Các thương hiệu may mặc đang phải chịu sức ép giảm lượng trang phục khổng lồ. Nhiều đơn vị chọn cách triển khai chương trình mua bán lại, cho phép người tiêu dùng kiếm tiền từ trang phục đã qua sử dụng, nhưng công ty sản xuất quần lót thường không thể chọn phương thức này.

Tái chế quần áo lót đã sử dụng để bảo vệ môi trường

Cẩm Bình | 19/12/2022, 11:20

Các thương hiệu may mặc đang phải chịu sức ép giảm lượng trang phục khổng lồ. Nhiều đơn vị chọn cách triển khai chương trình mua bán lại, cho phép người tiêu dùng kiếm tiền từ trang phục đã qua sử dụng, nhưng công ty sản xuất quần lót thường không thể chọn phương thức này.

Khi quần lót không còn mặc được nữa, giải pháp hiển nhiên là vứt đi. Vậy là hàng tỉ tấn chất thải may mặc lại tăng thêm.

Công ty Mỹ Kent đem đến giải pháp khác. Trong 2 năm qua họ bán một dòng quần lót phân hủy hoàn toàn làm từ 100% cotton pima, sợi dệt dài hơn và bền hơn cotton pha truyền thống. Giá bán trực tuyến là 25 USD/chiếc.

Quần lót Kent không còn mặc nữa có thể được bỏ vào thùng ủ rác hữu cơ thông thường hoặc gửi lại công ty. Kent hợp tác với một đơn vị ở miền nam bang California xử lý quần lót.

Từ khi tung ra quần lót phân hủy hoàn toàn, đến nay Kent đã bán ra 17.500 chiếc. Đầu năm 2022 công ty nhận được 200.000 USD và cái gật đầu từ nhà đầu tư Daymond John trên chương trình truyền hình Shark Tank.

your00.jpg
Sản phẩm quần lót Kent - Ảnh: Wearkent

Quần lót là một trong nhiều thách thức mà các thương hiệu may mặc đang tìm cách tái chế trang phục phải đối mặt.

Người tiêu dùng thường thích quần lót co giãn đòi hỏi dùng đến vải spandex hoặc elastane, không như quần lót Kent 100% cotton không thuốc nhuộm hay hóa chất làm mềm.

Spandex và elastane đều không thể phân hủy hay tái chế, nhiệt độ nóng chảy thấp khiến thiết bị hủy vật liệu trong nhà máy tái chế sản phẩm dệt khó xử lý số lượng lớn, giám đốc điều hành công ty Fabscrap (chuyên tái chế hàng dệt may) Jessica Schreiber cho biết.

Giám đốc điều hành tổ chức American Circular Textiles Group (đơn vị góp phần xây dựng chính sách ngành dệt may Mỹ) Rachel Kibbe cũng chỉ ra hầu hết quần lót đều làm từ chất liệu không thể tái chế nguồn gốc nhiên liệu hóa thạch.

“Các chất liệu hiện tại đem lại tính co giãn tốt cùng tính năng mà người tiêu dùng ưa thích, nhưng không tái chế chúng được. Công nghệ tái chế chúng cũng không tồn tại”, theo giám đốc Kibbe.

Quần lót phụ nữ thường dùng sợi đàn hồi, còn quần lót nam thường có dây thun để dễ cởi hơn. Vì vậy khi được đưa đến nhà máy tái chế sản phẩm dệt chúng hiếm khi bị cắt nhỏ mà được tái sử dụng làm đệm ghế ô tô, bao tập đấm hay nệm cho thú cưng.

Spandex không phải thủ phạm duy nhất. Hầu hết quần lót phụ nữ còn chứa polyester và nylon - hai chất liệu thay thế cotton ngày càng phổ biến.

Tiến sĩ Jimena Diaz Leiva (Trung tâm Sức khỏe môi trường) cho biết vài loại quần lót cũng có hàm lượng hóa chất BPA cùng PFAS cao dễ gây rối loạn nội tiết, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú.

“Một hệ quả khác khi dùng vật liệu như polyester và nylon là quần lót giải phóng vi sợi ra môi trường. Khí phân hủy chúng tạo ra còn nhiều hơn khí thải nhà kính”, theo giám đốc Kibbe.

Khác Kent, hai công ty Knickey và Parade thu hồi quần lót cũ để tái sử dụng. Khách hàng đổi quần lót cũ lấy phiếu giảm giá để mua quần lót mới.

Phương thức tái sử dụng trên chỉ xử lý được một phần trang phục dư thừa. Cần có nhiều giải pháp hơn.

Công ty nội y The Big Favourite cũng sản xuất quần lót 100% cotton pima, thu hồi quần lót cũ đồng thời cố gắng tái chế cotton từ trang phục qua sử dụng thành sợi để sản xuất trang phục mới.

Hãng Victoria’s Secret tìm cách tái sử dụng spandex trong sản phẩm, nghiên cứu chất liệu tổng hợp sinh học làm từ ngô và vải tencel (nguồn gốc từ cây bạch đàn).

Quần lót có thể phân hủy cũng đem lại thách thức. Hầu hết hộ gia đình đều không có thùng ủ rác hữu cơ, giới phân tích lo ngại độ an toàn của đất trồng trọt ủ từ quần lót qua sử dụng.

Tái chế áo ngực khó hơn tái chế quần lót vì áo ngực chứa nhiều mảnh nhựa và kim loại nhỏ cần được loại bỏ từng phần - một quy trình tốn nhiều công sức và tốn kém. Lớp đệm áo ngực thường làm bằng polyurethane không thể tái chế.

Công ty Resortecs giới thiệu giải pháp chỉ khâu phân hủy nhiệt, nhưng hiện tại công nghệ quá đắt đỏ với hầu hết thương hiệu.

May mắn là áo ngực có thị trường bán lại đồ qua sử dụng. Hãng Aerie nhận quyên góp áo ngực tặng cho chương trình hỗ trợ nạn nhân nạn buôn bán tình dục Free the Girls. Victoria’s Secret cũng mở rộng chương trình thu hồi. Ít có lo ngại về vấn đề vệ sinh hơn quần lót, bởi áo ngực thường bền hơn nhiều.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
34 phút trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái chế quần áo lót đã sử dụng để bảo vệ môi trường