlin.

Tòa nhà xây dựng năm 1960 - 1961, được sử dụng làm văn phòng chính của cựu bộ trưởng an ninh Đông Đức - Erich Mielke, giữ chức vụ từ năm 1957 đến năm 1989. Nội thất và không gian các văn phòng làm việc của Erich Mielke trong tòa nhà là điểm nhấn đặc biệt, vì mọi thứ còn được giữ nguyên vẹn.

Tòa nhà Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức, giờ là Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tàng Stasi Berlin.

Jorg Drieselmann, Giám đốc Bảo tàng, giới thiệu rằng khu vực này vừa có chức năng bảo tàng, vừa có chức năng như một trung tâm nghiên cứu, trưng bày những ký ức về thời kỳ nước Đức dưới sự lãnh đạo của Đảng Đoàn kết xã hội chủ nghĩa (SED), chính đảng cầm quyền tại Đông Đức đến năm 1989. Nơi này mở cửa cho công chúng tiếp cận từ năm 1990, thu hút nhiều du khách đến thăm.

Trong suốt gần 3 thập kỷ, Bảo tàng thực hiện nhiều cuộc triển lãm khác nhau, cung cấp các thông tin về hoạt động của cơ quan này và tác động đối với người dân. Một triển lãm cố định được thực hiện từ đầu năm 2015 đến nay, có tên “An ninh quốc gia tại Đông Đức dưới sự lãnh đạo độc tài của SED”, mô tả sự thành lập và cách thức hoạt động của Bộ An ninh Quốc gia hay còn gọi là Stasi, cơ quan được cho là đầu não của của bộ máy cầm quyền, cung cấp cái nhìn toàn diện về hoạt động của bộ này trong việc giám sát, theo dõi đời sống của toàn bộ người dân.

Ngay sau khi Cộng hòa Dân chủ Đức được thành lập, SED đã thành lập Stasi, với nhiệm vụ chính là kiểm soát mọi hoạt động, suy nghĩ phản ứng của người dân. Nhân viên Stasi sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để thu thập lưu trữ thông tin cá nhân của người dân một cách bất hợp pháp.

Thời kỳ cao điểm nhất, Stasi đã thuê 91.000 nhân viên để giám sát theo dõi hơn 16,4 triệu dân Đông Đức, chưa kể gần 200.000 cộng tác viên, nguồn tin không chính thức tham gia tìm kiếm, cung cấp thông tin cho bộ này.

Những ký ức cần lưu giữ

Khi các cuộc biểu tình ôn hòa và phản kháng ngày càng gia tăng tại Đức năm 1989, Stasi bắt đầu phá hủy các hồ sơ mà họ lưu trữ. Rồi đến giai đoạn hỗn loạn tăng cao trước khi bức tường Berlin sụp đổ, Stasi đã cho xe tải chở hàng loạt thùng hồ sơ đi tiêu hủy. Tuy nhiên, vì không thể chở được khối tài liệu đồ sộ ra khỏi tòa nhà, các nhân viên đã được yêu cầu dùng máy cắt trong văn phòng, hủy tài liệu. Và khi máy cắt quá tải, họ phải dùng tay xé bỏ.

Khoảng 45 triệu tờ giấy được xé nhỏ thành 600 triệu mảnh vụn. Ước tính khoảng 5% tổng số hồ sơ đã bị hủy. Nhưng chính những người được giao nhiệm vụ xé tài liệu cũng phải thừa nhận không đủ sức để xé thêm vì cổ tay bắt đầu đau mỏi sau khi xé được vài trăm tờ.

Kho lưu trữ tài liệu cá nhân người dân Đông Đức.

Sau khi trụ sở Stasi bị người biểu tình chiếm đóng, có ý định phá hủy mọi thứ trong trụ sở, đặc biệt khi họ phát hiện ra kho hồ sơ tài liệu đồ sộ trong tòa nhà, nhiều nhân viên làm tại Stasi đã phản đối và đấu tranh giữ lại các hồ sơ này. Một trong số đó chính là giám đốc bảo tàng hiện nay, người mà khách tham quan có thể gặp gỡ, trao đổi và nghe ông kể về những kinh nghiệm của tháng ngày thu thập thông tin cá nhân của người dân.

