Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền của BBC vào ngày 5.10, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cho biết : "Hiện nay, việc quản lý và điều hành đất nước có một khoảng trống quá lớn, chính quyền gần như bế tắc trước những khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt, nhất là vấn đề an ninh. Đây thực sự là công việc tồi tệ nhất quả đất".
Lãnh đạo Afghanistan mệt mỏi với thực tế đất nước, thất vọng với chiến lược của Mỹ
Ông Ghani cho biết, lực lượng Taliban có hai mục đích chiến lược, hoặc lật đổ chính phủ tại Kabul hoặc tạo ra địa lý chính trị - chiến lược với việc giữ vững những khu vực mà chúng đã đẩy lùi quân chính phủ và chiếm giữ. Theo ông Ghani thì Kabul đã thảm hại trong việc hoá giải cả hai mục đích của Taliban.
Chính phủ Afghanistan hiện chỉ còn kiểm chưa tới 2/3 đất nước. 1/3 còn lại do Taliban kiểm soát hoặc tranh chấp. Năm 2016, Afghanistan đã mất gần 10% lực lượng chiến đấu, với khoảng 7.000 binh sĩ thiệt mạng, 12.000 bị thương, còn hàng ngàn người dân thì đã phải rời bỏ nhà cửa.
Tổng thống Ghani cho rằng hậu quả mà Afghanistan đang phải gánh chịu sau 16 năm Mỹ tấn công lật đổ Taliban là do Mỹ và phương Tây không hiểu bản chất thực sự của cuộc xung đột hiện nay tại xứ A-phú-hãn, nên có sách lược chưa chuẩn xác trong việc hỗ trợ chính quyền Afghanistan..
Theo nhà lãnh đạo Afghanistan, hiện nay không nên tập trung vào cuộc chiến với Taliban, "Cần một thỏa thuận hòa bình với Taliban, đàm phán để đi đến một giải pháp chính trị toàn diện cho Afghanistan, đó là đáp ứng mong mỏi của người dân sau thời gian dài chịu đựng chiến tranh".
Ông Sediq Siddiqi, phát ngôn viên của chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani từng cho biết: “Thách thức lớn nhất của chúng tôi là Taliban. Chúng tôi cần sự giúp đỡ để gây áp lực buộc họ phải đàm phán. Chúng tôi không thể tự mình làm được điều này và cần sự hỗ trợ của Mỹ".
Nhà chính trị Aghanistan cho rằng, điều quan trọng khiến Taliban có thể chiếm ưu thế trước chính quyền Kabul là do người dân Afghanistan đã mất lòng tin vào chính quyền. Và nếu không làm thay đổi được điều đó thì dù có bao nhiêu quân Mỹ đến Afghanistan cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Mà để làm được điều đó, theo Tổng thống Afghanistan, cần phải có một cuộc đại phẫu đối với chính phủ Afghanistan, mà trong đó mục tiêu chiến lược là nâng cao khả năng quản lý - điều hành và nỗ lực đẩy lùi nạn tham nhũng đang hoành hành bộ máy công quyền tại Afghanistan.
Thực tế luôn như vậy thì biết khi nào Mỹ mới được rút quân khỏi Afghanistan
Các chuyên gia cho rằng sự hỗ trợ quân sự của Mỹ cần thiết với Afghanistan, nhưng chỉ trong ngắn hạn, còn về dài hạn thì phải hỗ trợ kỹ chiến thuật cho quân đội Afghanistan có thể độc lập chiến đấu và đặc biệt quan trọng là hỗ trợ khả năng quản trị cho chính quyền Kabul.
“Nhiều người Afghanistan cho rằng Washington nên cân nhắc kỹ giữa tăng cường sự hiện diện của quân đội với việc gia tăng hỗ trợ để hoạt động của chính phủ Afghanistan có hiệu quả. Bởi nền tảng chính trị yếu kém mới là mối nguy lớn nhất cho hòa bình ở Afghanistan”, theo The Washington Post.
Tướng Mirza Mohammed Yarmand, cựu Thứ trưởng Bộ Nội vụ từng nhận định: "Sự gia tăng quân Mỹ không thể khỏa lấp được sự yếu kém của chính phủ Afghanistan. Nếu không giải quyết được vấn đề này, sẽ không có hòa bình ở Afghanistan, bất kể số quân Mỹ gửi tới đây là bao nhiêu”.
Vậy nhưng, trong chiến lược mới của Tổng thống Trump về Afghanistan thì giải pháp quân sự là ưu tiên hàng đầu, kết hợp với các giải pháp về kinh tế và ngoại giao, mà trong đó yêu cầu Afghanistan phải gia tăng gánh vác trách nhiệm tài chính cho cuộc chiến. Giải pháp chính trị không hề được đề cập tới.
Tổng thống Trump tránh lặp lại việc Mỹ phải nhận lãnh hậu quả của đòn gậy ông đập lưng ông?
Việc Washington phải có chiến lược mới về Afghanistan là do thất bại của Mỹ tại chiến trường này sau 16 năm qua, vậy mà giải pháp chính trị, cụ thể là trợ giúp chính quyền Kabul kỹ năng quản trị và điều hành - vấn đề mà đồng minh cần và cũng là yếu tố quyết định thành công của Mỹ - lại không được đề cập?
Giới phân tích cho rằng, sở dĩ Tổng thống Trump không tập trung vào việc trợ giúp chính quyền Afghanistan trong việc nắm giữ và thực thi quyền lực là do ông muốn tránh lặp việc Mỹ phải nhận đòn gậy ông đập lưng ông từ việc hỗ trợ trực tiếp cho người Afghanistan.
