Cần 480 tỉ đô la Mỹ để tái cơ cấu kinh tế”. Báo cáo với quốc hội ngày 20.10 về đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra con số 10,567 triệu tỉ đồng (tương đương 480 tỉ đô la Mỹ) cần thiết để tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Tái cơ cấu nền kinh tế có phải là huy động và chi thật nhiều tiền?

03/11/2016, 05:08

Cần 480 tỉ đô la Mỹ để tái cơ cấu kinh tế”. Báo cáo với quốc hội ngày 20.10 về đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra con số 10,567 triệu tỉ đồng (tương đương 480 tỉ đô la Mỹ) cần thiết để tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Ảnh minh họa.

Chính phủ sẽ xem xét thành lập Tổ công tác để đôn đốc, tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, với 5 nội dung trọng tâm gồm: Thứ nhất, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thứ hai, tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước bao gồm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước và khu vực dịch vụ sự nghiệp công. Thứ ba, tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán. Thứ tư, hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ năm, tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ. Đề án không nói rõ nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế này lấy từ đâu.

Con số 480 tỉ đồng, hơn gấp đôi tổng GDP Việt Nam năm 2015, mà Bộ trưởng Bộ KH-ĐT ném ra lập tức gây chấn động, xôn xao trong các nhà kinh tế. TS Vũ Quang Việt, nguyên chuyên gia thống kê Liên Hợp Quốc, viết trên TBKTSG rằng số tiền 480 tỉ USD này là cần cho thời kỳ 2016-2020, tức là mỗi năm cần đến 90 tỉ đô-la Mỹ. “Trong khi GDP năm 2015 là 199 tỉ đô-la Mỹ và tổng tích lũy là 50 tỉ đô-la Mỹ. Như thế, chi phí tái cơ cấu hàng năm vượt cả tổng tích lũy của nền kinh tế! Với yêu cầu vốn trong 5 năm như trên thì cũng nhiều hơn hẳn tổng đầu tư của suốt hơn 10 năm trong thời kỳ 2006-2015 (404 tỉ đô-la Mỹ). Lấy đâu ra tiền để đáp ứng yêu cầu điều ông Bộ trưởng đưa ra?

Phải chăng ông tuyên bố với tinh thần trách nhiệm của một người có trách nhiệm? Đặt ra thế để thấy rằng từ những năm 2006 đến nay, các kế hoạch đầu tư có vẻ vĩ đại, nhưng nền kinh tế ngày càng bị đẩy dần tới chỗ cực kỳ khó khăn: kinh tế dù có tăng trưởng nhưng là tăng trưởng thiếu chất lượng, lạm phát cao trong rất nhiều năm, thiếu hụt ngân sách tiếp tục tăng không kiểm soát được, và tỉ lệ nợ so với GDP không chỉ của Chính phủ và của cả nền kinh tế ngày càng tăng.

Cái đạt được là tính chất thiếu chất lượng của các dự án đầu tư, tiêu rất nhiều tiền quốc gia, nhưng hầu hết đều lỗ vốn và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc trong dân chúng”. TS Vũ Quang Việt phân tích tiếp: "Thời trước đây, khi nói đến đổi mới là nói đến thị trường hóa sản xuất với giá cả được tự do hơn thay vì tập trung vào quyền quyết định của một vài quan chức nhà nước. Cụ thể ở nông nghiệp, thị trường hóa là giao đất cho nông dân tự sản xuất và tự tiêu thụ. Cái lợi của đổi mới là rất lớn. Lợi lớn như thế nhưng đâu cần chi, bởi vì thời đó nhà nước khánh kiệt, làm gì có tiền mà chi, chỉ là chuyển đổi cơ chế.

Vậy thì cần hỏi lại: Tái cấu trúc có nội dung gì? Mục đích của tái cơ cấu là mang lại lợi ích hay là để chi tiền ra? Nếu là phát huy vai trò của tư nhân, thì đầu tư là do tư nhân quyết định, đâu cần gì đến vốn nhà nước. Giảm thiểu vai trò của các tập đoàn quốc doanh bằng cách chứng khoán hóa thì lại đưa thêm vốn tiền mặt vào tay nhà nước. Nói tóm lại, nếu tái cấu trúc là “cổ phần hóa” thì chính quá trình này tập trung vốn trở lại vào tay nhà nước để đầu tư vào các công trình có công ích thực sự”.

Có lẽ vì những thắc mắc rất cơ bản đó mà TS Đinh Trọng Thắng, và Đào Xuân Tùng Anh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – một trong các cơ quan chuẩn bị đề án – sau đó đã phải giải thích thêm, cũng trên TBKTSG. Theo hai ông Thắng và Tùng Anh, nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế không tách riêng, mà được đặt trong tổng thể các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 (dự kiến khoảng 10 triệu tỉ đồng). Bản chất của tái cơ cấu nền kinh tế là việc nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực, nâng cao vai trò và hiệu quả của thị trường trong phân bổ và sử dụng nguồn lực.

