Sau khi ký kết hợp tác toàn diện với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - LPBank, Học viện bóng đá và CLB HAGL đã thay đổi tên gọi.
Chính thức từ 17 giờ ngày 2.11.2023, Học viện bóng đá và CLB HAGL sẽ đổi tên gọi là Học viện bóng đá LPBank – HAGL và CLB bóng đá LPBank – HAGL.
Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) đã đại diện HAGL Group công bố việc đổi tên này trong buổi lễ ký kết, và Bầu Đức đã dành cho Một Thế Giới một cuộc trao đổi về những cột mộc đáng nhớ nhất của ông trong hơn 20 năm đầu tư vào bóng đá.
Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn
* PV: Ông bà ta nói "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn". Có thể nói ông là người biết tận dụng “đồng tiền đi trước” này: Ký hợp đồng đầu tiên mua cầu thủ nước ngoài Kiatisak khi đó là cầu thủ số 1 Đông Nam Á, sự kiện làm “rung chuyển” giới truyền thông, rồi mở Học viện bóng đá quốc tế đầu tiên, lần đầu tiên quảng cáo “Hoàng Anh Gia Lai Viet Nam” trên sân vận động Emirates… HAGL đã không phải là một HAGL như bao năm qua nếu như ông không liên tiếp tung ra “những cú đấm đầu tiên” rất ngoạn mục này?
- Bầu Đức: Để “bắt sống” được Kiatisak, nói cho vui thế thôi, để có được bản hợp đồng với Kiatisak, năm 2001 tôi đã phải ăn nằm ở Bangkok hai tháng trời. Khi đó người Thái Lan xem thường bóng đá Việt Nam lắm, và họ càng chẳng biết Gia Lai ở đâu, huống chi có một đội bóng vô danh muốn sở hữu cầu thủ số 1 Đông Nam Á, biểu tượng của bóng đá Thái Lan là Kiatisak. Họ càng coi thường, tôi càng quyết tâm làm cho bằng được, làm bằng mọi giá vì Gia Lai, vì danh dự BĐVN và trên hết là vì tự ái dân tộc.
Về việc mở Học viện bóng đá HAGL JMG Arsenal, sau khi nghe tôi tâm sự muốn xây dựng CLB HAGL tồn tại và phát triển hàng trăm năm, nhưng tôi mới làm bóng đá được vài năm, ông Arsene Wenger khi đó là HLV Arsenal đã khuyên thành lập một Học viện đào tạo bóng đá trẻ, và ông Wenger sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ tôi để vận hành một học viện bài bản, hiện đại. Tôi vui và vinh dự lắm vì một Câu lạc bộ lớn ở Anh và là CLB hàng đầu châu Âu lại hợp tác với một CLB nhỏ của BĐVN.
Còn với dòng chữ “Hoang Anh Gia Lai Viet Nam” xuất hiện trên bảng điện tử sân vận động Emirates của Arsenal, câu chuyện như thế này. Lúc đầu chỉ có dòng chữ “Hoang Anh Gia Lai”, tôi đã đề nghị phía Arsenal thêm chữ “Viet Nam”.
5 năm trời, không biết bao nhiêu người khi xem Arsenal đá ở Premier League trên sân Emirates ở London đã thấy “Hoang Anh Gia Lai Viet Nam”. Các bạn thấy qua màn ảnh truyền hình đã xúc động rồi thì nếu có mặt trực tiếp ở sân thì cảm giác còn khác nữa. Với tôi, cho đến bây giờ và cả mai sau, cái cảm giác sung sướng, vinh dự trong tôi không bao giờ nhạt phai.
Thực hư câu chuyện HAGL mua 20% cổ phần Arsenal
* Đầu năm 2008, tờ TimesOnline đưa tin “Nhà tài phiệt châu Á Đoàn Nguyên Đức đã công khai ý định muốn sở hữu một số lượng lớn cổ phần của CLB Arsenal” đã tạo nên cơn địa chấn trong làng bóng và thị trường chứng khoán Việt Nam. Thông tin này đã làm dậy sóng truyền thông Việt Nam. Vì sao ông không thể thực hiện được?
- Đúng là tôi muốn mua 20% cổ phần của CLB Arsenal. Tại sao các doanh nhân nước Nga Abramovic hay Thái Lan là Thaksin có thể mua được hai CLB bóng đá Anh quốc là Chelsea hay Manchester City mà doanh nhân Việt Nam lại không thể làm được điều này. Thực tế này càng khiến tôi muốn mua cho bằng được 20% số lượng cổ phiếu Arsenal.
