Khi nhà nước đã lo trợ cấp cả tiền thuê nhà trọ cho công nhân, thì có nghĩa tình trạng “kinh tế nhà” của công nhân đã tới mức báo động đỏ.

Tăng lương tối thiểu vùng là hài hòa lợi ích

Nhà thơ Thanh Thảo | 16/04/2022, 07:39

Khi nhà nước đã lo trợ cấp cả tiền thuê nhà trọ cho công nhân, thì có nghĩa tình trạng “kinh tế nhà” của công nhân đã tới mức báo động đỏ.

Khi tăng trưởng kinh tế quốc gia đã trở lại gần ngang với thời kỳ trước đại dịch, khi GDP quý 1 năm nay đã tăng 5,03%, các chỉ số cho thấy khả năng phục hồi của doanh nghiệp ngày càng lớn, thì không có lý do gì để chậm tăng lương tối thiểu vùng. Nghĩ đến khả năng chịu đựng của doanh nghiệp qua đại dịch là đúng, nhưng đừng quên sự chịu đựng quá mức của người lao động sau đại dịch này.

Hàng triệu người lao động đã trắng tay qua đại dịch. Họ trở lại với nhà máy với doanh nghiệp khi không còn đồng tiền tích lũy nào. Vì vậy, chính phủ phải bỏ tiền ngân sách tài trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân, dù số tiền mỗi công nhân được nhận không lớn, nhưng đó là cố gắng lớn của chính phủ, vì số lượng công nhân cần được trợ giúp có thời hạn tiền thuê nhà trọ là rất lớn.

Khi nhà nước đã lo trợ cấp cả tiền thuê nhà trọ cho công nhân, thì có nghĩa tình trạng “kinh tế nhà” của công nhân đã tới mức báo động đỏ. Tăng lương tối thiểu vùng chỉ là góp phần nhỏ cùng nhà nước giải quyết khó khăn cho công nhân, cho người lao động đang kiệt quệ, để họ có thể chuyên tâm chuyên lực phục vụ cho các doanh nghiệp các nhà máy.

Tăng lương tối thiểu là để hài hòa lợi ích giữa người lao động và chủ lao động, chứ không đơn thuần chỉ vì người lao động. Cần nhận rõ lợi ích từ hai phía này để ủng hộ cho việc tăng lương tối thiểu vùng, từ đó tăng lương thực tế cho công nhân, giúp công nhân trước mắt là đủ sống để làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn hiện nay. Khi nhà nước đã bỏ không thu thuế 2.000 đồng/lít xăng, chính là để góp phần kiềm chế lạm phát (nhưng giá xăng dầu lại chỉ giảm 1.000 đồng/lít khi bán ra thị trường), thì câu chuyện bão giá ập xuống đầu người lao động nghèo khổ đã đáng sợ tới mức nào, điều này ai cũng biết. Và chủ lao động lại càng biết.

"Doanh nghiệp khó khăn nhưng người lao động cũng đã đến ngưỡng chịu đựng. Cần tăng lương sớm, tránh tình trạng dồn nhiều năm mới tăng tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp" - người đại diện Tổng Liên đoàn Lao động đã nói rõ ràng như vậy. Tinh thần thương lượng đầy trách nhiệm và hết sức rành rõ này cần được công đoàn phát huy mạnh mẽ trong thời gian tới, và những cuộc thương lượng về tăng lương cho công nhân cần được mở ra thường xuyên hơn ở ngay những nhà máy, doanh nghiệp mà công nhân quá bức xúc vì lương thấp không đủ sống.

Đây chính là lúc mà tiếng nói công đoàn, từ Tổng liên đoàn Lao động VN tới hệ thống các công đoàn cơ sở -  những đại diện thực sự cho giới lao động, cho công nhân, có điều kiện thể hiện mạnh mẽ nhất, rõ ràng nhất, thuyết phục nhất vai trò của mình.

Cuộc tháo chạy kinh hoàng của hàng triệu công nhân, người lao động cuối năm ngoái, khi dịch bệnh lên tới đỉnh, là sự kiện mà cả nước ta không thể nào quên được. Các doanh nghiệp, công ty, nhà máy, cả giới chủ lao động phải rút ra được những bài học đau đớn từ cuộc “đánh đường về quê” này của người lao động. Và không gì hơn là phải thực sự quan tâm tới đời sống hiện tại của công nhân đang làm việc cho mình, cụ thể bằng mức lương phù hợp trong bão giá, bằng những khuyến khích cụ thể tiền mặt để công nhân đủ sống, đủ sức khỏe đặng còn làm việc lâu dài và hiệu quả cho các nhà máy, các trung tâm công nghiệp.

Tình trạng hàng mấy vạn công nhân ở TP.HCM và các thành phố khu công nghiệp lớn quyết định rút BHXH một lần, dù họ đã đóng góp cho quỹ này hàng chục năm nay, là một điều quá đau xót. Nó phản ánh tình trạng kiệt quệ, hết đường giải quyết đời sống do thiếu tiền của công nhân. Muốn chấm dứt tình trạng này để khỏi gây thiệt hại về lâu về dài cho công nhân, khỏi dẫn đến những bấp bênh của quỹ BHXH nhà nước, thì phải cấp thiết giải quyết những khó khăn quá sức về đời sống để công nhân có thể tiếp tục an tâm làm việc.

Chỉ khi có những giải pháp để hài hòa lợi ích giữa công nhân và chủ lao động mới là kế “sâu rễ bền gốc” được, mới cùng sống, cùng làm việc và cùng tồn tại được.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng lương tối thiểu vùng là hài hòa lợi ích