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế không yêu cầu nguồn lực tài chính tăng thêm, nhưng có yêu cầu đặc biệt cao về các nguồn lực khác, đặc biệt là sự quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, cũng như yêu cầu giám sát chặt chẽ của Quốc hội và các tổ chức đoàn thể. Do việc tăng trưởng dựa vào gia tăng nguồn lực đã bộc lộ nhiều hạn chế trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng GDP giảm dần, cứ 10 năm lại giảm 1% nên tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới được hiểu là quá trình phân bổ lại nguồn lực (trước hết là vốn đầu tư) trên phạm vi quốc gia nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung (bao gồm hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả phân bổ).

Mục tiêu của tái cơ cấu nền kinh tế đến năm 2020 là “Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung vào việc nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và đảm bảo tăng trưởng xanh, sạch, bền vững”. Tái cơ cấu nền kinh tế đến năm 2020, theo ông Thắng và Tùng Anh, dựa trên 2 trụ cột chính, có tác động tăng cường và bổ trợ lẫn nhau là:

1) Đổi mới toàn diện phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, xây dựng Nhà nước liêm chính và kiến tạo, để thị trường có vai trò ngày càng quan trọng trong huy động và phân bổ các nguồn lực xã hội.

2) Tập trung tái cơ cấu và hiện đại hóa các ngành kinh tế và vùng kinh tế, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của từng ngành và của nền kinh tế. Tái cơ cấu nền kinh tế đến năm 2020 không yêu cầu nguồn lực tài chính bổ sung, đặc biệt từ nguồn NSNN. Tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới nhằm nâng cao vai trò của “bàn tay vô hình” của thị trường trong việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, do vậy, hạn chế tối đa việc huy động các nguồn lực bổ sung từ NSNN để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Nhưng tái cơ cấu nền kinh tế đòi hỏi yêu cầu rất lớn đối với các nguồn lực “phi tài chính”. Đặc biệt là: - Cần có sự tham gia của tất cả người dân, cần huy động nguồn lực tri thức, sự sáng tạo của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế để có thể xây dựng một nền kinh tế năng động, sáng tạo. - Yêu cầu quyết tâm chính trị cao và sự thay đổi trong nhận thức của lãnh đạo các cấp...

Cần có quyết tâm chính trị cao độ để vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ để thực hiện các giải pháp đã đề ra trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế... Thẩm tra đề án tái cơ cấu nêu trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo và thực hiện là tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin - cho; nhanh chóng khoanh vùng xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời. Nhìn theo quan điểm đó, câu chuyện đang đập vào mắt mọi người lâu nay và hoàn toàn đi ngược lại những gì đề án muốn đạt tới trong việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực chính là việc trong giai đoạn 2004-2020, tỉ lệ ngân sách được giữ lại của TP.HCM giảm liên tục từ 29% xuống chỉ còn 18%, trong khi tỉ lệ này của Hà Nội tăng từ 32% lên 35%.

Như vậy, theo tiến sĩ kinh tế Vũ Thành Tự Anh, đô thị lớn nhất và đầu tàu kinh tế cả nước đột ngột bị thắt lưng buộc bụng. Dù động cơ của chính sách này là tận thu ngân sách hay là gì khác thì đây cũng sẽ là một quyết định sai lầm, làm suy giảm tăng trưởng không chỉ của TP.HCM mà còn của cả nước. Theo kế hoạch, sau khi hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán thì trụ sở mới sẽ đặt tại Hà Nội. Vẫn theo TS Tự Anh, như vậy, TP.HCM - trung tâm tài chính lớn nhất nước - sẽ không còn Sở giao dịch chứng khoán. Điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế của TP.HCM do mất đi một phần hiệu ứng cụm ngành (cluster effect), trong khi gia tăng chi phí giao dịch (transaction costs).

Như vậy, TP.HCM vừa bị cắt mạnh ngân sách, vừa chịu tổn thất đối với một trụ cột tăng trưởng, trong khi mỏi mòn xin “cơ chế mới” nhiều năm mà Trung ương vẫn không cho. Một chính phủ với sứ mệnh kiến tạo phát triển sẽ không thể để những điều này xảy ra với đô thị lớn nhất và đầu tàu kinh tế của mình. Chỉ riêng điều này thôi đã cho thấy, nói tái cơ cấu với những chi phí khổng lồ chưa biết lấy từ đâu mà không thay đổi triệt để về chính sách để khai thông mọi nguồn lực, phân bổ nguồn lực đến những nơi hiệu quả nhất, xóa bỏ cơ chế xin-cho thì mọi ngôn từ hay ho về tái cơ cấu sẽ chẳng có ý nghĩa gì; nền kinh tế sẽ tiếp tục chững lại và đi xuống trong khi không còn đường lùi. Nó cũng phá hủy ngay trụ cột thứ hai trong hai trụ cột tái cơ cấu mà ông Thắng và ông Tùng Anh nêu ở trên.

Đoàn Khắc Xuyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái cơ cấu nền kinh tế có phải là huy động và chi thật nhiều tiền?