Luật Doanh nghiệp quy định, vốn điều lệ các bên có trách nhiệm góp đủ trong vòng 90 ngày, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều không góp vốn đủ như cam kết và để vốn ảo rất nhiều.

Tăng khống vốn điều lệ: 'Chiêu trò' doanh nghiệp và lỗ hổng trong quản lý

Lam Thanh | 30/08/2022, 11:29

Luật Doanh nghiệp quy định, vốn điều lệ các bên có trách nhiệm góp đủ trong vòng 90 ngày, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều không góp vốn đủ như cam kết và để vốn ảo rất nhiều.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, việc tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỉ lên 4.300 tỉ đồng xảy ra tại Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã ck: ROS) trước khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, vừa được Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố, là hành vi bị cấm được quy định tại khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp.

Đây là hoạt động không thuộc sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán và không chịu quản lý, giám sát của UBCKNN, Bộ Tài chính.

Trước đó, ngày 25.8.2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Quyết và các bị can đã có hành vi nâng khống vốn của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã Ck: ROS).

khong.jpeg
Tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỉ lên 4.300 tỉ đồng xảy ra tại Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros

Theo quy định pháp luật, hoạt động phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng trước khi lên niêm yết trên sàn được thực hiện theo các quy định tại Luật Doanh nghiệp, thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ với Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Theo UBCKNN, việc thực hiện tăng vốn điều lệ của một số công ty thuộc “nhóm FLC” trong đó có ROS, đều được thực hiện trước khi lên sàn. Theo đó, ROS đã tăng vốn điều lệ gấp 2.867 lần, từ 1,5 tỉ đồng vào tháng 3.2014 lên 4.300 tỉ đồng vào tháng 3.2016.

Các doanh nghiệp này đều thực hiện tăng vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp và đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời không thuộc sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán và không chịu quản lý, giám sát của UBCKNN, Bộ Tài chính.

Việc tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng xảy ra tại ROS trước khi niêm yết trên thị trường chứng khoán vừa được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố là hành vi bị cấm được quy định tại khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp: “Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị”.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, sau vụ FLC Faros tăng vốn điều lệ từ 1,5 tỉ lên 4.300 tỉ trong thời gian rất ngắn thì thấy rõ hơn tình trạng chung về doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến việc góp vốn thành lập/hoạt động doanh nghiệp.

“Vấn đề lâu nay chúng ta hay tranh cãi nhau đó là vốn thật - vốn đăng ký - vốn kinh doanh của doanh nghiệp, đâu là vốn thật của doanh nghiệp? Tại sao lại có sự tranh cãi như thế này? Hay đây là lỗ hổng của luật về vấn đề vốn điều lệ của doanh nghiệp Việt Nam?”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, thực tế Luật Doanh nghiệp quy định vốn điều lệ các bên có trách nhiệm góp đủ trong vòng 90 ngày, kể từ thời điểm thành lập công ty hoặc tăng vốn điều lệ. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều không góp vốn đủ như cam kết, và để vốn ảo rất nhiều.

Thậm chí, các doanh nghiệp coi vốn điều lệ như tài sản riêng cá nhân, tự ý rút ra, sử dụng không đúng mục đích rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vay, không đóng vốn điều lệ, sau đó kinh doanh thua lỗ và tuyên bố phá sản/giải thể/không trả được nợ.

hung.jpeg
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối

Về nguyên tắc, trong các trường hợp này, theo ông Hùng, nếu có hành vi chiếm dụng vốn điều lệ, sử dụng sai mục đích vốn điều lệ của các cổ đông/thành viên công ty thì hoàn toàn có thể khởi tố hình sự về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" như thế mới đảm bảo việc hoạt động bình thường của doanh nghiệp, cũng như đảm bảo các nghĩa vụ thanh toán của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Hùng, dù luật doanh nghiệp có quy định việc góp vốn qua hình thức chuyển khoản, nhưng nhiều chủ doanh nghiệp lợi dụng việc quản lý vốn sau khi đóng góp (chủ yếu chuyển sang quỹ "tiền mặt") để chuyển vốn và rút ra nhiều lần (hay gọi là "chạy dòng tiền") để cho đủ số tiền góp vốn điều lệ. Nhưng thực tế trong tài khoản ngân hàng không hề có đủ tiền như cam kết vốn điều lệ để hoạt động doanh nghiệp.

Ông Hùng cho rằng, đây là "chiêu trò" mà rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam hay làm. Mặc dù Luật kế toán có nhiều quy định bắt buộc các giao dịch từ 20 triệu trở lên phải qua hình thức "chuyển khoản", vậy thì việc rút tiền mặt lớn và không kiểm soát lượng tiền mặt và tình trạng sử dụng sai mục đích tiền mặt nhiều như thế có phải tình trạng báo động của doanh nghiệp Việt Nam hay không?

Ngoài ra, có dấu hiệu của việc trốn doanh thu, trốn thuế hay không? Tại sao chúng ta lại không quy định hạn mức tối đa quỹ tiền mặt của công ty? Bắt buộc phải để lại tiền "vốn điều lệ" công ty, hạn chế tối đa tình trạng sử dụng sai mục đích vốn điều lệ, hạn chế tình trạng góp vốn ảo?

Thêm vào đó, ông Hùng nêu rằng, mặc dù thực tiễn, quy định pháp luật về vốn góp còn nhiều bất cập, nhưng nếu các đơn vị kiểm toán độc lập còn tiếp tay, còn bỏ sót hồ sơ, còn thiếu trách nhiệm thì tình trạng khai khống vốn ảo, sử dụng sai mục đích và khai khống hồ sơ công ty để đưa lên sàn chưng khoán sẽ còn diễn ra phức tạp, khó lường, gây hệ lụy rất lớn cho Nhà nước và các nhà đầu tư.

Theo UBCKNN, trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã xây dựng hệ thống giám sát, phát hiện giao dịch bất thường trên thị trường chứng khoán bao gồm nhiều cấp: Sở giao dịch chứng khoán là đơn vị giám sát tuyến đầu, có trách nhiệm giám sát, phát hiện các dấu hiệu bất thường trong giao dịch cổ phiếu, hoạt động của tổ chức niêm yết, báo cáo UBCKNN.

Đồng thời, UBCKNN là đơn vị giám sát tuyến trên, dựa trên cơ sở báo cáo giám sát của Sở giao dịch chứng khoán sẽ tiến hành kiểm tra làm rõ các dấu hiệu bất thường xử lý theo quy định.

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 8.2022, UBCKNN đã chủ động chuyển 35 vụ việc sang cơ quan công an để phối hợp xác minh, điều tra xử lý theo quy định, trong đó có các cổ phiếu thuộc nhóm FLC (FLC, ROS, GAB, HAI, AMD, ART), nhóm Loius Holdings. Đến nay, cơ quan công an đã khởi tố 6 vụ việc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng khống vốn điều lệ: 'Chiêu trò' doanh nghiệp và lỗ hổng trong quản lý