"Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" kỷ niệm 70 năm Ngày tiếp quản Thủ đô và 25 năm Hà Nội được vinh danh Thành phố vì hòa bình. Chương trình tái hiện lại những hình ảnh lịch sử hào hùng của Thủ đô 70 năm về trước.
Văn hóa

Tái hiện thời khắc lịch sử hào hùng ngày tiếp quản Thủ đô 70 năm trước

Tuyết Nhung 06/10/2024 16:09

"Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" kỷ niệm 70 năm Ngày tiếp quản Thủ đô và 25 năm Hà Nội được vinh danh Thành phố vì hòa bình. Chương trình tái hiện lại những hình ảnh lịch sử hào hùng của Thủ đô 70 năm về trước.

Tái hiện thời khắc lịch sử hào hùng, tôn vinh giá trị văn hóa, hòa bình

Đây là sự kiện trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày tiếp quản Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024) và 25 năm đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" của UNESCO (16.7.1999 - 16.7.2024).

image_gallery.jpg
Màn thực cảnh tái hiện lịch sử "Ngày về chiến thắng"

Một trong những điểm nhấn quan trọng của chương trình là màn tái hiện sống động về hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội trong thời khắc lịch sử ngày 10.10.1954, khi quân đội Việt Nam tiếp quản Thủ đô, đánh dấu sự kết thúc ách đô hộ thực dân. Khoảnh khắc hào hùng này được tái hiện bằng những màn biểu diễn thực cảnh quy mô lớn, với sự tham gia của gần 1.000 chiến sĩ cùng 200 nghệ sĩ, diễn viên múa. Những hình ảnh quen thuộc như cầu Long Biên, nơi đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô, hay Cột cờ Hà Nội, nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong lễ chào cờ đầu tiên vào ngày 10.10.1954, được tái hiện rõ nét trên sân khấu, mang lại cảm xúc sâu lắng cho khán giả.

anh-06.10-12.jpg
Tái hiện những thời khắc lịch sử của Hà Nội

"Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" được chia làm 3 phần chính, bao gồm "Ký ức Hà Nội", "Dòng chảy di sản", "Hà Nội: Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo". Thông qua sự kiện này, Hà Nội không chỉ khẳng định vị thế của TP lịch sử, văn hóa mà còn là trung tâm du lịch, kinh tế, chính trị quan trọng của cả nước.

Tổ chức "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" cũng là một phần trong chiến lược phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện kỷ niệm Ngày tiếp quản Thủ đô hằng năm, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa và phát triển kinh tế bền vững cho Thủ đô.

Sáng 6.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Lễ khai mạc "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình". Ngày hội được tổ chức ở khu vực tượng đài Vua Lý Thái Tổ - không gian lịch sử văn hóa hồ Gươm, địa danh linh thiêng, trái tim của Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của gần 8.000 người dân, đại diện các cơ quan ngoại giao ở Việt Nam...

anh-06.10-2.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo trung ương và thành phố Hà Nội dự Ngày hội Văn hóa vì hòa bình

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng ban Tổ chức "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" nhấn mạnh, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày tiếp quản Thủ đô và kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", hôm nay, trước tượng đài Đức vua Lý Thái Tổ, không gian lịch sử văn hóa hồ Gươm, địa danh linh thiêng, trái tim của Thủ đô Hà Nội, nơi ghi dấu truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc đã trả gươm thần cho Rùa vàng, như một thông điệp giã từ chiến tranh và khát vọng hòa bình, TP.Hà Nội long trọng tổ chức "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình".

anh-06.10-10.jpg
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu

Cách đây 1.014 năm, vào mùa thu năm 1010, tiếp nối sự nghiệp dựng nước của các vua Hùng, các bậc tiên liệt, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn với tầm nhìn chiến lược, đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của nước Đại Việt. Từ mốc son lịch sử đó đến thời đại Hồ Chí Minh, trải qua hơn một thiên niên kỷ, với bao biến cố thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội vẫn trường tồn cùng tuế nguyệt, vững vàng, khí phách hiên ngang, xứng đáng là trái tim của nước Việt Nam độc lập, tự do và hạnh phúc.

Nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày tiếp quản Thủ đô, "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" nhằm lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ.

Đặc biệt, sự kiện này thực sự là ngày hội của người dân Hà Nội vì được thực hiện bởi hàng nghìn quần chúng, nhân dân Thủ đô, cùng tham gia tái hiện những mốc son lịch sử của Thủ đô qua các thời kỳ; giới thiệu, trình diễn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội và các làng nghề tiêu biểu của Thủ đô...

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh khẳng định: "Trong thời khắc lịch sử và linh thiêng này, chúng ta cùng thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với tổ tiên và các thế hệ tiền nhân đã có công khai sáng và dựng xây kinh thành Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay. Chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các nhà cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ nhân dân, lực lượng vũ trang Hà Nội và cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã đóng góp công sức và vật chất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô".

Hà Nội luôn thể hiện tinh thần kiên cường và tái sinh

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc, Trưởng đại diện các tổ chức của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khẳng định Hà Nội với hơn 1.000 năm văn hóa và lịch sử, luôn thể hiện tinh thần kiên cường và tái sinh. Sau ngày 10.10.1954 lịch sử, lãnh đạo và người dân Thủ đô đã hồi sinh, xây dựng nên một thành phố tràn đầy sự đổi mới, hòa nhập và thịnh vượng. Danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" do UNESCO trao tặng năm 1999 và việc UNESCO công nhận Hà Nội là TP sáng tạo vào năm 2019 nhấn mạnh nỗ lực của TP trong việc tái tạo chính mình qua từng năm.

"Liên Hợp Quốc luôn duy trì mối quan hệ đối tác lâu dài và hiệu quả với Thủ đô (Hà Nội), và chúng tôi đã đồng hành cùng TP trong quá trình chuyển mình ngoạn mục, đặc biệt là kể từ khi Hà Nội được UNESCO công nhận là TP sáng tạo đầu tiên tại Việt Nam. TP đã nỗ lực chung tay bảo tồn cả di sản vật thể và phi vật thể, qua đó nêu bật sự giao thoa giữa lịch sử của Hà Nội với những yếu tố hiện đại và đổi mới sáng tạo. Quyết tâm cao của chính quyền TP.Hà Nội trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công - tư để phát triển nền công nghiệp văn hóa sáng tạo lấy giới trẻ làm nòng cốt. Có thể thấy, TP.Hà Nội đã xác định rõ văn hóa là một động lực phát triển kinh tế - xã hội quan trọng", bà Pauline Tamesis nói.

Theo bà Pauline Tamesis, TP.Hà Nội đã và đang huy động được nguồn lực mạnh mẽ từ thế hệ trẻ tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo, phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành TP đáng sống hơn cho mọi người dân. Lễ kỷ niệm và lễ hội văn hóa vì hòa bình diễn ra hôm nay là minh chứng điển hình về sự thành công của Hà Nội trong nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn trở thành thủ đô văn hóa và sáng tạo của Việt Nam.

Bà Pauline Tamesis khẳng định: "Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nói chung và UNESCO nói riêng, rất vinh dự được hợp tác với Hà Nội để triển khai nhiều dự án và sáng kiến kể từ khi văn phòng UNESCO chính thức được thành lập tại TP cách đây 25 năm. Nhờ sự tin tưởng và nỗ lực không ngừng nghỉ, quan hệ hợp tác đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của TP".

Bài liên quan
Hà Nội có 6 điểm bắn pháo hoa dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô
TP.Hà Nội sẽ có 6 điểm với 7 trận địa bắn pháo hoa để chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024)

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
một giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái hiện thời khắc lịch sử hào hùng ngày tiếp quản Thủ đô 70 năm trước