Moscow đã chú trọng giải quyết vấn đề hoà hợp dân tộc trước khi xúc tiến vấn đề hoà giải giữa các phe phái, các lực lượng chính trị có xung đột lợi ích tại Syria, vì vậy kế hoạch hiện thực hoá tham vọng của Moscow với ván cờ Syria chưa thành công, thậm chí có thể thất bại.
Tham vọng của Nga tổ chức Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria bước đầu đã thất bại
Ngày 31.10, sau khi kết thúc vòng đàm phán mới về hoà bình cho Syria do Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cùng với Nga đứng ra làm trung gian và hậu thuẫn tổ chức tại Astana, Kazakhstan - Hoà đàm Astana, Moscow đã chính thực thông báo kế hoạch tổ chức Hội nghị Đối thoại quốc gia Syria, theo RIA Novosti.
Theo nhà đàm phán Nga Alexander Lavrentyev, các bên đã nhất trí đề xuất của Nga tổ chức một hội nghị đối thoại dân tộc cho Syria dự kiến diễn ra vào ngày 18.11.2017 ở Sochi, với mục đích giúp cho các phe phái trong cuộc nội chiến Syria ngồi lại với nhau để cùng bàn về tương lai đất nước.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia phương Tây đã bày tỏ sự hoài nghi về hội nghị này, bởi họ vẫn nhìn nhận nỗ lực cho hòa bình và tiến trình chính trị của Syria cần thực hiện qua cơ chế của Liên Hợp Quốc, mà cụ thể là các vòng đàm phán tại Hội nghị quốc tế tại Geneva.
Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ - một bên tham gia bảo trợ Hoà đàm Astana - cũng tỏ ra khó chịu với kế hoạch của Nga, vì sự kiện này có thể có sự tham gia của các nhóm người Kurd đang kiểm soát nhiểu vùng lãnh thổ ở bắc Syria, mà vốn bị Ankara coi là những nhóm khủng bố.
Nhà chính trị Thổ Nhĩ Kỳ còn nhận định, nếu Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria diễn ra thì có thể các nhóm chính trị đối lập ở Syria sẽ tham gia nhưng chỉ ở mức cử giám sát viên, chứ không cử đại diện chính thức. Chứng tỏ ý tưởng của Moscow đã nhận được sự thờ ơ từ Ankara và các đối tác phương Tây.
Vậy nhưng, ngày 7.11, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bác tin hoãn Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria và cho cho biết, công tác chuẩn bị vẫn đang được tiến hành, các bên đang thống nhất nội dung hội nghị. Ông Lavrov khẳng định mọi việc đang được đẩy mạnh hết sức, theo TASS.
Nay đã là ngày 21.11.2017, song Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria đã không thể diễn ra. Dù Nga chưa lên tiếng, nhưng với diễn tiến thực tế, nhất là phản ứng từ Ankara, cho thấy Moscow đã thất bại bước đầu trong tham vọng độc diễn kiến tạo hoà bình và sắp xếp bàn cờ chính trị cho Syria thời hậu IS.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bác bỏ việc hoãn Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria, song sự kiện này vẫn không thể diễn ra - Ảnh: Russia Today
Tại sao Nga không thể thực hiện tham vọng độc diễn ván cờ Syria thời hậu IS?
Giới phân tích cho rằng, Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria do Nga bảo trợ - một nước đi được cho là thể hiện tham vọng độc diễn ván cờ chính trị Syria thời hậu IS - không thể diễn ra là do tham vọng của Moscow quá lớn và có phần không sát với thực tế của Syria.
Thứ nhất, Nga chỉ đứng ra tổ chức Hội nghị Đối thoại quốc gia Syria - một bước trong tiến trình chính trị cho Syria - song thực chất Moscow lại đóng cả vai trò đạo diễn lẫn tác giả kịch bản trong sự kiện chính trị đặc biệt này.
