Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các cơ quan chuyên môn và ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL rà soát, tham mưu cấp thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy cơ giới hóa.

Tăng cường phối hợp, đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp

Văn Kim Khanh | 26/08/2022, 08:15

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các cơ quan chuyên môn và ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL rà soát, tham mưu cấp thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy cơ giới hóa.

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Agitechnica Asia Live 2022, chiều 25.8 tại Văn phòng Điều phối Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tại ĐBSCL, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở NN-PTNT các địa phương và đơn vị có liên quan về các vấn đề lớn sau diễn đàn cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa và nông nghiệp nói chung.

trung-chanh.jpg
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì buổi làm việc - Ảnh:  Trung Chánh

Theo Bộ trưởng NN-PTNT, cơ giới hóa đồng bộ và áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp ở nước ta đã có một số thành tựu trên đường phát triển. Những tiến bộ này sẽ góp phần quan trọng trong sản xuất lúa, nông sản. Cơ giới hóa đồng bộ sẽ làm thay đổi thị trường lao động, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để sử dụng lao động hiệu quả, nâng cao đời sống người nông dân.

thiet-bi-bay-phu-thuoc.jpg
Nông dân ĐBSCL dùng thiết bị bay gieo sạ lúa - Ảnh: QT

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng: “Thông qua hội thảo, ta thấy rằng ngành NN-PTNT hiện nay đạt nhiều tiến bộ. Tiêu biểu là ngành hàng lúa gạo phát triển thuận lợi, xuất khẩu lúa gạo hiện là thế mạnh của Việt Nam... Cơ giới hóa được áp dụng trong gieo trồng bằng máy gieo hạt, máy phun thuốc trừ sâu, máy bón phân. Việc xử lý rơm bằng máy biến rơm trở thành sản phẩm hàng hóa góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Xử lý rơm tốt còn góp phần giảm sâu bệnh cho mùa màng”.

Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt phân tích: “Việc áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư Trung tâm cơ khí vùng phục vụ chương trình này là một kế hoạch hay. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này còn gặp nhiều vấn đề trong việc triển khai. Ngành nông nghiệp cho cơ chế để địa phương đầu tư thực hiện”.

Ông Lê Quốc Điền - Phó giám đốc Sở NN-PTNN tỉnh Đồng Tháp cho rằng lúa hữu cơ có giá trị cao nhưng phát triển chậm. Tỉnh Đồng Tháp đang triển khai canh tác. Tuy nhiên, đối với người nông dân, canh tác 2 ha lúa hữu cơ mới khá, canh tác 1,5 ha thì chỉ đủ ăn. Vấn đề này cần phải giải quyết khi nhiều nông dân không có đủ diện tích như vậy.

lam-dat-bang-may.jpg
Dùng máy cày làm tơi đất - Ảnh: QT

Ông Đào Thế Anh, Viện phó Viện nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, với ĐBSCL, cơ giới hóa đồng bộ chỉ thực hiện được khi nông dân hợp tác với nhau chứ không thể mỗi người mua sắm 1 máy. Hiện nay, một số phương tiện dùng trong canh tác thì có hai hình thức hợp tác hoặc thuê mướn.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Lê Hữu Toàn phân tích: “Hiện nay Kiên Giang có diện tích đất nông nghiệp hơn 411.000 ha, riêng đất lúa là hơn 317.000 ha. Sản lượng lúa hằng năm cũng lớn hơn so với các tỉnh trong vùng. 6 tháng đầu năm Kiên Giang xuống giống 4 vụ, sản lượng hơn 2 triệu tấn và còn 1,2 triệu tấn chưa thu hoạch. Tuy nhiên, nông dân trong vùng vẫn chưa vươn lên khá giàu dù Kiên Giang đã cơ khí hóa nông nghiệp khá mạnh mẽ. Giá nhiên liệu tăng cao khiến cho việc canh tác của nông dân bị ảnh hưởng bởi giá các dịch vụ tăng. Người nông dân vẫn chưa tận dụng lao động dư thừa cải thiện cuộc sống. Phát triển ngành nghề nông thôn, đẩy mạnh các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, hướng lao động nông thôn dôi dư làm việc tại các khu công nghiệp, đó là hướng mở giải quyết lao động nông thôn”.

lua-huu-co.jpg
Nông dân Tiền Giang canh tác lúa hữu cơ - Ảnh: Mỹ Tho

Ông Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết: “Hậu Giang hiện nay đang cơ khí hóa nông nghiệp mạnh. Tuy nhiên, tình hình chung vẫn thiếu máy, thiết bị. Theo đánh giá chung thì cơ giới hóa manh mún, chưa đồng bộ. Hậu Giang có Nghị quyết đầu tư nguồn lực tập trung, cơ giới hóa nhiều nhưng giá trị mang lại chưa cao”.

“Vấn đề đặt ra là làm sao giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp dôi dư? Ở Hậu Giang hiện nay phổ biến có gia đình 4 người, trong tháng ra đồng 4-5 ngày còn lại là thời gian nhàn rỗi. Chính vì thế cần phát triển nghề nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp để thu hút lao động này, tăng thu nhập cho họ. Cơ giới hóa phát triển sẽ làm cho lao động nông thôn nhàn rỗi nhiều. Mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giúp lao động nông thôn thu nhập mỗi tháng tăng lên 4-6 triệu đồng sẽ giúp họ cải thiện cuộc sống”, ông Hùng nói thêm.

nn4.jpg
Máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL hiện nay rất nhiều - Ảnh: HB

Nói về vấn đề cơ giới hóa, ông Bùi Bá Bỗng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nêu ý kiến: “ĐBSCL cần thành lập trung tâm cơ khí cấp vùng, việc làm này vô cùng cần thiết. Nhà nước cần có quy định cụ thể, làm cơ sở pháp lý cho hợp tác cho đúng pháp luật, hiệu quả. Năm 2000 máy gieo sạ, máy gặt đập liên hợp ít, nay gặt đập bằng máy gần như toàn bộ. Cái khó là việc tồn trữ gạo của nước mình ngược thế giới. Thế giới tồn trữ lúa, mình tồn trữ gạo”.

bp8.jpg
Giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ nông thôn - Ảnh: CXL

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định: “Ngành nông nghiệp hiện nay quy hoạch, kế hoạch là từ trên xuống, thực hiện là từ dưới. Bộ NN-PTNT là cơ quan hoạch định chính sách. Cơ giới hóa chúng ta phải làm, phải xem xét cho hợp lý vì nó chỉ là phương tiện. Mục tiêu cuối cùng của cơ giới hóa đồng bộ và áp dụng khoa học công nghệ là để tăng thu nhập cho người nông dân. Cơ giới hóa thì lao động sẽ dôi dư, nếu không giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho họ thì họ sẽ đi địa phương khác tìm việc làm. Phát triển kinh tế nông thôn thì chúng ta không tính toán trên mảnh đất mà tính trên thu nhập của nông dân. Áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, thiết bị máy móc để thay đổi nông nghiệp, nông thôn, thay đổi đời sống nông dân. Đó là mục tiêu phấn đấu của ngành NN-PTNT”.

Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, Văn Phòng Điều phối NN-PTNT vùng ĐBSCL và ngành nông nghiệp các địa phương quan tâm rà soát, tham mưu cấp thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy cơ giới. Quan tâm tổ chức lại sản xuất để thuận lợi cho đẩy mạnh cơ giới hóa và có các hỗ trợ kịp thời cho nông dân. Chú ý phát huy vai trò năng động sáng tạo tại địa phương…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng cường phối hợp, đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp