Thực ra, hàng chục năm trước đã có ý kiến nên bỏ Tết Nguyên đán để tập trung ăn Tết Tây, vừa tiết kiệm, vừa hòa hợp xu thế thế giới. Và những ngày qua, chuyện này lại nóng lên.

Tản mạn chuyện nhập Tết ta chung với Tết Tây

20/01/2017, 21:32

Thực ra, hàng chục năm trước đã có ý kiến nên bỏ Tết Nguyên đán để tập trung ăn Tết Tây, vừa tiết kiệm, vừa hòa hợp xu thế thế giới. Và những ngày qua, chuyện này lại nóng lên.

Chuẩn bị hoa bán Tết

Chán tết, nên sao cũng được?

Thực ra, từ lâu rồi nhiều người không trông ngóng Tết lắm. Nhiều lý do, nhưng với riêng tôi, lý do đơn giản: thời đất nước còn khó khăn, đứa trẻ nào cũng trông ngóng Tết. Vì sao? Chỉ có Tết, mới có quần áo mới mặc đi chơi, có thịt kho, bánh chưng, dưa hấu… mà ăn thỏa thích.

Chỉ có Tết, mới có pháo nổ đì đùng, đám con nít cứ canh nhà hàng xóm đốt pháo vừa dứt tiếng nổ, là xúm vào đám khói giành giật những viên pháo tịt rơi xuống. Chỉ có Tết, mới có tiền lì xì khá khá nhét túi đám trẻ ham chơi…

Hồi còn nhỏ… Từ ngày 20 âm lịch, lòng đã nôn nao, mong Tết, dù biết trước sau gì đêm giao thừa cũng tới. Chiều chiều, ra chiếc cầu sắt bắc ngang con rạch, chờ dáng anh chị tay quảy nách mang, từ ký túc xá trên Sài Gòn về quê.

Mấy ngày đó, dù rất thèm nhưng đành bỏ qua những buổi lội kênh, thụt cua, bắt tép. Bởi lỡ gặp rắn - nhẹ hơn thì miểng cứa chân, mấy ngày Tết xem như đi tong. Đêm 23, trước nhà nào cũng bày mâm cúng, đốt chân nhang, đưa ông Táo, lửa lung linh khắp xóm. Tụi nhỏ chúng tôi, chạy nháo nhác theo tiếng pháo nổ, giành nhau mấy viên pháo lép.

Đêm 29 Tết, cứ ngồi bên mẹ trông lửa cho nồi bánh tét. Củi cháy lách tách, tiếng người đi chợ tết rì rầm suốt đêm, không biết lạnh… Sáng 30, lại ghé nhà chú Năm, thím Bảy,.. gửi mấy đòn bánh tét nhà vừa nấu chín…

Suốt mấy ngày Tết, sáng nào cũng hăm hở thay đồ mới, chờ cha mẹ, anh chị dắt đi chúc Tết ở nhà bà con thân quen. Tối về, chui vào góc nhà, nhẩm đếm tiền lì xì thu hoạch được. Xếp mấy tờ bạc mới tinh, cứ móc ra vuốt vuốt, không dám xài. Nhưng loay quay rồi vài ngày sau cũng hết. Vậy mà vui.

Nhưng đêm 30 năm rồi, đứa em họ sống ở Hà Lan, điện thoại về chúc Tết. “Em nhớ mấy ngày Tết ở bên mình quá”, nó than. Tôi biết, nó nhớ những đêm ngồi cắn hạt dưa, tán chuyện mãi không dứt. Nhớ mấy bữa chạy quần coi múa lân. Nhớ mấy mẻ mứt phơi ngoài sân chờ Tết, nhớ nồi bánh tét đỏ lửa đêm đêm.

Nhớ cảnh chợ chiều 30 vắng tanh, còn trơ sạp, chõng, tha hồ chạy nhảy. Và nó nhớ, những buổi chiều cứ ra vào nhìn đồng hồ, chờ đúng 6 giờ là xách xe đạp, đi chở người yêu dạo chợ hoa, lựa dưa hấu…

Nhưng giờ? Cứ lo “cày”, khi nào rảnh về, có tiền là như có Tết. Dưa hấu bây giờ có quanh năm. Thèm gì, cứ ra siêu thị, từ mứt, thịt, bánh chưng, ngày nào cũng có, chẳng cần phải Tết. Pháo thì từ lâu đã chẳng còn nghe tiếng nữa để mà mong.