Người Mỹ bị cho là ngậm quả đắng từ những đồng minh người Afghanistan vốn được Washington chọn mặt gửi vàng, trong đó nổi bật nhất là hậu quả của việc "dùng độc trị độc" với đương kim Phó Tổng thống Abdul Rashid Dostum và "nuôi ong tay áo" với cựu Tổng thống Hamid Karzai.
Tướng Dostum là một trong những lãnh chúa khét tiếng nhất của Afghanistan chống lại Liên Xô trong những năm 1980 và trở thành nhân vật quan trọng trong cuộc chiến chống lại Taliban trước khi lực lượng này bị Mỹ tấn công và lật đổ. Mỹ đã thể hiện sự ủng hộ Dostum từ sau vụ khủng bố ngày 11.9.
Washington từng đặt niềm tin vào Dostum, từng được cho là can thiệp để ông ta được nắm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ quốc phòng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Hamid Karzai và tạo điều kiện cho Dostam hỗ trợ Tổng thống Karzai tái cử nhiệm kỳ hai.
Trong chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani, tướng Dostum được bổ nhiệm vào chức vị Phó Tổng thống, một động thái được cho là đáp ứng kỳ vọng của Mỹ giúp cho chính quyền Kabul hiệu quả hơn cuộc chiến chống Taliban. Song kết quả là Washington đã thất bại cay đắng với con bài chính trị này.
Khi được tiếp cận quyền lực, "anh hùng chống Liên Xô" đã xao nhãng việc chống Taliban, mà lại ngựa quen đường cũ với những hành động của vị lãnh chúa năm xưa khi dính vào nghi vấn bắt cóc, tấn công tình dục. Thậm chí hiện nay Dostum còn bị cấm nhập cảnh vào Mỹ vì có dính líu đến thảm sát.
Ngày 17.7 vừa qua khi máy bay chở ông Dostum từ Thổ Nhĩ Kỳ về nước đã bị liên minh quân sự quốc tế do Mỹ cầm đầu không cho phép hạ cánh xuống sân bay ở Mazar-e-Sharif, phía bắc Afghanistan mà buộc chiếc phi cơ phải chuyển hướng sang nước láng giềng Turkmenistan,
Từ sau sự kiện đó, Phó Tổng thống Dostum bị cho là phải lưu vong theo ý đồ của Mỹ, song nó cũng đánh đấu sự thất bại hoàn toàn của Washington trong mưu kế "dùng độc trị độc" - dùng lãnh chúa khét tiếng Dostum để chống lại khủng bố khét tiếng Taliban.
Với cựu Tổng thống Hamid Karzai thì Washington thất bại theo một cách khác, nhưng cũng bẽ bàng không kém. Ông Karzai được Mỹ tạo dựng và hỗ trợ trong nắm giữ quyền lực, vậy nhưng suốt 10 năm làm tổng thống và cả sau khi rời chính trường, ông Karzai đã làm cho người Mỹ phải thất vọng.
Khi nhận thấy không thể toàn thắng, Washington đã đề nghị Kabul và chủ động kết nối với Taliban, nhằm tìm kiếm một giải pháp cho hoà bình tại Afghanistan, tuy nhiên Tổng thống Karzai đã phản đối hành động của Washington, khiến cho mọi việc không thành và cuộc chiến càng ác liệt hơn.
Khi ông Karzai rời bỏ quyền lực thì những bất bình với hành động của người Mỹ đã trở thành quan điểm chống Mỹ của ông. Ngày 16.4 vừa qua, sau khi Mỹ cho ném "siêu bom" GBU-43 xuống miền đông Afghanistan trong cuộc tấn công khủng bố IS, ông Karzai đã chỉ trích Mỹ nặng nề về hành động này.
Đồng minh Hamid Karzai luôn nhìn khác hướng với Washington
"Tôi quyết định phải tìm cách đưa người Mỹ ra khỏi đất chúng tôi. Việc Mỹ ném quả bom khổng lồ này không chỉ là vi phạm chủ quyền quốc gia của Afghanistan mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất đai và môi trường của đất nước chúng tôi trong nhiều năm nữa", Reuters tường thuật.
Cựu Tống thống Karzai cho biết ông "đứng lên chống Mỹ" là thể hiện lập trường giống như từng chống lại Liên Xô và sau đó là chế độ Taliban. Giới phân tích cho rằng sự chỉ trích của ông Karzai là dấu hiệu của phản ứng chính trị rộng lớn hơn, có thể gây nguy hiểm cho sứ mệnh quân sự của Mỹ ở Afghanistan.
Rõ ràng với những hậu quả nhãn tiên như vậy, Washington không thể không dè chừng với chính quyền đương nhiệm, do vậy chiến lược mới chỉ tập trung vào giải pháp quân sự và buộc Kabul phải gánh trách nhiệm tài chính chi cho hoạt động của quân đội Mỹ và NATO tại chiến trường này.
Ngoài ra, việc không muốn hỗ trợ xây dựng một chính quyền vững mạnh tại Kabul còn được xem là ý đồ của Washington muốn quân đội Mỹ có mặt tại Afghanistan trong thời hạn không xác định, Bởi chiến lược mới xem thực tế là cơ sở quyết định, mà khi chính quyền Kabul rệu rã, nghĩa là thực tế bất lợi, buộc Mỹ phải ở lại xứ A-phú-hãn lâu dài hơn.
Ngọc Việt