Hiện nay nhiều người dân sử dụng nước lá vối, nụ vối để làm thuốc chữa bệnh, nhất là các bệnh về đường ruột, cao huyết áp...

Sử dụng nước lá vối kéo dài gây rối loạn tiêu hóa và không tác dụng

Hồ Quang | 27/12/2021, 12:18

Hiện nay nhiều người dân sử dụng nước lá vối, nụ vối để làm thuốc chữa bệnh, nhất là các bệnh về đường ruột, cao huyết áp...

Nước lá vối là món nước uống được sử dụng phổ biến như nước trà. Khi uống nước lá vối làm người ta đỡ khát nước và bớt mệt. Lá vối hoặc nụ vối được phơi khô để nấu nước uống hoặc làm thuốc. Tuy nhiên, ít ai biết, nếu dùng nước lá vối, nụ vối kéo dài sẽ gây rối loạn tiêu hóa, táo bón và không hiệu quả trong điều trị.

Cây vối có tên khoa học Cleistocalyx operculatus (Roxb). Merr et Perry (Eugenia operculata Roxb., Syzygium nervosum DC). Thuộc họ Sim Myrtaceae.

Cây khoảng từ 5 đến 6m, có thể cao hơn, cành non tròn hay hơi hình 4 cạnh, nhẵn. Lá có cuống dài từ 1 đến 1,5cm, dai, cứng, dạng hình trứng rộng, dài từ 8 đến 20 cm, rộng từ 5 đến 10 cm. Hai mặt lá có những đốm nâu.

su-dung-nuoc-la-voi-ke-dai-gay-toi-loan-tieu-hoa-va-khong-tac-dung-hinh-anh(2).png
 Cấy vối có tác dụng tốt cho sức khỏe, nhưng sử dụng kéo dài sẽ gây rối loạn tiêu hóa và không tác dụng - Ảnh: PV 

Hoa gần như không có cuống, nhỏ, có màu xanh nhạt, hợp thành cụm hoa dạng hình tháp tỏa ra ở kẽ lá đã rụng. Quả hình cầu, hoặc hơi hình oval, đường kính từ 7 đến 12mm, xù xì. Toàn lá, cành non và nụ vối khi vò có mùi thơm dễ chịu, riêng biệt của vối. Lá vối thu hái quanh năm. Người ta thu hái các bộ phận của cây như: lá, nụ, cành non.

Phân tích về thành phần hóa học của cây vối, BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết trong lá vối, nụ vối có tanin, một số chất khoáng, vitamin và có tinh dầu với mùi thơm dễ chịu, một số chất kháng sinh có khả năng diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi là một thuốc sát khuẩn dùng chữa nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt. Trong thực tế, nhân dân ta thường lấy lá vối để tươi vò nát, nấu với nước sôi lấy nước đặc gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.

Theo y học hiện đại, lá vối đã được nghiên cứu tác dụng dược lý từ rất lâu. Năm 1968, tác giả Nguyễn Đức Minh, Viện nghiên cứu đông y, đã tiến hành nghiên cứu thăm dò tính chất kháng sinh của lá và nụ cây vối tác động lên một số vi khuẩn Gram dương và Gram âm. Ở tất cả giai đoạn phát triển, cây có tác dụng như kháng sinh. Đặc biệt, vào mùa đông, cây cho hoạt chất kháng sinh nhiều nhất.

Hoạt chất kháng sinh này bền vững với nhiệt độ, ở các môi trường có khoảng pH rộng từ 2 đến 9. Mạnh nhất đối với Streptococcus (hemolytic và staman), vi khuẩn bạch hầu, nhóm tụ cầu Staphylococcus, Pneumococcus. Đây là những vi khuẩn gây bệnh phổ biến ở da, hầu họng, đường ruột. Trên cơ sở này, người ta áp dụng chữa các bệnh đã kể trên.

Bên cạnh đó, lá vối còn có thành phần đặc biệt là hoạt chất ức chế ức chế enzyme alpha – glucoside. Đây là một dược liệu hứa hẹn trong việc kiểm soát đường huyết và biến chứng đái tháo đường như đục thủy tinh thể.

“Lá vối còn có tác dụng chống viêm bằng cách ngăn chặn sự biểu hiện của các hóa chất trung gian gây viêm”, bác sĩ Vũ nói.

Đối với tác dụng dược lý theo y học cổ truyền, bác sĩ Vũ cho biết, trong Đông y cây vối vị đắng, chát, tính mát, có ít độc; tác dụng thanh nhiệt giải biểu, sát trùng, chỉ dương, tiêu trệ. Lá vối có tác dụng kiện tỳ. Cây được nhân dân ta sử dụng từ lâu, rất phổ biến. Người ta thường nấu nước để uống giúp vừa hỗ trợ tiêu hóa vừa thơm.

Lá tươi hoặc khô sắc đặc được xem có tính chất sát trùng để rửa những mụn nhọt, lở loét, ghẻ, giúp giảm viêm sưng, nhanh khô, nhanh lành vết thương.

Lá, nụ vối tươi phơi khô. Để pha nước và làm thuốc, ta dùng lá, nụ tươi phơi khô là được. Có người ủ rồi mới phơi như sau: cắt nhỏ, rửa sạch nhựa, cho vào thùng hoặc vật chứa lớn để ủ cho đến khi đen đều thì lấy ra rửa sạch phơi khô. Lá vối ủ khi uống thơm ngon hơn.

Lá có thể hãm nước nóng, sắc, hoặc cô đặc thành cao, thuốc viên. Hiện nay, người ta đã bào chế thành dạng thuốc viên để sử dụng tiện lợi.

Ngày dùng 3 gram lá khô, hoặc 3 – 5 lá tươi. Hãm 1 lít nước sôi, hoặc sắc. Trị viêm da mẩn ngứa, chốc đầu: lá vối nấu kỹ lấy nước để tắm và gội đầu.

Theo bác sĩ Vũ, nếu sử dụng nước lá vối, nụ vối nhiều sẽ khiến người dùng bị rối loạn tiêu hóa, bị lờn vá không có tác dụng. Khi dùng nước lá vối nhiều sẽ làm triệt tiêu cả những vi khuẩn có lợi, chứ không chỉ riêng vi khuẩn có hại. Trong lá vối có tanin làm se niêm mạc gây rối loạn tiêu hóa; đặc biệt là sẽ loạn khuẩn ruột, táo bón.

“Đối với nước lá vối, nụ vối chỉ sử dụng 1 đến 2 tuần thôi. Sau đó, nghỉ 1 đến 2 tuần rồi dùng tiếp. Dùng- nghỉ-dùng trong vòng 3 lần. Người dân không được dùng, liên tục nước lá vối, nụ vối sẽ gây lờn và không hiệu quả”, bác sĩ Vũ cảnh báo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sử dụng nước lá vối kéo dài gây rối loạn tiêu hóa và không tác dụng