Tầm gửi còn có tên gọi khác như Tằm gửi, Chùm gửi,… (tên khoa học là Loranthaceae). Đây là một họ thực vật có hoa, chứa khoảng 68 – 77 chi và 950 – 1.000 loài cây thân gỗ, phần nhiều trong số đó là cây bán ký sinh.
Tuy nhiên, với cách gọi của người Việt Nam, thì những cây được gọi là tầm gửi, là những cây sống nhờ vào cây khác. Sống nhờ hoàn toàn, có thể kể đến cây tơ hồng (sợi màu vàng, hay leo bám trên các hàng rào, các cây bụi,…) vì cây không có lá, không có chất diệp lục để quang hợp, hệ rễ cũng không thích nghi với việc hút chất dinh dưỡng từ đất.
Còn sống nhờ một phần, đa số là những cây có lá xanh – tức là có chất diệp lục, có khả năng quang hợp, biến năng lượng mặt trời cùng khí Các-bô-níc và nước thành tinh bột, năng lượng, đồng thời trả khí Oxy vào không gian. Nhưng rễ thì được cấu tạo thích hợp với việc hút trực tiếp nước và chất dinh dưỡng của cây chủ.
Cũng có những cây, có khả năng sống tự chủ, tức là hệ lá và hệ rễ có cấu tạo của một cây xanh tự dưỡng. Nhưng vì một lý do nào đó, thường là do hạt giống rơi bám vào khe, kẽ hở có lớp đất mỏng nơi thân cây chủ. Khi hạt giống này phát triển, thì rễ đâm xuyên vào thân cây chủ và hút dinh dưỡng của cây chủ.
Ở trường hợp này, cây có thể luân chuyển từ lối sống tự dưỡng sang tầm gửi, ký sinh bán phần hay toàn phần, và ngược lại. Ví dụ như cây đa bóp cổ, hạt đa rơi trên thân cây chủ, sống dựa vào dinh dưỡng của cây chủ theo lối bán ký sinh một thời gian. Đến khi cây đa đủ lớn, rễ khí buông xuống chạm đất, đủ khả năng hút dinh dưỡng từ đất, thì hệ rễ này bóp xiết thân cây chủ và chiếm luôn vị trí của cây chủ đó. Cũng vì thế mà loài đa này được gọi là đa bóp cổ.
Thế giới thực vật, động vật, cũng có các mối quan hệ như cộng sinh, hỗ sinh, ký sinh,… Và tầm gửi chính là một dạng sống ký sinh (toàn phần hay bán phần.) Đó là sự chọn lọc tự nhiên qua quá trình lâu dài để giữ lại những đặc tính tối ưu nhất sao cho tận dụng được ánh sáng, độ ẩm, không gian phân bố các tầng cây,…trong hệ sinh thái.
Tuệ An