Ngày 31.10, đại diện Nga tại Hoà đàm Astana Alexander Lavrentyev đã từng cảnh báo nếu các phe nhóm đối lập Syria không thay đổi quan điểm, họ sẽ có thể bị gạt khỏi tiến trình chính trị tại quốc gia này. Như vậy, sẽ có những người Syria không thể có mặt trong ván cờ chính trị Syria, nếu trái ý Nga.
Giới phân tích cho rằng đây là quan điểm không thực tế mà có thể khiến tham vọng của Moscow bất thành. Bởi từ khi hình thành, phe đối lập Syria đã tham gia vào đời sống chính trị Syria và đã được quốc tế nhìn nhận, do vậy thế lực này không thể đứng bên lề tiến trình chính trị Syria trong mọi trường hợp.
Bện cạnh đó, việc Nga tổ chức Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria để các phe phái tại Syria đối thoại, tìm hướng đi cho tương lai của họ, song Moscow lại xác định nhiệm vụ chính của hội nghị là cải cách Hiến pháp của Syria. Vậy nếu các phe phái không xem cải cách Hiến pháp là mục đích chính thì sao?.
Theo giới phân tích, việc Nga "đặt hàng cải cách Hiến pháp của Syria" cho Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria là chưa phù hợp với tiến trình chính trị của Syria lúc này và điều đó không những khiến phe đối lập có thể phản đối, mà ngay cả chính phủ Syria cũng không đồng thuận với Moscow.
Bởi chính Tổng thống Assad từng lên tiếng Hiến pháp Syria là của người Syria, do người Syria quyết định về thời điểm, nội dung soạn thảo. Còn nhớ, ngày 27.5.2016, khi Bloomberg cho hay Nga đã soạn xong bản Hiến pháp mới cho Syria, ông Assad lập tức khẳng định không có bản Hiến pháp nào cả.
Nhà lãnh đạo Syria nhấn mạnh: "Bất cứ bản Hiến pháp mới nào của Syria sẽ không được đưa ra bởi quốc gia khác, mà sẽ được thảo luận, nhất trí bởi chính người Syria, sau đó sẽ được đưa ra trưng cần dân ý. Mọi thứ khác sẽ là vô giá trị và vô nghĩa". Như vậy, thông điệp của Damascus là rất rõ ràng.
Có thể thấy rằng, Moscow đã thể hiện tham vọng độc diễn ván cờ Syria theo những nội dung kịch bản có phần khiên cưỡng với ý nguyện của người Syria - bao gồm cả đồng minh lẫn đối thủ của Nga. Do vậy, ý tưởng của Moscow đã gặp trục trặci ngay từ bước đầu tiên.
Thứ hai, Nga muốn tổ chức Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria thực chất là nhằm nhanh chóng gạt bỏ vai trò của Mỹ với Syria thời hậu IS, bởi Ngoại trưởng Nga từng khẳng định Mỹ chỉ là khách không mời tại Syria, theo Sputnik.
Có thể khẳng định rằng, khi đã xuất hiện tại Syria thì dù có vị thế như thế nào và đóng vai trò gì, Mỹ cũng không thể đứng ngoài bất cứ tiến trình kiến tạo một nền hoà bình và xác lập một nền chính trị mới cho Syria, sau khi tiêu diệt các lực lượng khủng bố tại quốc gia Trung Đông này.
Điều đó xuất phát từ 2 lý do chính. Một là, Mỹ bảo trợ cho lực lượng đối lập tại Syria, trong khi lực lượng này đã tham gia vào đời sống chính trị tại Syria, trong đó có cơ chế đàm phán cả tại Hoà đàm Astana do Nga và các đồng minh bảo trợ lẫn tại Hội nghị Geneva về syria do LHQ bảo trợ.
Hai là, Mỹ tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, một hành động tương tự Nga khi xuất hiện tại quốc gia này. Việc Mỹ là khách không mời chỉ với quan điểm của Nga và Syria, song Mỹ từng khẳng định tấn công khủng bố ở bất cứ đâu trên trái đất này, theo CNN, thì vị thế đó lại không được xác lập.
Chính Nga cũng đã nhìn nhận vai trò của Mỹ trong cuộc nội chiến tại Syria, thể hiện qua việc cùng kiến tạo Thoả thuận ngừng bắn tại Nam Syria sau khi bộ đôi Trump - Putin gặp nhau lần đầu tiên tại G-20 Hamburg 2017 và Thoả thuận cùng tiêu diệt IS khi hai ông gặp nhau tại APEC Đà Nẵng 2017.
Không những vậy, Mỹ còn đang thúc đẩy cơ chế quốc tế điều tra việc sở hữu và sử dụng vũ khí hoá học tại Syria mà kết quả có thể tạo ra những thay đổi rất lớn vị thế và vai trò của các lực lượng chính trị tại Syria, trong đó đặc biệt là chính quyền Tổng thống Assad được Nga bảo trợ.
Vì vậy, Nga đơn phương có những bước chuẩn bị cho Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria cũng như có những chuyển động nhằm sắp đặt một bàn cờ chính trị mới cho Syria thời hậu IS sẽ trở nên thiếu thực tế và khó thành hiện thực, khi để Mỹ sang một bên hay tham gia với tư cách "khách được mời".
Thứ ba, Nga tổ chức Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria trong bối cảnh còn quá nhiều vấn đề mâu thuẫn ở Syria mà không thể giải quyết bằng đối thoại chính trị, như địa vị của người Kurd hay việc Hezbollah tham chiến tại Syria.
Trong số những mâu thuẫn tầm cỡ quốc gia của Syria thì vấn đề địa vị chính trị của người Kurd là một trong những vấn đề gai góc nhất. Do vậy, vấn đề này cần phải được xác lập và quan điểm của các bên phải được thể hiện rõ ràng trước khi có thể đối thoại.
Phe đối lập không để đại diện của người Kurd tham gia trong thành phần lực lượng này tại các cuộc đàm phán về tương lại Syria, cả ở Hội nghị quốc tế Geneva về Syria lẫn Hoà đàm Astana. Thực trạng này cần phải được giải quyết trước khi nói đến hoà hợp.
Người Kurd đã đơn phương xác lập cơ chế chính trị tự trị của mình ở miền bắc Syria, vấn đề này sẽ được giải quyết theo xu hướng nào, theo cơ chế chính trị nào? Rõ ràng, yêu cầu cả chính quyền Syria và phe đối lập đều phải tìm được hướng ra cho vấn đề này.
Phát ngôn viên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết Ankara không hài lòng với ý tưởng của Moscow về tổ chức Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria - Ảnh: Huriryet Daily News
Bên cạnh đó, việc lực lượng du kích Hezbollah tham gia cuộc chiến tại Syria cũng là một vấn đề cần phải xem xét thấu đáo, bởi Nghị quyết 1559 của LHQ năm 2004 về giải giáp Hezbollah đã buộc tổ chức chính trị - vũ trang này phải tồn tại như một tổ chức khủng bố quốc tế.
Điều đó khiến cho việc Hezbollah tấn công IS tại Syria chẳng khác nào "khủng bố đánh khủng bố". Mới đây, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới đối với Hezbollah và với các thế lực ủng hộ nhóm du kích này, càng khiến cho vấn đề Hezbollah thêm nan giải.
Khi Moscow chưa tìm ra hướng giải quyết vấn đề người Kurd thì Thổ Nhĩ Kỳ làm sao ủng hộ đối thoại. Cũng như vậy, Moscow không thể giải quyết vấn đề Hezbollah, để Mỹ mở đường cho Israel tấn công nhóm du kích này nhằm bẻ cánh tay Iran thì làm sao Tehran sẵn sàng đứng sau cuộc đối thoại Syria.
Rõ ràng, Moscow đã chú trọng giải quyết vấn đề hoà hợp dân tộc trước khi xúc tiến vấn đề hoà giải giữa các phe phái, các lực lượng chính trị có xung đột lợi ích tại Syria, vì vậy kế hoạch hiện thực hoá tham vọng của Moscow với ván cờ Syria chưa thể thành công, thậm chí còn có thể thất bại.
Ngọc Việt