Thông điệp của Quốc hội và Chính phủ trong nghị quyết lần này rất rõ ràng: tái cơ cấu (bao gồm thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa) các DNNN một cách thực chất bằng 2 công cụ chính: Không cho phép sử dụng ngân sách để hỗ trợ, và chính thức cho phép phá sản các DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài.

Tái cơ cấu DNNN sẽ thực chất?

10/11/2016, 14:32

Thông điệp của Quốc hội và Chính phủ trong nghị quyết lần này rất rõ ràng: tái cơ cấu (bao gồm thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa) các DNNN một cách thực chất bằng 2 công cụ chính: Không cho phép sử dụng ngân sách để hỗ trợ, và chính thức cho phép phá sản các DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài.

Chiều 8.11, với đa số phiếu tán thành (82,39%), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, và không phụ lòng kỳ vọng của nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và người dân trong xã hội. Nghị quyết đã có những nội dung hết sức quan trọng, mà một trong đó là số phận của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Thông điệp của Quốc hội và Chính phủ trong nghị quyết lần này rất rõ ràng: tái cơ cấu (bao gồm thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa) các DNNN một cách thực chất bằng 2 công cụ chính: Không cho phép sử dụng ngân sách để cơ cấu lại, chính thức cho phép phá sản các DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài.

Tái cơ cấu khu vực DNNN là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm tại kỳ họp Quốc hội lần này, khi nó là một phần quan trọng trong dự thảo tái cơ cấu nền kinh tế được Chính phủ trình lên Quốc hội. Nếu không thể thu nhỏ quy mô và tăng cường hiệu quả của khối quốc doanh, việc phân bổ lại nguồn lực trong nền kinh tế vốn là trọng tâm của đề án tái cơ cấu sẽ không thể thực hiện được. Nó đặc biệt nghiêm trọng khi Việt Nam đang đứng trước sức ép nợ công ngày càng gia tăng và không còn khả năng hỗ trợ các DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài. Ở thời điểm hiện tại, khu vực DNNN đang là một gánh nặng cho nền kinh tế, khi không những góp phần khiến nợ công gia tăng, mà ngay cả mức đóng góp vào ngân sách cũng sụt giảm. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, trong 10 tháng đầu năm 2016 thu ngân sách từ DNNN không những không tăng mà còn giảm khoảng 1,8% so với cùng kỳ 2015 (theo CafeF).

Vì vậy, những nội dung chính về DNNN trong nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vừa được Quốc hội thông qua đã nhận được sự ủng hộ lớn. Cụ thể, nghị quyết nêu rõ sẽ thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư. Xử lý dứt điểm các DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài, các dự án đầu tư của DNNN không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, chính thức cho phép thực hiện phá sản các DNNN theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.

Ngoài ra, nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020 cũng nêu rõ không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại các DNNN, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, đồng thời các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.

Nếu những nội dung trên được thực hiện một cách nghiêm túc trong giai đoạn 2016-2020 sắp tới, thì việc cơ cấu lại khu vực DNNN một cách thực chất và hiệu quả là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Nó không chỉ chấm dứt hoạt động của các DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài tồn tại dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như các dự án đầu tư không hiệu quả trong nhiều năm qua, mà còn giảm quy mô của khu vực kinh tế quốc doanh một cách triệt để nhất. Bản thân các DNNN thuộc diện sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư cũng phải thoái vốn xuống mức sàn quy định, ngoài ra sẽ phải chịu sự quản lý và điều hành của một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu, quản lý vốn nhà nước thay vì các bộ ngành như trước đây – một việc được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này trong nền kinh tế.

Dù những giải pháp Quốc hội vừa thông qua được đánh giá là khá quyết liệt trong việc dứt điểm căn bệnh của các DNNN trong nền kinh tế, thì việc thực hiện được mục tiêu đề ra trong việc tái cơ cấu khu vực quốc doanh cũng không hề dễ dàng. Ở thời điểm hiện tại, tổng tài sản của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% cổ phần vẫn ở mức rất cao, đạt khoảng 7,9 triệu tỉ đồng tính đến cuối năm 2015 (tương đương 365 tỉ USD). Trong khi đó, mục tiêu đặt ra là đến thời điểm cuối năm 2020 giảm giá trị tổng tài sản của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% cổ phần xuống mức chỉ còn tương đương khoảng 120 tỉ USD (theo The Saigon Times), đồng nghĩa với việc giảm chỉ còn khoảng 1/3 so với thời điểm hiện tại (khoảng 365 tỉ USD). Đó là một mục tiêu không dễ dàng thực hiện chỉ trong vòng 4 năm tới.

Tuy nhiên, dù mục tiêu giảm giá trị tổng tài sản khá tham vọng nói trên có được hoàn tất, thì vẫn cần phải thừa nhận rằng quy mô của khu vực DNNN trong nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất lớn. Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020, thì phấn đấu giảm tỷ lệ tổng tài sản của doanh nghiệp có sở hữu nhà nước chi phối (trên 50%) trong tổng tài sản khu vực doanh nghiệp xuống mức 20% so với mức 33,4% hiện nay. Chỉ có thể hy vọng rằng sau những biện pháp tái cơ cấu một cách quyết liệt sắp tới, điển hình là việc thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu quản lý vốn nhà nước, thì hiệu quả kinh tế của số DNNN còn lại sẽ được cải thiện, ít nhất là không trở thành gánh nặng cho nền kinh tế đất nước như thời gian vừa qua.

Nhàn Đàm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái cơ cấu DNNN sẽ thực chất?