Còn mai, đào, với kỹ thuật của các nhà vườn hiện nay, muốn chúng nở rộ vào Tết Tây, hẳn cũng không khó lắm. Với trẻ con, Tết giờ chỉ là dịp để chúng chơi game thỏa thích, tiền bạc giờ ngày thường chúng cũng chẳng thiếu, trông chi Tết. Còn người lớn, Tết chỉ là kỳ nghỉ dài để tha hồ nhậu nhẹt, hoặc đùm túm vợ con đi du lịch…

Phải chăng, vì chán Tết, nên mới có ý định: thôi thì, Tết nào chả Tết, kiếm dịp nào cho lợi cả đôi đàng mà ăn Tết?

Cái Tết ngàn năm…

Nhưng những ngày qua, cũng rất nhiều người phản đối ý kiến bỏ Tết Nguyên đán. Thực ra cái Tết cổ truyền đã gắn bó với dân ta hàng ngàn đời nay, đã có những truyền thuyết thuần Việt liên quan đến nó như truyện bánh chưng, bánh dày, đã đi vào tâm thức, tình cảm của bao thế hệ người Việt,..

Quan trọng nhất, Tết cổ truyền gắn với văn minh lúa nước, với lịch âm. Dịp Tết Nguyên đán trùng vào lúc nông nhàn, nên thời điểm đó “ăn chơi” là thích hợp.

Và nhiều người Việt - thậm chí doanh nhân, vẫn giữ tạp quán, khi xuất hành, khởi công… đều căn cứ lịch âm. Mà lịch âm chính xác khỏi chê! Cứ ngày rằm là trăng tròn, cứ 30 là nước trên các con sông dâng cao…

Nếu chuyển sang ăn Tết Tây? Cứ nghĩ đơn giản, khó mà bắt họ phải cúng ông Táo vào ngày… 23 tháng 12 dương lịch, sát với ngày Giáng sinh! Tức cũng không ai cản được chuyện ngày 30 tháng Chạp, họ vẫn cúng rước ông bà, và những ngày đầu tháng Giêng nhiều nhà đều dựng nêu ngày Tết…

Tất nhiên, chỉ là luận bàn cho vui, chứ chính quyền cũng không thể áp đặt, phạt vạ các thói quen, buộc ngay người dân phải bỏ cái Tết nào, ăn cái Tết nào. Cái chính, là xem xét giảm bớt các ngày nghỉ, các kỳ lễ hội vô bổ, vậy là tạm ổn… Người thời nay, cứ có tiền là có Tết. Không tiền, bắt họ ăn Tết cũng khó mà vui…

Chỉ biết, cuộc sống phát triển dần, nhiều thứ mới được hân hoan chấp nhận, và nhiều thứ cũ buộc phải đào thải. Và sẽ còn nhiều thứ bị lãng quên, đào thải trong cuộc sống tiếp diễn không ngừng này.

Nhưng điều chắc chắn rằng, nhiều người sẽ phải chấp nhận mất tiền, chấp nhận sự giả dối để tìm lại “hương vị” những thứ bị đào thải và lãng quên ấy, dù biết giả dối và chân thật là 2 phạm trù đối lập.

Một nhà nghiên cứu kể rằng, khi người Thái giàu, kinh tế phát triển, họ đã bỏ tiền mua sếu, tái tạo cảnh quan, mong sếu dừng chân sống những ngày còn lại trên đất Thái. Nhưng sếu vẫn đi. Chúng đi khi cảm thấy những gì người ta tạo cho chúng quá giả tạo, và cảm giác bất an, môi trường tù túng…

Chúng ta có thể đánh mất nhiều thứ quý giá mình đã có, để rồi hối tiếc. Và cái Tết cũng vậy. Nói chua chát là không mong thôi, chứ thật tâm ai cũng ngóng Tết, bởi cả năm mới có dịp họp mặt, thăm viếng ông bà. Như ông bà cụ nhà tôi, cứ sáng mồng một Tết, đã thay đồ mới, ngồi nhấm nháp trà chờ con cháu đến mừng tuổi.

Và ông trời hình như cũng muốn cái tết rơi vào độ tháng Giêng, khi tiết trời rất đẹp, lành lạnh mà ấm áp. Còn mới Tết Tây vừa qua, miền Tây cứ mưa rả rích, trời xám xịt mà buồn thảm.

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tản mạn chuyện nhập Tết ta chung với Tết Tây