Thời gian này, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu, nội dung kiểm tra tập trung vào nguồn gốc nguyên liệu sản xuất bánh.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Chu Thị Thu Hương vừa đưa ra yêu cầu về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2024 và kiểm tra chất lượng hàng hóa đến hết năm 2024.
Theo đó, Tết Trung thu sắp tới, nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm, rượu bia, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh trung thu sẽ gia tăng.
Để phòng ngừa, ngăn chặn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị cục quản lý thị trường các tỉnh thành tăng cường quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn, xử lý việc kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu, không bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em...
Đối với mặt hàng bánh trung thu, trong giai đoạn trước Tết Trung thu, cần kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu, nội dung kiểm tra tập trung vào nguồn gốc nguyên liệu sản xuất bánh trung thu; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.
Trong dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng trong việc chấp hành quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh bánh trung thu.
Sau dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.
Trong quá trình kiểm tra, cục quản lý thị trường các tỉnh thành lưu ý kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, công bố tiêu chuẩn chất lượng, công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; về sử dụng dấu hợp chuẩn, hợp quy, mã số, mã vạch; sự phù hợp của hàng hóa đối với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng; kiểm tra thực tế sự phù hợp của chất lượng hàng hóa với nội dung công bố trên nhãn hàng hóa.
Cần kết hợp tuyên truyền tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh những quy định pháp luật về kinh doanh hàng hóa và bảo đảm an toàn thực phẩm, việc chấp hành các quy định về công bố tiêu chuẩn, công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa các các quy định về chất lượng hàng hóa. Đồng thời, phải xử lý nghiêm những vi phạm và công bố công khai tên các tổ chức, cá nhân vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Càng gần Tết Trung thu, nhu cầu sử dụng các loại bánh kẹo, nhất là bánh trung thu của người dân càng tăng cao. Chính vì vậy, nhiều đối tượng đã tìm mua các loại bánh "trôi nổi" trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ về bán kiếm lời. Những sản phẩm nêu trên không được kiểm soát chất lượng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đáng chú ý, trên mạng xã hội, trên các sàn thương mại điện tử, nhiều loại bánh trung thu được rao bán với giá siêu rẻ, có loại bánh trung thu mini trứng chảy có các vị socola, sữa, trứng muối, hạt sen... giá chỉ 7.000 - 8.000 đồng/chiếc và hạn sử dụng lên tới 3 tháng. Có những loại bánh được bán theo "set", nếu mua 1 set bánh 55 - 60 cái với giá 199.000 đồng thì trung bình mỗi chiếc bánh chỉ khoảng 3.300 - 3.600 đồng... Đây là các loại bánh nhập ngoại, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có nguồn gốc xuất xứ, thông tin liên quan đến thành phần, chất lượng.