Tôi đã làm việc trực tiếp với chủ tịch CLB Arsenal Peter Hillwood cùng ban lãnh đạo CLB và đặt thẳng vấn đề “mua 20% cổ phần Arsenal”. Họ không thể ngờ một ông chủ CLB bóng đá VN lại có ý nghĩ táo bạo như thế. Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ năng lực của HAGL và trước sự tự tin, nghiêm túc của tôi, ban lãnh đạo Arsenal cho biết cổ phần CLB Arsenal do một số cổ đông lớn nắm giữ, nhưng họ sẽ tìm hiểu xem ai có nhu cầu chuyển nhượng thì sẽ giới thiệu.
Khi đó tôi nắm giữ 55% cổ phần của Tập đoàn HAGL, với khối lượng tài sản được các chuyên gia kinh tế định giá khoảng 1 tỷ USD. Trong khi đó, mỗi cổ phiếu của Arsenal có giá trị khoảng 4,5 bảng Anh. Ngay sau khi có thông tin một tài phiệt Châu Á muốn mua số lượng lớn, giá cổ phiếu Arsenal đã tăng lên thành 8,7 bảng, nâng tổng giá trị CLB Arsenal lên khoảng 1 tỷ USD. Để sở hữu được 20% cổ phần của Arsenal, tôi phải chi ra khoảng 200 triệu USD.
Khi đó tôi ủy thác cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nghiên cứu tình hình tài chính và các hoạt động kinh doanh của Arsenal, lập báo cáo khả thi đồng thời tiến hành xin phép các cơ quan chức năng Việt Nam.
Tôi không nhớ đội ngũ chúng tôi đã thực hiện bao nhiêu chuyến bay qua lại giữa Hồ Chí Minh - London, và chỉ một thời gian rất ngắn sau đó chúng tôi đã có bản danh sách các cổ đông Arsenal có nhu cầu chuyển nhượng cổ phiếu với khối lượng ban đầu trị giá hơn 20 triệu USD. Một ngân hàng của Anh có chi nhánh tại Hongkong đã đồng ý đứng ra dàn xếp cho thương vụ này.
Thế là tôi đã quyết định phong tỏa một ngân khoản tương ứng để sẵn sàng cho việc giao dịch và đích thân tôi đã nhiều lần ra Hà Nội xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền. Mọi chuyện diễn biến hết sức suôn sẻ cho đến khi Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Tài Chính có văn bản… không đồng ý cho HAGL tiến hành vì luật Việt Nam khi đó hoàn toàn chưa cho phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Từ đó, người ta mới được biết thêm rằng, các nhà làm luật đã… bỏ sót nội dung này!
Tôi đã vuột mất cơ hội này, nhưng lại có cơ hội mở Học viện đào tạo bóng đá trẻ HAGL JMG Arsenal với sự giúp đỡ tận tình của HLV Wenger.
Cũng chính ông Wenger đã giữ lời hứa với tôi khi đưa sang Việt Nam đội hình mạnh của Arsenal thi đấu giao hữu cách đây 10 năm. Cũng trong năm 2013, các học viên khóa 1 Học viện HAGL JMG Arsenal đã ra mắt ở giải vô địch U.19 Đông Nam Á, và như mọi người đã biết, những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy… đã làm sống lại niềm tin yêu của người hâm mộ đối với BĐVN ra sao, cũng như thế hệ này đi đến đâu thì ở đó các khán đài đều kín khán giả.
Tên gọi mới để cùng nhau phát triển
* Ông có thể cho biết vì sao lại chọn đối tác là LPBank, đồng thời đổi tên gọi Học viện bóng đá và CLB HAGL?
- Đây là cột mốc đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa một tổ chức tài chính là LPBank với Học viện đào tạo bóng đá trẻ và câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp HAGL để tạo ra những bước ngoặt thành công mới cho sự phát triển của cả hai. Với điểm tựa vững chắc từ LPBank, Học viện bóng đá và CLB HAGL sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, chuyên nghiệp, sớm trở lại đỉnh cao sau nhiền năm mong đợi.
Tôi chọn hợp tác với LPBank, vì Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy vừa trẻ vừa đam mê bóng đá và lại có tiềm lực tài chính. Quan trọng hơn là anh em chúng tôi rất hợp nhau, một sự hợp tác để cùng nhau phát triển và cùng giúp cho BĐVN ngày càng tốt hơn.
Đó là phát biểu của Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn tại buổi lễ ký kết. Ông Tuấn đánh giá BĐVN đã có 22 năm chuyên nghiệp và trong suốt cuộc hành trình này, HAGL đã tạo ra những bứt phá ngoạn mục cùng những đóng góp tích cực góp phần thúc đẩy BĐVN phát triển.
Câu lạc bộ HAGL là biểu tượng của BĐVN