Các tài liệu bằng giấy chép tay, đánh máy, chất trong các hộp đựng, được ước tính nếu xếp nối nhau kéo dài cả trăm cây số, cùng với các loại tài liệu khác như băng ghi âm, phim ảnh. Tất cả đã được giữ lại. Một nửa trong số tài liệu này đang được lưu trữ tại bảo tàng, trong khi số còn lại được lưu trữ tại khoảng 12 nơi khác, nằm dưới sự quản lý của Ủy ban lưu trữ hồ sơ Stasi, một ủy ban được thành lập để xử lý di sản đồ sộ về tất cả các tài liệu mà Stasi thu thập sau ngày nước Đức thống nhất, trong đó có cả việc ráp lại những mảnh vụn đã bị cắt, xé nhưng chưa kịp hủy.

Một góc bảo tàng nơi giải thích cách thức nhân viên Stasi làm nhiệm vụ theo dõi người dân.

Tưởng chừng thời gian để ráp lại các tài liệu này sẽ kéo dài vô tận, nhưng đến năm 2007, một nhóm các nhà khoa học vi tính của Đức đã tạo ra được một hệ thống trên máy tính, nhằm số hóa và ráp các tài liệu đã bị xé. Các nhà thực hiện dự tính mất khoảng 5 năm để sao chụp các mảnh tài liệu bị xé vụn và ráp lại thành file.

Hồ sơ Ulrike Poppe

Bà Ulrike Poppe, nhà bất đồng chính kiến tại Đông Đức, là một trong số những phụ nữ bị theo dõi, giám sát nhiều nhất. Bà là một đồng sáng lập phong trào Phụ nữ vì hòa bình. Bà từng bị đuổi học và bị bắt giữ hơn chục lần cùng vài lần bị giam cầm. Stasi từng cố tuyển mộ bà để theo dõi người khác nhưng bà từ chối.

Các hộc đựng tài liệu trong kho lưu trữ.

Khi các hồ sơ được giải mật, bà mới biết, trong 15 năm, mọi giây phút trong cuộc đời bà đều bị các đặc vụ Stasi giám sát, thông qua những cách thức không thể tưởng tượng nổi. Ngoài việc đi theo, nghe lén điện thoại, đặt máy ghi âm trực tiếp, các đặc vụ còn gắn camera vào các tòa nhà đối diện với nơi bà ở. Phòng ngủ của bạn bè bà bị ghi âm để xem họ nói, bàn tán gì về bà.

Đứng giữa phòng lưu trữ hàng triệu hồ sơ, tìm hiểu câu chuyện về những việc Stasi đã làm, bất cứ ai cũng nhận ra việc các nhà cầm quyền độc tài thu thập thông tin của người dân bất hợp pháp chưa bao giờ là quá khứ. Nó đang là hiện tại, với các công cụ, biện pháp tinh vi và cường độ mạnh bạo hơn, được tiếp sức bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các camera theo dõi, các app điện thoại, máy tính hay bất cứ một thiết bị nào được kết nối internet. Vấn đề chỉ là giới hạn của hành vi và việc luật pháp quy định được tuân thủ đến đâu.

Tài liệu thông tin về bà Ulrike Poppe .

Tôi không thể quên lúc chị hướng dẫn viên chỉ vào chiếc máy ghi âm trên cổ áo tôi, một vật dụng mà bất cứ phóng viên nào cũng thường mang theo, chất vấn: “Cô đang ghi âm à? Cô đã xin phép mọi người chưa?”. Tôi bất ngờ và giải thích rằng, tôi ghi âm để không bỏ sót những thông tin hay mà các thành viên bảo tàng chia sẻ. Nhưng chị, một người sinh ra và lớn lên ở Tây Đức, yêu cầu tôi phải xin phép các thành viên, để chắc chắn rằng, việc tôi ghi âm không vi phạm luật pháp và tôn trọng quyền tự do của mỗi cá nhân trong đoàn.

Bài và ảnh: Ninh Hạ/Theo Người Đô Thị

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Stasi Berlin: Bảo tàng ký ức đen của nước Đức